Với 3 mũi nhọn chủ đạo hướng đến thiết kế, ứng dụng công nghệ mới và đầu tư cho các sản phẩm màn hình lớn, Samsung đã 14 năm liền giữ vị trí số một về thị phần TV.
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty theo dõi thị trường IHS Markit, năm 2019 đánh dấu năm thứ 14 liên tiếp Samsung Electronics đứng đầu thị trường TV toàn cầu. Theo đó, Samsung chiếm 30,9% thị phần, tính theo doanh số bán hàng, trong khi đó 2 thương hiệu tiếp theo chiếm lượt là 16,3% và 9,4% thị phần toàn cầu.
Cũng trong năm ngoái, Samsung bán được 5,32 triệu TV QLED, tăng gấp đôi doanh số ghi nhận hồi năm 2018. Đáng chú ý, Samsung chiếm khoảng 50% doanh số TV trên 75 inch toàn cầu, theo Tecnavio.
Thành công đó đến từ chiến lược không quá phức tạp nhưng trực diện, đánh thẳng vào những yếu tố mà người dùng cần nhất trên một chiếc TV - thiết bị được xem là trung tâm trong phòng khách của mỗi gia đình.
Nhiều phân tích được đưa ra và cuối cùng, người ta rút ra kết luận, có 3 mũi nhọn chính được nhà sản xuất này tập trung để giữ ngôi vị số một thị trường.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, nhiều lần, Samsung là nhà sản xuất đầu tiên đưa các công nghệ mới vào sản phẩm. Có thể kể đến như chiếc TV màn hình phẳng mỏng nhất thế giới (29,9 mm) năm 2009, TV 3D Full HD đầu tiên (cuối 2010), TV màn hình cong năm 2013 hay mẫu The Wall tại CES 2018.
Những năm gần đây, AI là từ khóa được nhắc đến mỗi ngày khi nói về công nghệ. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng vận dụng AI sớm và thành công như Samsung trong việc sản xuất TV.
Năm 2019, hãng giới thiệu các mẫu TV QLED với chất lượng 8K lớn nhất thế giới sử dụng AI. Về cơ bản, AI sử dụng máy học để phân tích nội dung và tự động nâng cấp hình ảnh độ phân giải thấp lên chất lượng gần tương đồng với 8K.
Mặc thực tế là thị trường tràn ngập các mẫu màn hình có khả năng phát nội dung độ phân giải siêu cao như UHD hay 8K, nhưng không nhiều TV có thể giúp người dùng trải nghiệm thực sự ở độ phân giải đó do sự thiếu hụt về nội dung độ phân giải cao.
Khi nguồn cấp nội dung có độ phân giải thấp, AI sẽ giúp TV QLED 8K của hãng chọn bộ lọc tối ưu và chuyển đổi thành hình ảnh chất lượng cao hơn. Ngoài ra, bằng cách tăng khả năng xử lý hình ảnh lên 64 lần, công nghệ này giúp cung cấp hình ảnh tự nhiên hơn, ở độ phân giải cao mà không ảnh hưởng đến màu sắc hiển thị.
Cuối cùng, TV QLED tích hợp AI có thể phân loại các thành phần của hình ảnh từ nguồn vào theo cảnh để tạo hình ảnh với độ tương phản phong phú, chi tiết hơn. Với tính năng này, cạnh của văn bản hoặc cạnh của vầng trăng sẽ hiển thị rõ ràng hơn, không bị mờ. Ở những chiếc TV màn hình lớn như mẫu 98 inch của Samsung, tính năng này sẽ càng quan trọng và thể hiện rõ ràng hơn.
Có thể thấy, việc Samsung tạo nên những chiếc TV 8K với hàng loạt tính năng như nền đen sâu, tái tạo 100% dung lượng màu sắc, tích hợp AI Upscaling để giúp người dùng có thể xem video với chất lượng gần 8K nhất, tích hợp kho nội dung khổng lồ… đều nhằm giải quyết nhu cầu có thật của thị trường và người dùng hiện đại.
Khi Samsung tung ra những chiếc TV 8K năm 2019, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong đó, có quan điểm cho rằng TV 8K là một sự lãng phí khi mắt người không thể phân biệt được nội dung độ phân giải quá cao, còn nội dung 8K chưa phổ biến. Tuy nhiên đến 2020, thông tin về các mẫu TV 8K khác xuất hiện ngày càng nhiều và người ta bắt đầu tin rằng cuộc đua TV 8K đã bắt đầu. Tất nhiên, ở đó Samsung đang nắm lợi thế lớn khi đi trước khá xa.
Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, TV 60-69 inch sẽ chiếm khoảng 19% doanh số TV toàn cầu năm 2020, tăng so với mức 12% của năm 2018. Các mẫu TV lớn hơn 70 inch cũng có thể tăng gấp đôi doanh số, đạt thị phần khoảng 7%.
