Báo cáo từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson mới đây cho thấy sự bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động tại Trung Quốc đang ngày càng mở rộng - bất chấp tốc độ tăng trưởng mạnh trong vài thập kỷ qua. Điều này tương phản với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Báo cáo được đưa ra dựa trên nghiên cứu về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động theo giới trong độ tuổi từ 15 đến 64 của Tổ chức Lao động Quốc tế, khẳng định yếu tố làm gia tăng khoảng cách về giới trong lực lượng lao động tại Trung Quốc bắt đầu gia tăng kể từ khi chính phủ nới lỏng kiểm soát thị trường.
Phái nữ vốn không được "ưu ái" khi tham gia lực lượng lao động tại Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Theo hai nhà nghiên cứu Eva Zhang và Tianlei Huang, các cải cách kinh tế kể từ năm 1978 đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng kể trong hàng chục năm qua, song lại tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến phái nữ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn trong chính sách việc làm và lương thưởng.
Trong khi đó, một báo cáo đăng trên tạp chí Nghiên cứu chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia hồi tháng 1 chỉ ra rằng, vào đầu những năm 1980, tỷ lệ lực lượng lao động nữ của Trung Quốc từng đứng trên nhiều quốc gia phát triển khác. Mức thu nhập theo giới tính cũng chênh lệch không nhiều, thậm chí còn hẹp hơn so với Mỹ.
“Giới hoạch định trước đó đã thành công. Khuyến khích sự đóng góp của phụ nữ trong lực lượng lao động là một phần của kế hoạch phát triển quốc gia trong giai đoạn này. Sự thống trị của khu vực kinh tế công cộng đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới khi nền kinh tế Trung Quốc vốn là một hệ thống được kiểm soát tập trung”, báo cáo lập luận.
Trở lại thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Trung Quốc, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là nữ thậm chí đã rơi xuống mức thấp hơn chuẩn quốc tế. Ngoài ra, thực trạng thiên vị giới tính trong bộ máy lãnh đạo tại các cơ quan càng trở nên gay gắt hơn.
Báo cáo còn lý giải việc phụ nữ phải ở nhà nhiều hơn để chăm sóc con cái vì các cơ sở chăm sóc trẻ em được nhà nước hỗ trợ ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, xu hướng của các cặp vợ chồng hiện nay là không sống chung cùng cha mẹ - những người có thể giúp họ trông nom con cháu.
Theo CNBC, Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 106/153 trong bảng xếp hạng các quốc gia có chênh lệch giới tính mạnh nhất. Xét về khoảng cách giới trong việc tham gia các cơ hội kinh tế, Trung Quốc đứng thứ 91/153 - dưới các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Nga.
Trong khi lực lượng lao động đang dần bị thu hẹp do tỷ lệ sinh giảm, các chuyên gia cảnh báo nếu thực trạng chênh lệch giới trong lực lượng lao động vẫn tiếp diễn, đây sẽ là gánh nặng lớn cho Trung Quốc, đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.