Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao tỷ lệ rút tiền bảo hiểm xã hội một lần tăng?

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng sự gia tăng người rút bảo hiểm xã hội một lần do người dân chưa thấy được tác động của bảo hiểm với việc ổn định an sinh xã hội.

bao hiem xa hoi rut mot lan anh 1

Trong phiên họp của Ủy ban các vấn đề xã hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội diễn ra chiều 29/6, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết gần đây tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng.

Sự gia tăng ở đây không phải do tuổi tác, vì người già cũng rút, người trẻ cũng rút. Theo ông Dung, công tác tuyên truyền còn chưa tốt nên người dân chưa thấy được tác động lâu dài của BHXH là bảo đảm tính ổn định về an sinh xã hội.

Người dân chưa thấy tác động lâu dài của BHXH?

Nói thêm về tình trạng rút BHXH một lần, Bộ trưởng LĐTB&XH đặt vấn đề nguyên nhân sâu xa của việc này là gì. Sau đó, ông kể chuyến công tác Đồng Nai vừa qua, ông có hỏi lãnh đạo tỉnh vì sao tỷ lệ người rút BHXH một lần ở Đồng Nai cao trong khi địa phương không phải khó khăn, thu nhập bình quân của tỉnh so với nhiều vùng khác cũng cao hơn.

Thủ tục rút tiền BHXH còn khó khăn, một số người lợi dụng, nhận làm thủ tục rút BHXH một lần để hưởng phần trăm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định việc người dân khó khăn kinh tế nên rút chỉ là một lý do. Thực tế tìm hiểu cho thấy, một yếu tố tác động nữa đến tỷ lệ rút BHXH một lần gia tăng là vừa qua, bộ chuẩn bị đưa ra phương án sửa đổi Luật BHXH.

Cụ thể, tư lệnh ngành lao động cho rằng bộ ngành chức năng mới chỉ đưa ra các phương án khác nhau để báo cáo, nhằm tiến tới sửa đổi chính sách chứ chưa nói sửa đổi gì và sửa như thế nào.

bao hiem xa hoi rut mot lan anh 2

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Molisa.

"Rõ ràng có những thông tin không đầy đủ, không chính xác cho rằng sẽ hạn chế thu nhập của người lao động khi rút BHXH một lần so với hiện hành", ông Dung nhận định.

Do đó, theo ông Dung, công tác tuyên truyền còn chưa tốt nên người dân không thấy được tác động lâu dài của BHXH đối với bảo đảm sự ổn định của an sinh xã hội. Ngoài ra, việc rút BHXH một lần tăng còn cho thấy có tình trạng trục lợi. Do thủ tục vẫn còn khó khăn, một số người lợi dụng làm "cò mồi", nhận làm thủ tục rút BHXH một lần để hưởng phần trăm.

Về quản lý Nhà nước, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết vừa qua, bộ đã cố gắng thực hiện tốt cơ bản một số công việc, một số chính sách pháp luật, tuy nhiên cũng còn một số chính sách đang chậm. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng bảo hiểm, nợ đóng, trốn đóng, lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp… tuy có chuyển biến tích cực, vẫn chưa tốt như mong muốn.

Do đó, ông Dung nhấn mạnh nếu dịch Covid-19 ổn định hơn, 2022 sẽ là năm Bộ LĐTB&XH tăng cường, tập trung cao cho công tác thanh tra và xử lý căng vấn đề thực hiện chính sách, nhất là chậm đóng, nợ đọng BHXH và trục lợi chính sách này.

Người tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp đôi

Tại phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết số nợ BHXH bắt buộc trong năm 2020 là 11.660 tỷ đồng, tăng so với 2019 và số nợ phải tính lãi lên đến 3.017 tỷ. Đây là điều đáng báo động.

Dịch diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn việc đóng BHXH cho người lao động.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Trong tổng số nợ này sẽ chia ra nhiều loại nợ nên Chính phủ cần phân rõ từng loại để có giải pháp phù hợp. Loại nào là nợ do chây ỳ, nợ nào do ảnh hưởng dịch Covid-19 (nợ trước và sau dịch), nợ của khối doanh nghiệp phá sản, giải thể...

Theo ông Mai, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy số nợ tăng nhưng không xử lý hình sự được do việc thu thập hồ sơ gặp nhiều khó khăn, một số cơ quan điều tra yêu cầu cơ quan BHXH cung cấp hồ sơ ngoài tầm quản lý...

Giải trình thêm một số vấn đề, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng những vấn đề liên quan cơ chế chính sách, BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp triển khai, đánh giá tác động của Luật BHXH cũng như những vướng mắc để sớm hoàn thiện các quy định pháp luật.

bao hiem xa hoi rut mot lan anh 3

Tỷ lệ người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao gần đây. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Theo ông Mạnh, mặc dù năm 2020 khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, nhờ sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan nên số người tham gia BHXH tự nguyện gấp đôi năm 2019. Công tác thu BHXH năm qua cũng đạt và vượt dự toán Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Mặt khác, ông Mạnh thông tin số nợ năm 2020 là hơn 11.000 tỷ đồng, dù tăng nhẹ số tuyệt đối so với năm 2019, nhưng số tương đối lại giảm.

"Trong điều kiện như vậy, chúng tôi phân tích tuổi nợ từ dưới 1 tháng, từ 1 tháng đến 5 năm và trên 5 năm. Đây là điểm sáng trong thu hồi nợ. Từ việc phân loại nợ, chúng tôi phân tích các đối tượng nợ. Trong số nợ đó thì có trên 1.200 tỷ là nợ của các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể và đồng thời không có địa chỉ kinh doanh. Từ đây, chúng tôi sẽ tính đến phương án đòi nợ hiệu quả", ông Mạnh cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, tính đến hết ngày 31/12/2020, số người tham gia BHXH là hơn 16,1 triệu người, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020, bằng 95,71% so với chỉ tiêu của năm 2019.

"Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHXH cho người lao động; phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên dữ liệu quản lý chưa được đầy đủ, cập nhật kịp thời", ông Hoan nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho rằng ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm, người lao động chưa hiểu đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH.

Cần xem lại đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần

Thẩm định đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, Bộ Tư pháp khuyến cáo cơ quan soạn thảo cân nhắc 2 đề xuất quan trọng, trong đó có nội dung giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH một lần.

'Đóng bảo hiểm xã hội 10 năm không thể mong có lương hưu cao'

"Bản chất của bảo hiểm là tích lũy đủ lâu để có tiền khi về già. Người lao động không thể đòi hỏi mức lương hưu cao nếu chỉ tham gia BHXH trong 10 năm", ông Phạm Minh Huân nói.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm