Trong đêm 8/1, Tehran đã trả đũa việc Washington ám sát vị tướng huyền thoại của họ bằng cách tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Al Asad của Mỹ ở Iraq. Trong số 2.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở đó chuyên gia quân sự Kimo Keltz, người nhớ lại rằng đã nghe thấy tiếng rít của tên lửa trên bầu trời, khi ông nằm trên sàn một tháp canh.
Vụ nổ đẩy cơ thể ông với bộ áo giáp khỏi sàn khoảng 3-6 cm. Keltz nghĩ rằng ông đã thoát khỏi nó với một cơn đau đầu nhẹ. Đánh giá ban đầu không tìm thấy thương vong nghiêm trọng hoặc tử vong do vụ nã tên lửa.
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng “Mọi thứ đều ổn”. Nhưng vài ngày sau, mọi thứ đã khác. “Đầu tôi có cảm giác như bị xe tải đâm. Bụng tôi cảm giác như bị nghiền nát vậy”, Keltz nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Keltz - người có các triệu chứng chấn động trong nhiều ngày, là một trong số 109 binh sĩ được chẩn đoán tổn thương não sau vụ tấn công. Con số này đã tăng lên nhiều khi quân đội báo cáo thêm các triệu chứng sau đợt kiểm tra y tế.
Một phần căn cứ Mỹ ở Iraq bị phá hủy trong đợt nã tên lửa của Iran hồi tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Reuters đã phỏng vấn hơn một chục quan chức và binh lính, cũng như trao đổi với các chuyên gia chấn thương não để tập hợp và có cái nhìn toàn diện nhất cho đến nay về bản chất của các tổn thương.
Con số tổn thương tăng chậm phản ánh sự khó khăn trong việc phát hiện và điều trị cho một trong những thương tích phổ biến nhất trong quân đội Mỹ hơn 2 thập niên qua, trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, nơi quân đội Mỹ phải đối mặt với bom, tên lửa và đạn cối.
Ngày 16/1, hơn một tuần sau vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã nắm được rằng các binh sĩ bị chấn thương não do vụ nã tên lửa của Iran. Ngày hôm đó, Lầu Năm Góc cho biết một số lượng binh sĩ không xác định được điều trị các triệu chứng khó chịu và 11 người khác bay đến Kuwait và Đức để chăm sóc ở cấp độ cao hơn.
Một số binh sĩ khác gặp các triệu chứng lo lắng sau vụ tấn công, bao gồm mất ngủ và ít nhất một trường hợp nhịp tim tăng bất thường, theo các cuộc phỏng vấn với binh sĩ và quan chức. Tuy nhiên, họ không cung cấp con số cụ thể.
Các chuyên gia cho biết sở dĩ tổn thương não của các binh sĩ tăng cao trong vụ tấn công của Iran, vì nó khác với các chấn thương xảy ra từ những cuộc tấn công khác trong quá khứ. Vì đây là vụ tấn công dồn dập bằng tên lửa có sức công phá mạnh.
Vụ nổ của đầu đạn công phá mạnh với sóng xung kích kéo dài trong hơn 1 giờ. Nó không giống mảnh đạn có thể nhìn thấy tổn thương ngay lập tức. Điều đó lý giải tại sao những tổn thương não xảy ra với binh sĩ phải mất nhiều thời gian hơn để chẩn đoán.
Quân đội Mỹ từ lâu không xem tổn thương não là loại hình chấn thương cần được báo cáo khẩn cấp như các trường hợp đe dọa tính mạng, mất chân, tay hay thị lực.