Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 16/1. Một trong những nội dung quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương xem xét tại hội nghị lần này là “trường hợp đặc biệt” - các nhân sự tham gia lần đầu, các ủy viên Trung ương quá tuổi theo quy định, tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Zing trao đổi với một số chuyên gia trước thềm hội nghị.
Nhân sự có quyền “tự ghi phiếu”
“Việc Hội nghị Trung ương 15 bàn trường hợp đặc biệt là theo đúng lộ trình xem xét các trường hợp tái cử trước, những người mới tham gia lần đầu sau, rồi mới đến các trường hợp đặc biệt”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương) giải thích.
Theo ông, không phải “có vấn đề phức tạp” để cần có hội nghị Trung ương lần này.
Ông Thông cho biết trong quy trình nhân sự, đầu tiên phải chuẩn bị cho nhân sự tái cử với những ủy viên Trung ương khóa XII đủ điều kiện tái cử khóa XIII. Bước tiếp theo tính đến số nhân sự mới tham gia lần đầu. Và sau cùng mới tính đến “trường hợp đặc biệt”.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh: Hải Nam. |
Theo Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, trong phương hướng công tác nhân sự, trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ Chính trị xem xét, trình Trung ương để giới thiệu với đại hội. Tại đại hội, các đại biểu bỏ phiếu kín bầu trường hợp đặc biệt.
Ví dụ, theo cơ cấu 3 độ tuổi, người lần đầu tiên tham gia vào Trung ương không quá 55 tuổi, người nào quá 55 tuổi do các địa phương, đơn vị giới thiệu thì Bộ Chính trị phải xem xét.
Ủy viên Trung ương được quy định không quá 60, nếu ai quá độ tuổi này muốn tái cử, Bộ Chính trị phải xem xét.
Thực tiễn ở Đại hội Đảng XI khi chuẩn bị nhân sự cho khóa XII đã có 4 trường hợp đặc biệt được xem xét gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh. Nhưng khi giới thiệu ra đại hội, chỉ có 3 người trúng cử.
Ở cấp Bộ Chính trị chỉ có một trường hợp duy nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu và được đại hội bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư khóa XII.
Theo ông Thông, về nguyên tắc, các ủy viên Trung ương tại các hội nghị Trung ương được quyền giới thiệu nhân sự “trường hợp đặc biệt”, sau đó Trung ương thảo luận và chọn danh sách.
“Bản thân từng đồng chí cũng có quyền tự ghi phiếu xem mình có tái cử không, dù có quá tuổi. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, trình Trung ương thảo luận tập thể”, ông Thông giải thích và nhấn mạnh quy trình lựa chọn trường hợp đặc biệt rất nhiều bước và rất chặt chẽ.
Ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương). Ảnh: Hồng Quang. |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương), khẳng định: “Những trường hợp đặc biệt sẽ được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, minh bạch trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII xem xét tại Hội nghị lần thứ 15 và quyết định việc giới thiệu với Đại hội XIII".
Nhấn mạnh để trở thành một “trường hợp đặc biệt”, quy trình rất chặt chẽ, ông Hà giải thích Bộ Chính trị phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt. Khi đã trình ra Bộ Chính trị rồi, phải thông qua Tiểu ban Nhân sự, rồi Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
“Mỗi trường hợp đặc biệt được xét qua nhiều cửa, rất kỹ lưỡng với nhiều người, nhiều vòng xét duyệt hồ sơ. Trên cơ sở quy hoạch còn rà đi rà lại, sau đó mới quyết định giới thiệu, đề cử để xem xét, quyết định”, ông Hà khẳng định và cho rằng không phải ai cũng có thể là trường hợp đặc biệt.
Quy định quá cứng về độ tuổi có một số bất cập
Nói về “trường hợp đặc biệt” ở các kỳ đại hội Đảng, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, cho rằng khi cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt”, cần 5 nguyên tắc cụ thể để xem xét kỹ lưỡng.
