Theo South China Morning Post, một số báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II năm nay của Trung Quốc vào khoảng 5-15%, sau khi giảm 6,8% trong quý đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng cản trở con đường khôi phục nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Bài viết nhận định về các vấn đề lớn mà Bắc Kinh phải giải quyết, như củng cố nguồn tiền trước dòng chảy suy thoái toàn cầu và mối lo ngại về việc tái bùng phát dịch sau khi nước này liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, thách thức từ khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi, cú sốc Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng là những chướng ngại lớn trên con đường hồi phục nền kinh tế của Bắc Kinh.
Tại một công trường đang thi công tại Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp tại nước này tăng vào tháng 5, song lĩnh vực tiêu dùng vẫn còn u ám. Ảnh: Bloomberg. |
Ở một diễn biến khác, việc Bắc Kinh đặt niềm tin vào thị trường nước ngoài để khôi phục các hoạt động kinh tế là bất khả thi vào lúc này - đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận Mỹ - Trung vẫn còn lấp lửng và cam kết đơn phương của ông Trump theo chính sách "nước Mỹ trên hết" về các vấn đề đối ngoại và lợi ích quốc gia vốn gây tranh cãi.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong tháng 6 vừa công bố mức tăng trưởng -7,6% trong năm nay đối với nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, cơ quan này còn cảnh báo một số nền kinh tế vốn “khỏe mạnh” như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản - có thể khép lại một năm đầy sóng gió với mức tăng trưởng âm hai chữ số.
Rõ ràng, kỳ vọng về thị trường xuất nhập khẩu đối với Trung Quốc đã trở nên quá mờ nhạt. Thay vào đó, giới chức Bắc Kinh nên mạnh dạn thông qua các chính sách kích thích chi tiêu, hạ lãi suất, nới lỏng thủ tục vay vốn nhằm tăng niềm tin cho các doanh nghiệp, trấn an người tiêu dùng và tập hợp mọi nguồn lực để tăng trưởng nội địa - trước khi tính tới việc cải thiện quan hệ thương mại với Washington.