Vì sao Trung Quốc hiếu chiến ở Biển Đông?
Một nhà bình luận có tên là William M. Esposo thuộc tờ The Philippine Star của Philippines cho rằng, sở dĩ Trung Quốc có nhiều hành động hiếu chiến ở Biển Đông gần đây một phần là bởi nỗi lo sợ đối với Mỹ.
Đây là hình ảnh trong cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines ở Biển Đông hồi năm ngoái. |
Theo ông, Trung Quốc vừa công bố bản đồ mới trong đó bao gồm cả một số phần lãnh thổ của Philippines và Trung Quốc cũng đang hành xử như thể họ là chủ nhân thực sự của những phần lãnh thổ tranh chấp đó. “Chúng ta nên cảnh giác trước cách hành xử của Trung Quốc. Phương pháp tiếp cận thông thường của Trung Quốc là sử dụng ảnh hưởng, sức mạnh kinh tế để đạt mục tiêu từ các nước khác. Trung Quốc đã sử dụng tiền của mình để có được các nguồn cung cấp dầu mỏ, khoáng sản từ châu Phi. Cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông khác xa so với ở các nước châu Phi và chúng ta cần phải đặt câu hỏi tại sao”, ông Esposo cho hay.
Theo nhà phân tích trên, có những lý do khiến người ta hiểu được tại sao Trung Quốc gần đây hung hăng và hiếu chiến một cách bất thường ở Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc lo sợ chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo đó, Mỹ đang tập trung sức mạnh quân sự vào khu vực này, trong đó có cả Biển Đông. Chỉ có Mỹ là khiến Trung Quốc sợ và vì vậy, sẽ là logic khi Trung Quốc chống lại Mỹ trong bối cảnh Mỹ được cho là đang suy yếu về kinh tế và sẽ không thể lựa chọn tham gia thêm một cuộc chiến tranh lớn. Biển Đông là con đường huyết mạch chính cho các nhu cầu của Trung Quốc và người ta tin rằng Trung Quốc sẽ chống lại sự thống trị của Mỹ ở khu vực sống còn này.
Thứ 2, Trung Quốc có một mối lo ngại hợp lý rằng họ không thể cung cấp đủ nguồn lực khoáng sản và năng lượng cho các yêu cầu phát triển của nước này. Biển Đông được cho là đang chứa đựng một trong những nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt lớn nhất. Xung quanh Biển Đông là những nước như Philippines – những nước giàu tài nguyên khoáng sản và quặng. Với lý do này, Bắc Kinh đang tìm cách nắm chặt Biển Đông.
Thứ 3, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông theo cách hiểu của Trung Quốc là nhằm để kiểm soát việc khai thác dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này cũng như duy trì ảnh hưởng, nếu không nói là kiểm soát, những nước có thể cung cấp khoảng sản và quặng cho nền kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc rất dễ bị kích động trước việc Mỹ thông báo chiến lược quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ 4, Trung Quốc đang dọn đường để khẳng định vị trí hàng đầu của nước này trong cái gọi là thế kỷ Trung Quốc. Thậm chí, Hội đồng Tình báo Quốc gia – cơ quan tình báo cao nhất của Mỹ, cũng thừa nhận trong Bản báo cáo Xu hướng Toàn cầu năm 2025 rằng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất và là cường quốc thống trị nhất thế giới. Dự đoán này được đưa ra trước cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.
4 lý do trên có thể được xem là lời giải thích rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc gần đây luôn có thái độ hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông. Và nó cũng cho thấy, Trung Quốc đặt Philippines ở vị trí nào. Theo ông Esposo, mối quan hệ với Mỹ vừa có lợi vừa có hại cho Philippines bởi mối quan hệ “lịch sử gắn bó và sâu sắc Mỹ - Philippines chắc chắn sẽ khiêu khích Trung Quốc và khiến nước này có sự thù địch với đất nước chúng ta. Bạn thân nhất của kẻ thù lớn nhất cũng được xem là kẻ thù lớn”.
Mặc dù thừa nhận quan hệ với Mỹ gây hại cho Philippines nhưng ông Esposo cho biết, ông không gợi ý Manila cắt đứt quan hệ với Washington và ngả về Bắc Kinh như những người cánh tả ở nước này vẫn kêu gọi gần đây. Ông này cho rằng, bây giờ đã quá muộn. “Sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông khiến chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải bắt tay cùng Mỹ. Vấn đề của chúng ta chỉ là Mỹ sẵn sàng đi xa thế nào trong việc bảo vệ chúng ta. Việc dương oai diễu võ hay dọa dẫm rất dễ. Vấn đề là liệu Mỹ có sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông nếu một cuộc chiến tranh nổ ra”.
Theo VnMedia