Một, đã là trường hợp đặc biệt phải là số ít, ít ai trao giải đặc biệt cho nhiều người. Hai, đã là đặc biệt, chỉ nên dành cho người đứng đầu. Ba, đã là đặc biệt, phải có tín nhiệm cao. Bốn, phải có sức khỏe tốt, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Năm, cần “trường hợp đặc biệt” là do chưa tìm được người nào thay thế tốt hơn, yên tâm hơn.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng ngay sau Đại hội Đảng XIII, Đảng cần chuẩn bị cán bộ bài bản hơn bao gồm cả công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn để nhiệm kỳ sau không phải dùng trường hợp đặc biệt nữa thì tốt nhất.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông cho rằng vì có quy định về giới hạn độ tuổi cho chính khách, nên vẫn cần có trường hợp đặc biệt. Bởi nhiều chính khách hết độ tuổi theo quy định nhưng vẫn còn sức khỏe, năng lực cống hiến, nếu không tận dụng được sẽ là sự lãng phí nhân tài rất lớn.
Ông Thông nhắc lại giai đoạn trước đây, Đảng ta không có quy định về độ tuổi cho lãnh đạo. Ví dụ ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng bí thư khi 74 tuổi, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng bí thư khi đã 79 tuổi.
“Bước sang thời kỳ đổi mới, những đại hội gần đây, chúng ta có quy định về độ tuổi. Quy định này có lợi thế nhằm trẻ hóa cán bộ, không chỉ ở Trung ương mà ở cả các cấp. Đó là chủ trương đúng”, ông Thông nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng quy định quá cứng về độ tuổi có một số bất cập. Bởi những lãnh đạo chủ chốt dù tuổi cao nhưng sức khỏe còn, trí tuệ mà phải nghỉ sẽ là điều rất đáng tiếc, gây lãng phí nhân tài.
Hội nghị Trung ương 15 chỉ còn cách Đại hội XIII 10 ngày, sẽ xem xét, quyết định trường hợp đặc biệt để giới thiệu ra Đại hội. Ảnh: TTXVN. |
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ ra một số bất cập khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam được nâng lên, Trung ương cũng đã thảo luận, Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng tiêu chuẩn về tuổi với cấp ủy viên và ở Trung ương vẫn như cũ.
“Tôi cho rằng tới đây phải nâng quy định về độ tuổi với các ủy viên Trung ương. Nếu còn giữ quy định về độ tuổi thì các đại hội sau vẫn cần xem xét các trường hợp đặc biệt. Còn nếu quy định chính khách không bị giới hạn độ tuổi, lúc đó sẽ không cần nữa”, ông Thông nêu quan điểm.
Định nghĩa về “trường hợp đặc biệt”, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng là người có phẩm chất, năng lực, khả năng nổi trội so với những người khác. Họ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị từng giữ. Và vị trí đó nếu tìm người khác sẽ khó thay thế, hoặc có thay thế sẽ không bằng người đặc biệt.
Về số lượng, ông Thông cho rằng trường hợp đặc biệt không nhất thiết là một người duy nhất. “Ví dụ 2 trường hợp đặc biệt trên tổng số 17 ủy viên Bộ Chính trị, hoặc 4 trường hợp đặc biệt trong số 180 ủy viên Trung ương là tỷ lệ nhỏ nên vẫn được coi là đặc biệt”, ông Thông nói.
Ban chấp hành Trung ương đã quyết định triệu tập 1.590 đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tăng 80 người so với Đại hội XII), diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2 tại Hà Nội.
Trong 1.590 đại biểu, Ủy viên Trung ương khóa XII là đại biểu đương nhiên. Đại biểu do đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương bầu là 1.381. Ngoài ra, Bộ Chính trị quyết định chọn 15 đại biểu là Bí thư Đảng bộ ngoài nước; đại sứ một số nước lớn, những nước có quan hệ đặc biệt và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.