Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã bị phế truất ngày 10/4 sau khi quốc hội thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm ông trong đêm.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn, và ông Khan không còn nhận được sự ủng hộ từ quân đội.
Pakistan - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, có dân Hồi giáo đông thứ hai thế giới - đã phải đối chọi với bất ổn và đảo chính trong 75 năm qua. Không một thủ tướng nào trong lịch sử Pakistan tại vị đủ 5 năm nhiệm kỳ, và ông Khan là người đầu tiên bị phế truất bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Các nhà phân tích dự báo Quốc hội Pakistan sẽ chọn lãnh đạo đối lập Shehbaz Sharif - con trai cựu Thủ tướng Nawaz Sharif - làm thủ tướng lâm thời trước khi cuộc bầu cử diễn ra, dự kiến vào tháng 10. Ông Imran Khan vẫn có thể tiếp tục tranh cử, theo New York Times.
Đêm biến động
Buổi bỏ phiếu tại quốc hội được diễn ra trước đêm 9/4, sau một ngày căng thẳng chính trị đảng phái ở thủ đô Islamabad.
Tòa án Tối cao cho biết sẽ hoạt động vào giữa đêm nếu cần phải can thiệp. Cảnh sát được huy động bên ngoài tòa nhà quốc hội phòng trường hợp buổi bỏ phiếu trở nên bạo lực.
Vào 23h45 (giờ địa phương) các nhà lập pháp ủng hộ ông Khan đã rời khỏi tòa nhà quốc hội để phản đối việc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Dù vậy, buổi bỏ phiếu vẫn được tiếp tục, với kết quả 174 phiếu thuận, nhiều hơn 2 phiếu so với yêu cầu.
Cảnh sát được huy động bảo vệ tòa nhà Quốc hội Pakistan ngày 9/4. Ảnh: New York Times. |
Ông Khan nói rằng động thái của phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn để lật đổ ông, và kêu gọi người dân biểu tình vào ngày 10/4.
“Tương lai của các bạn đang bị đe dọa, nếu các bạn không đứng lên bảo vệ chủ quyền tổ quốc, chúng ta sẽ tiếp tục bị phụ thuộc. Cả nước cần phải đứng lên cùng nhau để bảo vệ Pakistan”, ông Khan nói trên truyền hình.
Vẫn có khả năng trở lại
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Khan sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tới, khi xét đến bối cảnh Pakistan từng có những nhà lãnh đạo bị lật đổ, sau đó quay lại tại vị thêm một đến hai nhiệm kỳ.
“Tôi không nghĩ ông Imran Khan sẽ rời khỏi chính trường Pakistan. Ông ấy đang ở vị trí có lợi khi không bị chú ý đến tình hình lạm phát và nền kinh tế bất ổn”, Ayesha Siddiqa, nhà phân tích chính trị tại Đại học SOAS London, cho biết.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Khan cam kết sẽ đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tham nhũng, giúp nền kinh tế ổn định, và xây dựng một “Pakistan mới” mà ông nói rằng sẽ là một quốc gia tập trung vào phúc lợi.
Tuy nhiên, tình hình thực tế lại trái ngược. Nợ công tăng cao, lạm phát ở mức hai chữ số trong 3 năm liên tiếp đã làm suy giảm uy tín của ông Khan. Việc ông có xu hướng rời xa phương Tây và xích lại gần Trung Quốc cũng khiến tình hình chính trị trong nước bất ổn.
Cuối cùng, việc ông không còn nhận được sự ủng hộ của quân đội là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông bị bãi nhiệm.
Phe đối lập chuẩn bị các động thái để phế truất ông từ tháng trước. Tuy vậy, ông Imran Khan đã giải tán quốc hội trước để ngăn việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, được dự kiến diễn ra ngày 3/4.
Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố hành động của ông Khan là vi hiến, và cho phép tiếp tục bỏ phiếu vào ngày 9/4. Các nhà lập pháp và thẩm phán công khai chỉ trích ông Khan, kể cả các thành viên là đồng minh của ông.
Người dân theo dõi ông Imran Khan phát biểu trên truyền hình ngày 31/3. Ảnh: Reuters. |
Sự nghiệp chính trường
Năm 2018, ông Imran Khan đắc cử chức thủ tướng trong cuộc bầu cử mà phe đối lập cáo buộc ông được quân đội hậu thuẫn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chương trình nghị sự của ông vượt quá khả năng, và thường là những cam kết mâu thuẫn. Chẳng hạn ông ủng hộ kinh tế thị trường tự do, phi điều tiết, nhưng cũng muốn trở Pakistan trở thành nhà nước phúc lợi.
Trong nỗ lực để ổn định kinh tế, ông đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) viện trợ 6 tỷ USD năm 2019, động thái nhiều người cho rằng ông đã đi ngược lại với cam kết tranh cử sẽ không vay mượn và nhận viện trợ nước ngoài.
Các đảng đối lập cáo buộc chính sách chống tham nhũng “một chiều”, khi được cho là nhắm đến các thành viên đảng đối lập mà bỏ qua những người ông Khan xem là đồng minh. Dù vậy, ông không bị cáo buộc tham nhũng như những người tiền nhiệm.
Ngược lại, những người ủng hộ ông khen ngợi thành tích đảm bảo nhà ở và lương thực cho người nghèo, cung cấp dịch vụ y tế cho các gia đình thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài ra, Pakistan là quốc gia có thành tích chống dịch Covid-19 ấn tượng, dù đại dịch ban đầu đã gây khó khăn lên hệ thống y tế bị quá tải. Ông Khan cho rằng thành công này là nhờ nỗ lực của quốc gia, được sự phối hợp của quân đội.
Chính phủ lâm thời, dự kiến do ông Shehbaz Sharif lãnh đạo, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc lạm phát tăng cao đến tình trạng phân cực chính trị có thể dẫn đến những bất ổn. Việc đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh này sẽ là một thử thách với bất kỳ chính phủ nào trong tương lai.