Giao diện của 2 chiếc iPhone khi sử dụng NameDrop. Ảnh: Nextpit. |
Được bổ sung trên iOS 17, NameDrop cho phép người dùng chia sẻ thông tin liên lạc bằng cách đưa 2 chiếc iPhone lại gần nhau.
Là một trong những tính năng đáng chú ý, song NameDrop bị một số cơ quan an ninh cảnh báo về độ an toàn. Theo New York Times, nhiều sở cảnh sát từ New Jersey đến California (Mỹ) cho rằng "những tên lừa đảo và kẻ trộm" có thể lợi dụng NameDrop để thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Dù Apple chưa đưa ra bình luận, chuyên gia bảo mật nhận định các cảnh báo về NameDrop đang bị thổi phồng quá mức, và người dùng không cần lo lắng.
Cách hoạt động của NameDrop
Mark Bartholomew, giáo sư lĩnh vực luật mạng máy tính tại Đại học Buffalo (Mỹ), cho rằng NameDrop có đủ biện pháp ngăn chặn đánh cắp thông tin cá nhân.
Để sử dụng NameDrop, người dùng cần cập nhật thiết bị lên iOS 17 và kích hoạt tính năng trong phần cài đặt. Tiếp theo, hướng phần đầu của 2 chiếc iPhone lại gần nhau, rồi chờ đến khi hộp thoại chia sẻ thông tin xuất hiện trên màn hình.
Người dùng có thể chọn chia sẻ danh bạ qua lại, hoặc chỉ gửi một chiều cho đối phương. Quá trình chia sẻ có thể hủy bỏ bằng cách đưa 2 thiết bị ra xa hoặc khóa màn hình.
Lời cảnh báo trên Facebook của Văn phòng Cảnh sát trưởng Oakland (Mỹ) về NameDrop. |
Về cơ bản, mục đích của NameDrop gần giống AirDrop - tính năng cho phép người dùng thiết bị Apple chia sẻ dữ liệu lẫn nhau trong phạm vi hoạt động của Bluetooth và Wi-Fi.
Trong thời gian dài, AirDrop thường xuyên bị lợi dụng để gửi hình ảnh khiêu dâm hoặc quấy rối tinh thần. Tuy nhiên khác với AirDrop, cách hoạt động và phạm vị chia sẻ dữ liệu của NameDrop khá khác biệt. Do đó, rất khó để lợi dụng NameDrop nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.
Một số lời cảnh báo còn ghi rằng NameDrop cho phép người khác "thu thập liên hệ bằng cách đi ngang qua bạn". Tuy nhiên trên thực tế, 2 chiếc iPhone cần tiếp xúc gần trong phạm vi vài cm, và 2 người phải nhấn nút đồng ý chia sẻ.
Sau khi chấp nhận, các thông tin được chia sẻ chỉ bao gồm họ tên, avatar, số điện thoại, email... được lưu trong ứng dụng danh bạ.
Người dùng có thể vô hiệu NameDrop trong phần cài đặt của iPhone. |
Chia sẻ dữ liệu tầm gần không phải tính năng mới
Trước khi có NameDrop, các phương pháp chia sẻ danh bạ không dây đã có từ lâu. Ví dụ như danh thiếp dùng mã QR hoặc NFC để hiển thị thông tin trên điện thoại.
Khác với NameDrop, các loại danh thiếp này hỗ trợ mọi thiết bị di động, không chỉ riêng iPhone. Ngoài ra, Google từng phát triển chế độ Android Beam, cho phép chia sẻ danh bạ, hình ảnh, bản đồ... bằng cách chạm mặt sau của 2 điện thoại vào nhau. Tính năng này bị "khai tử" vào năm 2019, sau đó xuất hiện lại dưới tên Nearby Share.
NameDrop được kích hoạt mặc định trên iOS 17. Dù vậy, người dùng có thể tắt tính năng này bằng cách vào Cài đặt > Cài đặt chung > AirDrop > tắt tùy chọn Đưa các thiết bị lại gần nhau.
Dù mối lo lắng về quyền riêng tư khi sử dụng NameDrop không lớn, giáo sư Bartholomew của Đại học Buffalo vẫn khuyến cáo người dùng thận trọng trước khi bật các tính năng chia sẻ thông tin.