Bốn ngân hàng lớn nhất của nền kinh tế thứ 2 thế giới bao gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC).
Theo công bố mới nhất của S&P Global Ratings, các ngân hàng này thiếu 2.250 tỷ NDT (323 tỷ USD) vốn vào năm ngoái. Con số này có thể tăng lên 6.510 tỷ NDT (940 tỷ USD) vào năm 2024 do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
“Các ngân hàng Trung Quốc có đáp ứng đủ tiêu chí về vốn hay không là vấn đề quan trọng đối với giới đầu tư bởi việc này ảnh hưởng đến cấu trúc vốn, chi phí cho vay và cơ chế hỗ trợ của hệ thống ngân hàng”, Michael Huang, nhà phân tích tại S&P Global Ratings nhận định.
Các ngân hàng Trung Quốc phải đáp ứng tiêu chuẩn về vốn với hạn chót là hết năm 2024, song đang đối mặt với nguy cơ thiếu 940 tỷ USD vốn. Ảnh: Bloomberg. |
Thống kê cho thấy tổng lợi nhuận tại hơn 1.000 ngân hàng thương mại ở Trung Quốc trong quý II năm nay tụt dốc mạnh nhất trong một thập kỷ do gánh nặng nợ xấu. Thiệt hại nặng nhất nằm ở nhóm ngân hàng quốc doanh do các ngân hàng này phải chịu trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế theo yêu cầu của Bắc Kinh. Cùng lúc đó, giới chức Trung Quốc cũng kêu gọi hệ thống ngân hàng tăng nguồn cho vay và duy trì vốn dự trữ.
Theo Ủy ban Ổn định Tài chính do nhóm 20 quốc gia thành lập, các ngân hàng chiến lược toàn cầu (G-SIBs) tại các thị trường mới nổi phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn toàn cầu về vốn để “cứu nguy” cho ít nhất 16% tài sản rủi ro vào ngày 1/1/2025. Con số này sẽ tăng lên 18% vào năm 2028.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tại các thị trường phát triển đã đáp ứng được tiêu chí đầu tiên từ năm 2019. Thời gian trên có thể được rút ngắn trong điều kiện nhất định. Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc đang đi chậm hơn so với thế giới về việc triển khai.