Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị gồm các nội dung quy định cho từng bộ, ngành, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần trong các cơ quan Nhà nước, công sở.
Dừng đồ nhựa dùng một lần tại công sở
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh và thành phố được yêu cầu ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30/10).
Cơ quan, công sở cần hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát và đũa nhựa dùng một lần trong hoạt động hàng ngày, cũng như trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ.
Các đơn vị được yêu cầu ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường; đồng thời phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cơ quan công sở được yêu cầu không sử dụng nhựa dùng một lần, băng rôn, khẩu hiệu trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Thủ tướng khuyến khích cơ quan Nhà nước xây dựng và thực hiện mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý. Đồng thời, công chức, viên chức, người lao động phải được tập huấn nâng cao nhận thức về phân loại, thu gom và giảm thiểu chất thải nhựa.
Các đơn vị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại công sở. Chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ.
Đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm, may mặc
Theo chỉ thị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) được giao hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Đơn vị phải có các đề xuất nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bộ TNMT cũng cần ưu tiên nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi nylon để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; nghiên cứu, đề xuất lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón....
Đáng chú ý, Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác. Đơn vị cũng phải nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics).
Đồ họa: Như Ý |
Bộ Tài chính và Bộ TNMT sẽ phối hợp để đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và ưu đãi đối với túi nylon thân thiện môi trường. Đồng thời, các bộ cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Theo Bộ TNMT, mỗi tháng, mỗi gia đình ở Việt Nam sử dụng đến 1 kg túi nylon. Ước tính trong mỗi năm, hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.
Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn năm 1990-2018.
Tổ chức Ocean Conservancy từng công bố Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan là 5 quốc gia thải rác ra biển nhiều nhất thế giới.