Ở bài phân tích sau trận vòng bảng, chúng ta thấy rằng Malaysia mang theo những điểm yếu chiến thuật quan trọng ở cự ly đội hình. Bốn trận đấu trôi qua, một lần nữa ông Tan Cheng Hoe cùng các cầu thủ áo vàng đối mặt với tuyển Việt Nam, và điểm yếu này không hề thay đổi.
Phan Văn Đức có tình huống thoát xuống bên cánh và đặt dấu ấn vào bàn mở tỷ số của tuyển Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Malaysia phơi bày điểm yếu thế nào?
Đối với bóng đá cổ điển, những thay đổi về sơ đồ thi đấu là vô cùng đáng kể, bởi 3-5-2 có thể khắc chế 4-4-2, ngược lại 3-5-2 rất “kỵ” 4-3-3. Lý do là bởi dù sơ đồ nào đi chăng nữa, thời gian trước đây, các đội bóng thường chơi với cự ly giống nhau, trải dàn đều trên mặt sân, khoảng cách giữa các tuyến là rất lớn.
Từ khoảng cuối thập niên 1970 cho tới nay, đặc biệt với AC Milan của Arrigo Sacchi, hay ở thập niên 2000 là các đội bóng của Jose Mourinho, Rafael Benitez, hoặc gần hơn nữa là Pep Guardiola, cự ly đội hình khoảng 10 m giữa mỗi cầu thủ, khoảng 10-15 m giữa mỗi tuyến mới là tiêu chí vận hành quan trọng cốt lõi.
Vậy còn Malaysia thì sao? Ngay từ pha triển khai tấn công đầu tiên của trận đấu, họ đã lại phơi bày điểm yếu của mình. Hãy đến với ví dụ đầu tiên.
Khi bóng đang được triển khai từ hậu vệ, cự ly giữa hai tiền vệ trung tâm lên tới hơn 30 m. |
Ở phút thứ hai, khi hậu vệ phải Amirul Aznan và trung vệ Irfan Zakaria đang trao đổi bóng, lập tức tiền vệ trung tâm Akram Mahinan di chuyển lại gần nhằm hỗ trợ và nhận bóng từ hai đồng đội. Ở đây, phản xạ của Syamer Abba - người đá cặp với Akram - là điều đáng chú ý nhất: anh không hề có ý định di chuyển tịnh tiến sang cánh phải nhằm giữ cự ly đối với Akram nói riêng và đội hình nói chung. Hai tiền vệ trung tâm, khoảng cách lên tới hơn 30 m, Syamer thậm chí không để ý tới việc tạo góc độ thuận lợi cho pha bóng tiếp theo, và đó mới chỉ là biểu hiện khởi đầu.
Khoảng trống lớn ở trung lộ. |
Nhìn vào cách di chuyển của tiền đạo Norsharul Talaha và tiền vệ biên Sumareh, có thể thấy rằng đây là bài lên biên mà Malaysia thường xuyên áp dụng: họ di chuyển tới sát đường biên dọc, sử dụng những đường chuyền vượt tuyến (bổng hoặc sệt) để tấn công từ hai hành lang.
Thế nhưng cùng lúc đó, Syamer gần như một mình phải phụ trách một không gian cực lớn. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Sumareh mất bóng trong tình huống này, và Huy Hùng (áo đỏ số 29) cùng Phan Văn Đức (số 20) phản công.
Syamer tiến lên. |
Tiền vệ mang áo số 14 - Syamer - là người có thói quen dâng cao hỗ trợ tấn công. Chính anh là người góp công lớn giúp Malaysia có mặt ở chung kết khi kiến tạo cho Talaha gỡ hòa 2-2 ở lượt về bán kết trước Thái Lan, cũng trong một pha xộc vào cánh phải trước khi tạt bóng kiến tạo. Trong pha bóng trên, ngay khi Sumareh nhận bóng và đang gặp áp lực lớn từ Đoàn Văn Hậu, Syamer lập tức di chuyển về phía trước.
Khi Malaysia mất bóng. |
Và như một lẽ dĩ nhiên, khoảng trống mênh mông lộ ra phía sau Syamer ở thời điểm tuyển Việt Nam thu hồi bóng. Đây không phải là tình huống duy nhất. Hình ảnh này lặp lại nhiều lần trong trận đấu. Hãy tới một pha bóng khác, lần này ở cánh trái theo hướng tấn công của Malaysia, chỉ 5 phút sau đó.
Syamer lại tiến lên. |
và tham gia vào tình huống tranh chấp bóng bổng từ đường chuyền của hậu vệ trái Nazirul. |
Quế Ngọc Hải bật lên đánh đầu phá bóng, Quang Hải nhận bóng trong một khoảng không khá lớn. |
Chính hình ảnh này đã cho thấy vì sao Malaysia lại gây nhiều nguy hiểm trong các pha tạt cánh: họ thường có thêm người tham gia vào các pha kết thúc. Tuy nhiên, khi không thể tạo ra cơ hội, nó trở thành “gậy ông đập lưng ông” cho Malaysia, đặc biệt nếu Akram và Syamer không có sự tập trung cao độ và quyết tâm khỏa lấp. Hãy xem lại bàn mở tỷ số ở phút thứ 22 của Việt Nam.
Bắt nguồn từ pha triển khai ở cánh phải, Syamer dâng lên rất cao. |
Hãy quan sát vị trí, cự ly giữa Syamer và Akram khi Safawi rê dắt bóng. |
Văn Hậu sau khi đoạt bóng có tới 2 lựa chọn dễ dàng để đưa bóng về phía trước, Akram không thể bao bọc tất cả không gian này, Syamer bắt đầu quay lại. |
Văn Hậu bấm bóng vượt tuyến. Ở thời điểm này, Huy Hùng còn đang chạy phía sau Syamer và Akram. |
Khi Văn Đức áp sát vòng cấm, Huy Hùng băng lên và hầu như không thấy Akram hay Syamer đâu nữa. |
Bóng nảy ra, Huy Hùng ập vào, và Akram cùng Syamer ở rất xa phía sau. |
Còn rất nhiều pha bóng khác thể hiện những điểm yếu về mặt cự ly của Malaysia. Còn đối với riêng Syamer, sự thiếu tập trung (hay chủ quan?) của anh là vô cùng đáng trách. Bàn thua thứ hai của Malaysia cũng có thể xem là một hình ảnh cho thấy điều này.
Duy Mạnh cầm bóng tiến lên, Syamer có động thái gây áp lực. |
Duy Mạnh thực hiện cú bấm bổng hướng tới Văn Đức, Syamer đi bộ. |
Văn Đức xoay xở, nhả bóng về giữa sân cho Đức Huy ập vào, Syamer vẫn đang trong trạng thái “ngủ gật”. |
Tóm lại, trên sân Bukit Jalil, tuyển Việt Nam đã giành được lợi thế to lớn, đến từ điểm yếu mà Malaysia đã thể hiện từ đầu giải. Với riêng Syamer Abba, cách chơi như thói quen của anh càng làm lộ điểm yếu nói trên, và anh đã không có sự tập trung cần thiết cho một trận chung kết.
Bàn thua thứ nhất: không hoàn toàn lỗi của Văn Hậu
Trong hai bàn thua của đội tuyển Việt Nam, Đoàn Văn Hậu là cái tên tạo ra nhiều tranh cãi. Nếu như ở bàn thứ hai, khó có thể phủ nhận sự thiếu quyết đoán của Hậu để dẫn tới quả phạt trực tiếp mà Safawi Rasid thực hiện hoàn hảo, thì ở bàn thứ nhất, cần làm rõ trên góc độ hệ thống.
Tình huống tổ chức khi Syamer bắt đầu chạy đà. |
Nhìn vào sự tổ chức, các cầu thủ Việt Nam đã tổ chức phòng ngự khu vực, và họ làm tương đối tốt. Hàng ngang dàn ra ngang vị trí cầu thủ rào chắn thứ hai là Quang Hải, tư thế hầu hết đều tốt (không bị xoay hẳn về phía bóng hoặc về phía đối thủ).
Việc một cầu thủ Malaysia đứng ở khu vực chấm 11 m mà không ai “kèm” không phải là một điều đáng lo, bởi đường chuyền vào khu vực này hoàn toàn có thể bị cắt khi các bóng áo đỏ băng lên.
Thời điểm quan trọng nhất, là khi Syamer thực hiện quả đá.
Shahrul Saad, người ghi bàn, băng vào. |
Trong các pha phòng ngự phạt trực tiếp từ biên như tình huống này, về mặt lỗi cá nhân, có thể xác định rằng Văn Hậu chỉ là người bị động. Phạm Đức Huy - người đứng ở góc xa cạnh Shahrul Saad, đáng lẽ phải cản đường chạy của trung vệ Malaysia.
Thường khi một cái tên cao to, thường xuyên gây nguy hiểm trong không chiến và lùi lại lấy đà, có thể dễ dàng xác định rằng anh ta sẽ là một mũi công và cần cản hướng chạy để người này không thể tham gia pha bóng, chứ không chỉ khi anh ta đã bật cao. Đức Huy trong pha bóng này đã đứng hơi xa, và về góc độ, anh cũng sai khi lẽ ra cần chắn hướng chạy thẳng vào khung thành của Shahrul.
Khi Đức Huy đã bị cắt mặt, lỗi của Văn Hậu không phải là không “kèm” được Shahrul, mà Văn Hậu gặp vấn đề tương tự với các cầu thủ áo đỏ khác: hệ thống.
Theo quy tắc, khi Syamer bắt đầu bước chạy đà đầu tiên, hàng thủ áo đỏ đã cần lùi lại, và ở thời điểm Syamer tiếp xúc bóng, Quế Ngọc Hải và các đồng đội đáng lẽ phải có mặt ở khoảng vạch 5,5 m, có thể trừ một người duy nhất đứng lại để đề phòng.
Họ không cần lo về khoảng cách với các cầu thủ Malaysia: chính các cầu thủ tấn công cũng sẽ băng về phía khung thành Việt Nam. Việc lùi trước sẽ giúp các hậu vệ chủ động hơn, thậm chí có thể quay lại nếu bóng không cuộn vào trong. Công bằng thì đây cũng là tình huống mà Syamer đã thực hiện gần như hoàn hảo.
Kết luận
Việc di chuyển máy bay và thi đấu cường độ cao trong ít ngày rõ ràng đã ảnh hưởng sâu sắc tới thể lực của cả hai đội, khi Việt Nam và Malaysia nhiều thời điểm không thể giữ được cự ly, trận đấu trải rộng trên khắp mặt sân và các cá nhân có khả năng rê dắt tạo ra nhiều nguy hiểm.
Ở điểm này, HLV Park Hang-seo cần suy nghĩ kỹ cách tiếp cận khi trở lại sân Mỹ Đình. 2-2 là tỷ số có lợi cho Việt Nam và giúp chúng ta dễ tính toán hơn, nhưng có lẽ ban huấn luyện đội tuyển cần làm rõ các mục tiêu, qua đó lựa chọn đội hình phù hợp. Ví dụ, cần có sự tính toán về thể chất của các tiền vệ trung tâm, đặc biệt nếu có thời điểm Quang Hải lui về.