Không phải ngẫu nhiên HLV Park Hang-seo mở đầu buổi họp báo trước trận bán kết lượt về với đội tuyển Philippines bằng cách nhắc lại về thất bại tại AFF Cup 2014 trước Malaysia. Đó là một trong những thất bại đau đớn trên sân Mỹ Đình, buộc đội tuyển Việt Nam không được chủ quan trong trận đấu tối nay (6/12).
2 ngôi sao của đội tuyển Philippines và Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Áp lực tâm lý của các cầu thủ
Trong bóng đá, tâm lý chiếm 70-80% tỷ lệ thành công của mỗi trận đấu. Việc các cầu thủ ra sân với tinh thần không ổn định sẽ khó có thể thực hiện tốt những chỉ đạo chiến thuật của HLV, qua đó ảnh hưởng xấu tới kết quả cuối cùng.
Chưa hết, đội tuyển Việt Nam xưa nay thường không đá hay mỗi khi ở thế "cửa trên". Đối với những đối thủ mạnh, Việt Nam chơi thận trọng, có đấu pháp hợp lý và tận dụng cơ hội tốt để giành những chiến thắng đầy cảm xúc. Thế nhưng sau khi bất ngờ có lợi thế lớn ở lượt đi, trở về sân nhà, đội tuyển Việt Nam thường không tận dụng được điều đó và tiếp cận trận đấu kém hơn.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định: "Trong quá khứ, tâm lý của đội tuyển chúng ta chưa được tốt và ổn định. Các cầu thủ có phần thiếu tự tin nên khi về sân nhà, dù có được lợi thế nhưng lại lúng túng và để thua. Ngoài ra không có vấn đề gì lớn về mặt chuyên môn".
Những thất bại tại AFF Cup 2014 và 2016 mới đây phần lớn đều đến từ sai lầm của hàng phòng ngự. Đáng nói hơn, đó lại là những lỗi sơ đẳng thường rất ít khi xuất hiện ở những cầu thủ chuyên nghiệp.
Năm 2014, Quế Ngọc Hải, Văn Biển, Nguyên Mạnh và Đinh Tiến Thành là những người mắc lỗi ở khâu phòng ngự khiến đội tuyển Việt Nam thua "phơi áo" 4 bàn ngay trong hiệp 1 trước Malaysia trên sân Mỹ Đình. Hai năm sau đó, tiếp tục là Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải và Đình Đồng có những sai lầm khó hiểu gián tiếp đưa Indonesia vào chung kết.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc các cầu thủ bị tâm lý, cựu danh thủ CLB Thể Công cho biết: "Những thất bại trong quá khứ do chúng ta còn thiếu sự rèn luyện, chưa có nhiều trận đấu gặp những đối thủ mạnh ở các trạng thái khác nhau. Điều đó dẫn đến các cầu thủ thường tâm lý và chơi không đúng sức mình".
Cả Malaysia hay Indonesia đều không phải những đội bóng đã vươn tầm thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ là những đối thủ mà Việt Nam đã có nhiều cơ hội đối đầu trong quá khứ. Sai lầm trong bóng đá là điều khó tránh, song dường như các cầu thủ Việt Nam thường "cóng" ở những trận đấu quan trọng, nhất là khi thi đấu dưới áp lực của hàng chục nghìn cổ động viên đội nhà.
Khán đài sân vận động Mỹ Đình luôn chật kín cổ động viên ở những trận đấu quan trọng. Ảnh: Thuận Thắng. |
Hàng thủ sẽ không mắc lỗi?
Tính đến nay, dấu ấn lớn nhất mà HLV Park Hang-seo thể hiện ở đội tuyển Việt Nam là một hệ thống được xây dựng trên cơ sở sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự. Không thi đấu màu mè và hoa mĩ, đội tuyển Việt Nam dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc đề cao tính hiệu quả trong từng trận đấu.
