Theo đó, Bộ Tài chính nhất trí với các ý kiến cho rằng việc thu NSNN năm 2022 ước vượt khá lớn so với dự toán. Tuy nhiên, do công tác đánh giá ước thu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động nghiêm trọng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc dự toán thu NSNN năm 2022 trình Quốc hội tăng 3,4% so với ước thực hiện thu NSNN năm 2021 là khá thận trọng.
Tại Báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đánh giá thu cả năm 2022 ước đạt 1,614 triệu tỷ đồng, vượt 202.400 tỷ, tương đương 14,3%, so dự toán.
Dù kết quả thu 9 tháng đã đạt 94% dự toán, thực tế gần đây cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô thế giới chuyển xấu, kết hợp một số biến động trên thị trường tài chính - ngân hàng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, từ đó kéo số thu một số lĩnh vực giảm dần từ tháng 7.
Số thu của một số lĩnh vực đã giảm từ tháng 7 do bối cảnh chung chuyển xấu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cụ thể, mức thu bình quân trong 7 tháng đầu năm đạt 11,15% dự toán/tháng, nhưng tháng 8 chỉ đạt 9,2% dự toán và đến tháng 9 giảm gần 50%, chỉ đạt 6,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm đạt 11% dự toán (114.000 tỷ đồng/tháng), từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt dưới 6% dự toán.
Trước ý kiến cho rằng thu NSNN năm 2023 như Chính phủ xây dựng chưa phù hợp so với khả năng, có thể giảm không gian về chính sách tài khóa, cần dự toán thu cao hơn và cần xây dựng theo nguyên tắc căn cứ NSNN 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tính đến tác động của chính sách thuế mới, Bộ Tài chính cho rằng hiện cơ cấu thu NSNN gồm các khoản: thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu, thu viện trợ, thu tiền sử dụng đất, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất.
Trong đó, một số nguồn thu không theo tăng trưởng kinh tế, như dầu thô (phụ thuộc vào năng lực khai thác dầu thô trong nước và giá dầu thô trên thế giới); thu tiền sử dụng đất; thu từ xuất nhập khẩu.
Với dự toán thu năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội 1,620 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022, do có 4 khoản thu (từ dầu thô, tiền sử dụng đất, xuất nhập khẩu, viện trợ) bị giảm khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương 5% tăng trưởng.
Riêng thu nội địa không kể tiền sử dụng đất (nguồn gốc từ phát sinh kinh tế) đã được xây dựng dự toán bám sát định hướng về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và vẫn còn rủi ro từ bối cảnh bất ổn của nền kinh tế thế giới, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái.
Chưa kể, thực tiễn các năm qua cho thấy thu NSNN thường không sát với tăng trưởng GDP do có độ trễ sau những biến động lớn về kinh tế.