Điều đó đồng nghĩa người dùng đang ngày càng mua sắm những chiếc TV lớn hơn. Hiểu điều này, Samsung những năm gần đây đầu tư rất mạnh vào TV màn hình lớn. Năm 2019, họ tung ra chiếc TV 98 inch, một kích thước khá ấn tượng và cũng là chiếc TV QLED 8K lớn nhất thế giới.
Với những chiếc TV lớn như vậy, độ phân giải 8K là cần thiết cho chiếc TV màn hình rộng như 85 inch hay 98 inch. IHS Markit dự báo doanh số TV 8K sẽ tăng gấp 4 lần trong vài năm tới.
Trong khi đó, PC Mag giải thích TV màn hình càng lớn càng cần phải nâng cấp độ phân giải. Điều này có nghĩa là những độ phân giải từng rất phổ biến như Full HD, 2K hay 4K sẽ không đủ đáp ứng chất lượng hiển thị hình ảnh chi tiết, chân thực trên thế hệ TV mới. Người dùng hiện đại cần chiếc TV đạt độ phân giải 8K đề có trải nghiệm tốt hơn.
“Xu hướng lớn nhất hiện nay là TV 8K. Nhu cầu của người dùng đã tăng lên, họ cũng đòi hỏi sự khác biệt trong trải nghiệm, biên độ tái hiện màu sắc, tỷ lệ tương phản, khả năng nâng cấp trải nghiệm và không gian sống”, Cnet viết. Đó là bài toán mà những nhà sản xuất TV phải giải quyết.
Trong gia đình Việt, chiếc TV luôn đóng vai trò trung tâm trong căn phòng khách - nơi được chăm chút nhiều nhất. Vì thế, một chiếc TV với thiết kế khác biệt, tinh xảo, đi kèm công nghệ hiện đại dần biến mình thành một món đồ nội thất tinh tế.
Thiết kế TV trong những năm gần đây có nhiều đổi mới như viền màn hình được thu gọn lại tối đa, thiết kế mỏng hơn, ít dây cáp hơn. Nhưng nếu từng đó vẫn chưa đủ để bạn cảm thấy hài lòng, Ambient Mode của Samsung có thể mang lại những ngạc nhiên.
Chế độ Ambient Mode trên TV Samsung lần đầu được giới thiệu tại sự kiện First Look (New York, 2018). Nó là một tính năng trang trí cho TV QLED, khiến nó trở nên hữu ích hơn khi không sử dụng, đồng thời giúp không gian phòng trở nên đẹp và hiện đại hơn.
Ambient Mode hiển thị nhiều thông tin như ngày/giờ, thời tiết, hình ảnh chọn sẵn và Samsung cũng cho phép chúng ta biến đổi màn hình TV cho phù hợp với nền xung quanh, kể cả những ngôi nhà sử dụng giấy dán tường phức tạp.
Với chế độ Ambient Mode, TV Samsung QLED có thể biến đổi thành một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Người dùng có thể tùy chọn hiển thị những bức tranh nổi tiếng hay hình kỷ niệm của gia đình.
Nếu bạn là người yêu thích sự tối giản, sản phẩm từ Samsung còn có khả năng “ẩn mình” vào không gian, hiển thị họa tiết, màu sắc đồng bộ với bức tường phía sau. Dù hiển thị sống động như bức tranh nghệ thuật cỡ lớn hay ẩn mình, TV này đều là lời giải dành cho sự nhàm chán, đơn điệu tạo ra bởi một màu đen to bản trên những sản phẩm khác.
Cũng với chủ đề tương tự, TV khung tranh “The Frame” của Samsung cũng là nét khác biệt so với các sản phẩm đang có trên thị trường. Người dùng, các chuyên gia công nghệ khi trải nghiệm mẫu TV này đều khẳng định họ không nhận ra nổi chiếc TV khi nhìn thoáng qua.
The Frame có nhiều kích thước khác nhau để người dùng lựa chọn, dán sát vào tường với giá treo ẩn (No Gap Wall Mount) và cáp quang vô hình (invisible Connection) tối giản hóa toàn bộ hệ thống dây nối.
Kích hoạt chế độ Art Mode, bạn có thể chọn hình nền từ hơn 100 bức tranh nghệ thuật, cuộc sống hoang dã hay kiến trúc, phong cảnh. Có thể nói The Frame hay Ambient Mode là những giải pháp sáng tạo cho những chiếc TV hiện nay, khiến chúng không còn tẻ nhạt hơn, tôn thêm vẻ đẹp nội thất của căn phòng.
Với 3 mũi nhọn gồm ứng dụng công nghệ mới, màn hình lớn với độ phân giải cao và chăm chút thiết kế, TV Samsung đặt tham vọng không chỉ mang đến thiết bị hiện đại mà còn nâng tầm trải nghiệm của người dùng. Chiến lược đầu tư này của gã khổng lồ Hàn Quốc tỏ ra hiệu quả, thể hiện ở doanh số ấn tượng và vị trí dẫn đầu thị trường TV 14 năm qua.
Bình luận