Theo South China Morning Post, lạm phát của Trung Quốc thấp hơn đáng kể những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng của tháng 4. Tuy nhiên, đây vẫn là tốc độ tăng cao nhất trong 6 tháng, cho thấy giá dầu thô, nông sản và nhập khẩu nguyên liệu tăng.
Để so sánh, lạm phát của Mỹ đạt 8,6% trong tháng 5, mức cao nhất trong vòng 40 năm, còn lạm phát tại khu vực đồng EUR đạt 8,1%. Vào tháng 4, CPI của Anh tăng 9%.
Lạm phát tăng cao tại Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu, trong khi lạm phát của Trung Quốc vẫn được kiểm soát tốt. Ảnh: Reuters. |
Miễn nhiễm làn sóng lạm phát toàn cầu
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn thị trường hàng hóa, năng lượng, phân bón và ngũ cốc trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo cuộc xung đột có thể tạo ra cú sốc giá hàng hóa lớn nhất trong 5 thập kỷ.
Trung Quốc chủ yếu tự cung tự cấp lương thực. Nhưng nước này vẫn phải đề phòng rủi ro lạm phát nhập khẩu do giá năng lượng và nguyên liệu thô toàn cầu tăng cao.
CPI cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm biến động - tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) - đo lường giá sản phẩm khi rời nhà máy - đã tăng 6,4% trong tháng 5.
Giới quan sát cho rằng lạm phát của Trung Quốc thấp hơn phương Tây do sự khác biệt trong các biện pháp kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Khi đại dịch bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hạ lãi suất xuống gần 0 và bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng. Ảnh: Reuters. |
Bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm qua lên 8.900 tỷ USD. Trong khi đó, Bắc Kinh cẩn trọng hơn trong việc nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Ngoài ra, quần áo và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI của Trung Quốc. Nhưng tại Mỹ, nhà ở và giao thông chiếm tỷ trọng lớn hơn. Cả 2 yếu tố này đều dễ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng toàn cầu và các điều kiện tiền tệ trong nước.
Ông Huang Wentao - nhà phân tích tại China Securities Co - ước tính tỷ trọng thực phẩm trong rổ hàng hóa CPI của Trung Quốc đạt khoảng 18,7%, so với 7,8% tại Mỹ. Đối với quần áo, tỷ trọng ở Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 6,2% và 2,8%.
Ở chiều ngược lại, tiền thuê nhà và chi phí đi lại chiếm lần lượt 32% và 15,1% CPI của Mỹ, so với 16,2% và 10,1% tại Trung Quốc.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào hàng tiêu dùng nhập khẩu. Trong khi đó, năng lực công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc cho phép nước này có nhiều dư địa để đối phó với làn sóng tăng giá trên toàn cầu.
Chiến lược Zero-Covid
Câu hỏi đặt ra là vì sao PPI không ảnh hưởng tới CPI của Trung Quốc. PPI và CPI tại nước này từng có mối tương quan chặt chẽ. Giá tiêu dùng thường tăng, giảm theo đà của giá sản xuất. Nhưng ở đất nước 1,4 tỷ dân, mối tương quan này ngày càng suy giảm.
Giới quan sát cho rằng nguyên nhân nằm ở chu kỳ heo hơi và ngũ cốc tại nước này.
Giá thịt heo đóng vai trò lớn trong chu kỳ lạm phát tiêu dùng. Tỷ trọng của loại hàng hóa này được ước tính đạt 2,4% trong rổ CPI. Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá thịt heo đã giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc được coi là công xưởng toàn cầu, nhất là sau khi năng lực sản xuất tại các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh năm 2020. Do đó, phần lớn chi phí sản xuất tăng cao đã được chuyển sang những doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài.
Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc tác động xấu tới nhu cầu tại đất nước 1,4 tỷ dân, từ đó góp phần kìm hãm lạm phát. Ảnh: Reuters. |
PPI của Trung Quốc giảm 3,7% trong tháng 5/2020, nhưng đã tăng 13,6% vào tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, giá tiêu dùng trong nước vẫn tương đối ổn định.
"Chu kỳ heo hơi của Trung Quốc khiến giá lương thực và các sản phẩm công nghiệp có sự khác biệt", China Securities Co giải thích.
"Các lý do khác nằm ở sự sụt giảm trong nhu cầu của người tiêu dùng và cạnh tranh gia tăng", hãng này nói thêm.
Một số chuyên gia cho rằng lạm phát của Trung Quốc thấp hơn các nền kinh tế khác do nhu cầu yếu. Các biện pháp chống dịch gắt gao của Bắc Kinh đã triệt tiêu sức mạnh tiêu dùng khổng lồ của đất nước 1,4 tỷ dân.
Doanh số bán lẻ tiếp tục giảm 6,7% trong tháng 5, nhưng với tốc độ chậm hơn mức 11,1% trong tháng 4.
Tiêu dùng lao dốc là một trong những mối lo ngại lớn tại Trung Quốc. Triển vọng kinh tế và việc làm xấu đi khiến người tiêu dùng ngần ngại đầu tư, chi tiêu và tăng tiết kiệm.