Được đầu tư với số vốn khủng, nằm tại vị trí đắc địa, kinh doanh những mặt hàng thời thượng, cao cấp, từng tạo ra hiệu ứng thị trường tốt vào thời điểm khai trương, nhưng đến nay, cả Tràng Tiền Plaza, Grand Plaza, Pico Mall hay Parkson đều rơi vào cảnh ế ẩm triền miên. Nếu Grand Plaza đã hoàn toàn mất dấu trên thị trường thì Parkson, Tràng Tiền chỉ còn là cái bóng của chính họ, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động.
Dãy hành lang vắng vẻ của Tràng Tiền Plaza. Ảnh: Loan Trần |
Đơn cử như Tràng Tiền Plaza, với diện mạo mới được đầu tư tới 400 tỷ đồng cùng vị trí đắc địa tại trung tâm thủ đô, bên cạnh đó là sự hội tụ của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Louis Vuitton, Versace, Burberry, Christian Dior, Catier…, trung tâm này lại chỉ giữ được hào quang của mình trong vòng chưa đầy nửa năm. Thay vì có hàng ngàn lượt khách ghé thăm, giờ đây, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hay cuối tuần, lượng khách ít ỏi đến với trung tâm này cũng không đủ lấp đầy 6 tầng của tòa nhà dát vàng, cùng với đó là cuộc chiến giảm giá, chiết khấu tại bất cứ gian hàng nào.
Tại hầu hết các trung tâm thương mại này, ngoài tầng 1 dành riêng cho quầy mĩ phẩm, thiết kế chính cho các gian hàng thường theo mô hình "xa xỉ giảm dần" từ dưới lên trên. Tuy nhiên, vị trí bắt mắt của những nhãn hiệu nổi tiếng lại không tương đồng với lượng khách mua, trong khi khu ăn uống đặt trên tầng cao nhất lại trở thành điểm sáng duy nhất của các trung tâm này.
Lý giải cảnh vắng khách của các trung tâm thương mại xa xỉ đình đám một thời, một chuyên gia về bán lẻ đánh giá, người dân thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn, mặt bằng hàng hóa lại kém đa dạng khiến đơn vị này khó hút khách hơn những tổ hợp tầm trung. “BigC The Garden sầm uất nhờ hệ thống siêu thị tại khu tầng hầm, Vincom Royal City đông khách vì có khu vui chơi giải trí, còn Vincom Centre Long Biên hút khách bởi chọn vị trí riêng biệt, nơi mà khách hàng có nhu cầu nhưng không nhiều đơn vị nhắm tới”.
Cảnh xếp hàng, đông khách chỉ có tại khu ẩm thực. Ảnh: Loan Trần. |
Theo vị này, trong khi thị trường bán lẻ chưa hồi phục, việc ồ ạt mở ra những khu trung tâm thương mại đã kéo theo cảnh khách hàng chạy từ trung tâm cũ sang trung tâm mới. Parkson khi khai trương trở thành tâm điểm thị trường, sau đó nhường chỗ cho Pico Mall. Tràng Tiền ra đời đã kéo khách hàng nội thành về đây trong khoảng thời gian dài, trước khi Vincom Royal City mở cửa và trở thành thỏi “nam châm” hút khách hàng từ bình dân đến cao cấp.
“Nếu chỉ bán hàng cao cấp, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận cảnh khách ít, nhân viên đông. Tuy nhiên, điều này cũng không quá ảnh hưởng đến hoạt động chính của họ nếu tất cả các gian hàng đã được phủ kín. Tràng Tiền có thể bán được ít hàng hơn nhiều so với những doanh nghiệp nhắm đến khách hàng tầm trung, nhưng nguồn thu trên mỗi sản phẩm bán ra của họ lại lớn. Và theo tôi biết thì Tràng Tiền vẫn có doanh thu ổn định, vẫn bán được hàng”, vị này cho hay.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hướng đi của Tràng Tiền Plaza tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp, những người tiêu dùng hàng hiệu, thay vì số đông người Việt. Không chỉ ở Việt Nam, tại các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, phân khúc khách hàng này rất nhỏ, do đó, trong định hướng của mình, chắc chắn chủ đầu tư đã lường trước tình trạng này.
Ngoài ra, thời điểm dự án cải tạo Tràng Tiền Plaza mới khởi động, Hà Nội đã có rất nhiều đơn vị cạnh tranh nhau trên phân khúc này như Rex, Parkson, Diamond, Vincom, Grand Plaza, Pico Mall... và cả tổ hợp cao cấp lẫn siêu thị như Big C The Garden. Tình cảnh chung khi đó của các trung tâm này cũng là ế ẩm, vắng khách, nên khi mở cửa, dù tạo ra hiệu ứng tích cực với thị trường, nhưng lựa chọn một hướng đi khó đã khiến Tràng Tiền không giữ được độ “hot” ban đầu.