Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 11/8 công bố chiến dịch cắt giảm lãng phí thực phẩm. Ông Tập mô tả tình trạng lãng phí thực phẩm tại Trung Quốc là “gây sốc và rất nghiêm trọng”. Thông điệp của ông Tập được đưa ra trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Giống như nhiều nước khác, tình trạng lãng phí thực phẩm tại Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến 2015, Trung Quốc lãng phí khoảng 18 triệu tấn thực phẩm mỗi năm. Lượng thực phẩm đủ nuôi sống 30-50 triệu người trong một năm.
Tính theo đầu người, Trung Quốc lãng phí 32,8 kg thực phẩm/năm. Con số này thấp hơn Australia (76,2 kg) và Mỹ (94,8 kg) nhưng vẫn rất lớn bởi dân số Trung Quốc quá đông. Báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc năm 2015 cho biết ngành dịch vụ nhà hàng - khách sạn lãng phí nhiều thực phẩm nhất, và tình hình đặc biệt tệ hại ở các thành phố lớn.
Nhà hàng ở Hồ Nam yêu cầu khách hàng cân trước khi vào gọi món. Ảnh: SCMP. |
Các biện pháp gây tranh cãi
“Bắc Kinh xả 18.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, bao gồm một lượng lớn thực phẩm thừa như bánh mì, sandwich, thức ăn nhanh, cá, thịt, gạo…”, báo cáo cho biết.
Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh không đưa ra các hướng dẫn cụ thể để chống lãng phí thực phẩm sau tuyên bố của ông Tập. Vì vậy, chính quyền một số địa phương và doanh nghiệp đã có những phản ứng gây tranh cãi.
Theo CNN, chính quyền thành phố Thượng Hải yêu cầu người dân tố giác hành vi lãng phí thực phẩm dù. Một nhà hàng ở tỉnh Hồ Nam yêu cầu khách hàng cân trước khi vào ăn để điều chỉnh lượng thức ăn gọi ra bàn.
Đầu tháng 8, chính quyền một quận ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang lập hệ thống camera “giám sát lãng phí thực phẩm” tại các nhà ăn cơ quan chính phủ. Những người bị phát hiện lãng phí thực phẩm sẽ bị chỉ trích công khai.
Trung bình mỗi người Trung Quốc lãng phí 32,8 kg thực phẩm mỗi năm. Ảnh: Getty Images. |
Báo chí Trung Quốc cũng chỉ trích dữ dội nhiều blogger ẩm thực thường xuyên đăng các video ăn tốc độ. Langweixian - một blogger chuyên đăng video trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok), có 40 triệu người theo dõi - đã phải gỡ gần 300 video. Langweixian từng ăn 10 gói mì trong chưa đầy 9 phút.
Các biện pháp hạn chế lãng phí thực phẩm gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng buộc các nhà hàng hạn chế bán thực phẩm cho khách hàng là điều gây tranh cãi, đặc biệt khi ngành nhà hàng - khách sạn Trung Quốc tê liệt suốt nửa đầu năm vì dịch Covid-19.
CNN dẫn lời ông Wang, chủ một nhà hàng ở Vũ Hán, khẳng định ngành thực phẩm Trung Quốc vẫn đang lao đao vì dịch Covid-19, và chiến dịch chống lãng phí thực phẩm gây ra những sức ép mới. “Tại sao nhà hàng lại hạn chế khách gọi thêm món? Các nhà hàng đều muốn kinh doanh có lãi”, ông Wang bức xúc.
Khó thực hiện
Trung Quốc mở chiến dịch chống lãng phí thực phẩm trong thời điểm ngành nông nghiệp nước này lao đao vì các thảm họa tự nhiên. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ và làm tê liệt các chuỗi cung ứng thực phẩm, Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn vì dịch tả lợn châu Phi.
Thịt lợn chiếm 70% tổng tiêu thụ thịt Trung Quốc. Trung bình mỗi người Trung Quốc ăn 20 kg thịt lợn mỗi năm. Dịch tả lợn châu Phi năm 2019 tàn phá hàng loạt trang trại chăn nuôi lợn Trung Quốc. Theo phân tích của CNN Business hồi tháng 11/2019, tổng số lợn tại Trung Quốc giảm 40%, tương đương 130 triệu con.
Dịch Covid-19 đẩy ngành nông nghiệp Trung Quốc vào hỗn loạn trong suốt 3 tháng đầu năm. Không thể bán thực phẩm ra thị trường, nhiều nông dân phải bỏ rau củ quả thối rữa, không ít người mất việc làm và thu nhập.
Trung Quốc đã kiềm chế dịch Covid-19, tuy nhiên dịch vẫn tiếp tục làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cũng ảnh hưởng tới nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ vào Trung Quốc.
Lũ lụt tại Trung Quốc tàn phá nhiều diện tích nông nghiệp. Ảnh: THX. |
Mới đây, lũ lụt nghiêm trọng dọc sông Trường Giang tàn phá vô số cánh đồng trồng lúa và hoa màu ở miền trung Trung Quốc, buộc chính quyền Bắc Kinh phải xả từ kho dự trữ hàng chục triệu tấn thực phẩm. Dù vậy, truyền thông Trung Quốc khẳng định nước này không thiếu thực phẩm.
Chuyên gia Willy Lam thuộc Đại học Trung Quốc Hong Kong cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ khó thực hiện thành công chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế còn đang lao đao vì dịch Covid-19.
“Rất nhiều người chỉ muốn tới nhà hàng, ăn uống và tận hưởng. Trung Quốc sẽ khó thực hiện được mục tiêu này”, ông Lam nói.