Đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và dự án cao tốc phía nam giai đoạn 1 (Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) là 5 dự án giao thông quan trọng được Quốc hội thảo luận sáng 6/6.
Tại tổ TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho rằng quy hoạch đường vành đai 3 có từ năm 2011, nếu triển khai ngay sau khi có quy hoạch, chắc chắn chi phí GPMB sẽ giảm 1/10 so với hiện nay.
"Sẽ không vui nếu xong dự án lại kỷ luật"
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, đường vành đai 3 được triển khai sớm sẽ giúp địa phương này và các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng trọng điểm phía nam, giải quyết điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược.
“Nếu có vành đai 3 thì việc xuyên tâm TP.HCM và một số vị trí trên các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết, tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistics”, ông Mãi nhận định.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu thảo luận tại tổ sáng 6/6. Ảnh: Hồng Phong. |
Trước ý kiến cho rằng nếu vành đai 3 làm 4 làn xe chỉ nên giải phóng mặt bằng 4 làn thôi, song ông Mãi cho rằng nếu không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện, sau này khi mở ra 6 hoặc 8 làn xe sẽ rất khó khăn. Khi ấy, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, thời gian sẽ kéo dài.
“Nhiều ý kiến so sánh tại sao vành đai 3 có tổng mức đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng cao thế, nhưng tôi nghĩ mỗi đường có vị trí khác nhau, chi phí cũng sẽ khác nhau”, ông Mãi nói.
Chủ tịch TP.HCM lý giải vành đai 3 được quy hoạch từ hơn 10 năm trước, đến nay hành lang tuyến đường này đã đô thị hóa, gồm các điểm công nghiệp dày đặc và đông dân cư nên chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn rất nhiều so với các dự án khác, đặc biệt là những địa bàn chỉ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp.
Để thuận lợi triển khai dự án, ông Mãi kiến nghị Quốc hội cho áp dụng chỉ định thầu các gói (trừ xây lắp) toàn thời gian dự án thay vì chỉ áp dụng trong 2 năm như tờ trình. Lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ lên kế hoạch cụ thể từng tuần, từng tháng để giám sát chặt chẽ thực hiện dự án này.
Sơ đồ các đoạn vành đai 3 TP.HCM cần khép kín. |
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị cho phép TP.HCM và các địa phương liên quan ứng ngân sách để triển khai dự án trước nếu Trung ương chưa bố trí được vốn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Lưu Quang (Bí thư Thành ủy Hải Phòng) lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện dự án khi được áp dụng các cơ chế đặc thù, tránh xảy ra “trục trặc”.
“Sẽ không vui nếu sau khi thực hiện dự án lại liên quan kỷ luật, sai sót”, ông Quang nói.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng băn khoăn về việc khai thác quỹ đất hai bên đường vì câu chuyện làm đường mà không tính đến thì sau này khi thực hiện kết nối, giá đền bù sẽ tăng lên nhiều và gây khó khăn cho nguồn lực giai đoạn sau.
“Không được đụng đến nguồn cải cách tiền lương để làm đường”
Nếu cả nhiệm kỳ khóa XIV chỉ có một dự án quan trọng quốc gia được quyết định (cao tốc Bắc - Nam) thì ngay kỳ họp này, có đến 5 dự án được xem xét.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành.
Đơn cử, Luật Ngân sách không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương, nhưng nay xin Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì “tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Hay theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, tỉnh lộ là của địa phương, nhưng hiện nay, để một bộ đảm trách 6 dự án quan trọng quốc gia thì “không thể”, nên cần giao cho một số địa phương có dự án đi qua.
Riêng hai đường vành đai 3 và vành đai 4 giao hoàn toàn cho các địa phương nơi dự án đi qua, còn Hà Nội và TP.HCM có trách nhiệm làm đầu mối.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu, vì trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm. “Chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, ông Huệ nói.
Đề cập ý kiến về cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, ông Vương Đình Huệ nói luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
“Nếu đứng ra vay thì có trách nhiệm hoàn trả, vì người khác vay cho anh tiêu thì không có trách nhiệm lắm”, ông Huệ đề nghị địa phương
"làm phải đứng ra vay".
Lưu ý thêm chỉ có vành đai 3 được ưu tiên đặc biệt, cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành vào 2025 và quyết toán đưa vào sử dụng năm 2026, Chủ tịch Quốc hội cho biết đường vành đai 4 cùng 3 dự án cao tốc phía nam cần chấp nhận giãn tiến độ ít nhất một năm.
Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường vành đai, ông Huệ khẳng định không nên đặt ra vì “đụng” nghị quyết của Trung ương.
“Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương”, ông Huệ nêu thực tế.
Băn khoăn khi các dự án có xu hướng mở rộng cơ chế đặc thù, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng trong điều kiện phục hồi kinh tế điều đó là cần thiết, song áp dụng thế nào cũng cần có tổng kết đánh giá.
“Bên cạnh áp dụng chính sách đặc thù phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoàn thành dự án, cơ chế được áp dụng đúng, chính xác, tránh sai sót”, vị đại biểu nêu quan điểm.