KFC, Lotteria, Buger King... đã làm mưa làm gió thị trường thức ăn nhanh Việt Nam, và mới nhất là ông lớn McDonald’s, trong khi chưa có bất kỳ thương hiệu nội nào tham gia vào thị trường này. Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn-giảng viên Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, việc McDonald’s tham gia vào thị trường thức ăn nhanh Việt Nam là dấu hiệu cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã bắt đầu cải thiện và đã có rất nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Sự tham gia của các ông lớn vào thị trường thức ăn nhanh Việt Nam tạo ra sự thúc ép về đổi mới, cải cách, nâng cao môi trường cạnh tranh, sự minh bạch và tính chuẩn mực trong các hoạt động kinh doanh, qua đó hướng các doanh nghiệp Việt Nam đến các chuẩn mực lớn hơn cho sự cạnh tranh mới", Tiến Sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Thực tế cho thấy, thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam là một thị trường tiềm năng với quy mô dân số thứ 13 thế giới, chủ yếu là dân số trẻ và có sức tiêu thụ lớn. Bằng chứng là khi McDonald’s Việt Nam mới hoạt động trong 2 ngày đầu tiên, đã có 20.000 khách đến ăn uống.
Nếu một khách hàng sử dụng bình quân 75.000 đồng (tương đương giá một phần bugger kèm nước uống), thì doanh thu trung bình 750 triệu đồng/ngày. Con số này quá hấp dẫn nên tập đoàn này đã lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở thêm những cửa hàng khác trong năm nay.
Chưa có bất kỳ thương hiệu nội nào tham gia vào thị trường thức ăn nhanh đầy tiềm năng ở Việt Nam. |
Vậy nhưng chưa có một thương hiệu Việt nào tham gia vào thị trường thức ăn nhanh. Lý do TS Đỗ Thiên Anh Tuấn đưa ra là vì hiện các cơ chế chính sách của chúng ta chỉ ưu tiên cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân có mối quan hệ thân hữu, trong khi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, tiếp cận ưu đãi, chính sách...
Ngoài ra, gia nhập thị trường Việt Nam hầu hết những nguyên phụ liệu đều được nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí tại McDonald's, những đồ dùng cơ bản như hộp giấy đựng thức ăn, ly giấy đựng nc uống cũng đang được nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Tiến Sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, lỗi do các doanh nghiệp trong nước đã có những suy nghĩ không đúng về vai trò hội nhập, hợp tác.
Cụ thể, là việc khi tham gia vào các hiệp định hợp tác, các doanh nghiệp trong nước luôn xem các nhà đầu tư nước ngoài là đối thủ mà chúng ta tìm cách triệt tiêu hạ bệ, kiểm soát, khống chế, thay vì tìm cách chuẩn bị con người, kỹ thuật để có thể hợp tác với họ.
"Vì tư duy như vậy, chúng ta lại đào thải chính mình, thay vì có thể có sự chủ động chuẩn bị để đưa mình trở thành mắt xích nào đó trong chuỗi giá trị họ tạo ra khi nhà đầu tư nước ngoài họ đến Việt Nam", Tiến Sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm với Tiến Sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế-Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, việc hãng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald's có mặt trên thị trường Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
"McDonald's mở cửa cho các sản phẩm bên ngoài vào Việt Nam và sân chơi trở nên lớn hơn. Trong khi các món ăn của Việt Nam như phở, chả giò phổ biến trên thế giới Việt Nam cũng phải chấp nhận các sản phẩm trên thế giới vào thị trường Việt Nam", Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, hiện McDonald's không giúp nhiều lắm cho kinh tế Việt Nam, chỉ giúp giải quyết việc làm cho người lao động, vì nguyên vật liệu, trang thiết bị đều được nhập khẩu nên khó đóng góp GDP. Nhưng dù sao, qua việc tạo công ăn việc làm cũng là điều tích cực.
"Trong khi đó thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, khi miếng bánh giới hạn, người tiêu thụ miếng bánh giới hạn nên vấn đề cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt, nhưng điều này là xu hướng tất yếu", Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích.