Sáng 1/9, TP.HCM chìm trong lớp mù, chất lượng không khí các quận đều ở mức xấu và kém. Lúc 9h, AirVisual xếp TP.HCM ở vị trí thứ 3 trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 152. Hai thành phố đứng đầu bảng xếp hạng này là thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI 155) và Dhaka của Bangladesh (AQI 169).
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết hiện tượng sáng nay không phải mù khô. Sáng 1/9, độ ẩm tại TP.HCM đều trên 80% nên lớp mờ đục mà người dân nhìn thấy là sương mù.
TP.HCM chìm trong lớp mù sáng 1/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bà Lan nói suốt một tuần qua, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ duy trì thời tiết nắng nóng kéo dài. Độ ẩm không khí xuống thấp kết hợp với việc không có mưa khiến các chất ô nhiễm thải ra từ công trường và hoạt động giao thông bị tích tụ.
Tối 31/8, TP.HCM có mưa lớn nhưng trong thời gian ngắn nên chỉ rửa trôi được một phần nhỏ các lớp bụi này. Sáng nay, độ ẩm đột ngột tăng đến 90-100% kèm theo bức xạ mặt trời lớn gây ra hiện tượng sương mù.
Lúc này, các chất bụi tích tụ trong những ngày qua khuếch tán vào không khí, hòa cùng sương mù khiến cả thành phố chìm trong lớp bụi mờ. Đây là nguyên nhân chính khiến ô nhiễm không khí tại TP.HCM gia tăng trong sáng nay.
"Ô nhiễm không khí cũng có tính chu kỳ, thường xuất hiện vào các tháng cuối năm. Thời gian này, độ ẩm thay đổi liên tục nên khu vực có thể chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng mù khô hoặc sương mù", bà Lan nói.
Đến 14h, chất lượng không khí tại TP.HCM đã được cải thiện khi AQI ghi nhận giá trị 74 - mức trung bình.
Chuyên gia nhận định trong 10 ngày tới, TP.HCM quay lại với hình thái thời tiết sáng nắng, chiều mưa. Những cơn mưa lớn xuất hiện vào cuối giờ chiều có thể rửa trôi các lớp bụi giúp chất lượng không khí tốt lên.