"Trước đây, nói về tài năng, hàng thủ Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Tuyến phòng ngự chúng ta xây dựng còn thiếu kinh nghiệm trận mạc nên nhiều khi lúng túng và để thua ở những tình huống ngớ ngẩn. Tuy nhiên đến nay, HLV Park đã xây dựng một hàng thủ chơi rất tốt và ổn định, đặc biệt là Đình Trọng", ông Vũ Mạnh Hải cho biết.
Kể từ VCK U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc hồi đầu năm, nhân sự hàng thủ của đội tuyển Việt Nam không có nhiều biến động. Ở ASIAD 18, ông Park vẫn tin dùng bộ ba Tiến Dũng - Đình Trọng - Duy Mạnh và chỉ thay đổi duy nhất vị trí của hậu vệ thuộc biên chế CLB Viettel bằng Quế Ngọc Hải khi bước vào AFF Cup 2018.
Ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất, đội tuyển Việt Nam đều để thủng lưới 4 bàn trước khi bước vào trận bán kết lượt về, song đến lúc này, Đặng Văn Lâm mới chỉ 1 lần phải vào lưới nhặt bóng trong trận đấu gặp Philippines tại Bacolod. Ngoài ra, tại ASIAD 18 mới đây, các học trò của HLV Park Hang-seo cũng giữ sạch lưới tới tận vòng bán kết.
Hàng thủ của đội tuyển Việt Nam đang chơi tương đối ổn định kể từ đầu giải. Việc thi đấu với sơ đồ 3 hậu vệ và kéo Văn Hậu - Trọng Hoàng lui về trong những trường hợp cần thiết giúp các học trò của vị chiến lược gia người Hàn Quốc linh hoạt hơn trong nhiều tình huống hỗ trợ phòng ngự.
Hàng thủ của tuyển Việt Nam đang chơi chắc chắn từ đầu giải. Ảnh: Thuận Thắng. |
Với cá nhân Quế Ngọc Hải, đây sẽ là giải đấu mà cầu thủ này được kỳ vọng sẽ "lập công chuộc tội" ở những kỳ AFF Cup trước đó. Trước ngày khởi tranh, người hâm mộ đã đặt rất nhiều câu hỏi về vị trí của hậu vệ thuộc biên chế CLB SLNA bởi bộ ba Tiến Dũng - Đình Trọng - Duy Mạnh đang chơi rất ổn định.
Tuy nhiên, vượt qua những hoài nghi, Quế Ngọc Hải được trao tấm băng đội trưởng ở những trận đấu Văn Quyết vắng mặt. Anh chơi ổn định và trở thành chốt chặn đáng tin cậy, đóng góp lớn vào thành tích giữ sạch lưới ở vòng bảng của đội tuyển Việt Nam.
Sinh năm 1993, Quế Ngọc Hải năm nay đã bước sang tuổi 25 đỉnh cao của sự nghiệp. Hậu vệ người Nghệ An không còn là một cầu thủ trẻ dễ mắc sai lầm như những kỳ AFF Cup trước, đồng thời cũng có kinh nghiệm đối đầu với áp lực trước các đối thủ mạnh. "Năm nay Quế Ngọc Hải chơi tốt hơn, tâm lý ổn định lẫn chuyên môn đều tiến bộ", chuyên gia Vũ Mạnh Hải nói thêm.
Tất nhiên, thầy trò HLV Park Hang-seo không được phép chủ quan khi bước vào trận đấu này bởi ở lượt đi, Philippines đã cho thấy sự nguy hiểm với nhiều tình huống treo bóng vào vùng cấm. Đội tuyển Việt Nam khi đó đã có những sự lúng túng nhất định, song đây là tâm lý chung của cả hàng phòng ngự chứ không riêng gì đội phó Quế Ngọc Hải.
Trong quá khứ, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ giành chiến thắng ở bán kết trên sân Mỹ Đình. Liệu thầy trò HLV Park Hang-seo có phá được "dớp thua" trước đối thủ Philippines ở trận đấu tối nay để trở thành đại diện còn lại vào chơi trận chung kết?