Vào đầu tuần tới, tàu USS Carl Vinson sẽ ghé thăm thành phố Đà Nẵng tại Việt Nam. Trên thực tế, ý tưởng về chuyến thăm này lần đầu xuất hiện trong tuyên bố chung sau cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5/2017.
Sau đó nó được đề cập cụ thể hơn trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch vào tháng 8/2017. Trang The Diplomat nêu lên 3 ý nghĩa từ sự kiện này.
Tàu USS Carl Vinson sẽ đến Đà Nẵng từ ngày 5-9/3. Ảnh: US Navy. |
Đầu tiên, việc tàu USS Carl Vinson đến Việt Nam nằm trong một loạt hành động nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ vốn đang trong đà phát triển những năm qua. Trước chuyến đi của tàu sân bay này, Hải quân Mỹ đã cử nhiều đoàn tàu khác đến Việt Nam. Cả hai bên thống nhất tiếp tục mở rộng những nỗ lực hợp tác khi Mỹ thay đổi chính quyền. Dưới thời chính quyền Trump, việc cử tàu sân bay ghé thăm Việt Nam là biểu tượng có ý nghĩa mạnh mẽ hơn nhằm chứng minh cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ với Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý đây không chỉ là sự kiện nhất thời, mà là diễn biến của quá trình tích hợp dần sự hiện diện của tàu sân bay trong mối quan hệ. Tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trở thành quan chức Việt Nam cấp cao nhất chính thức thăm một tàu sân bay Mỹ, khi đó cũng là tàu USS Carl Vinson. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng thăm tàu sân bay USS George H.W. Bush khi ông công tác tại Norfolk, bang Virginia.
Đại sứ Phạm Quang Vinh thăm tàu sân bay Mỹ USS George H.W. Bush. Ảnh: ĐSQ VN tại Mỹ. |
Ý nghĩa thứ hai, một chuyến thăm của tàu sân bay là diễn biến quan trọng đối với chiến lược quốc phòng khu vực của Mỹ. Tàu sân bay chính là phương tiện để tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực. Đây là điều quan trọng trong bối cảnh các tranh chấp và diễn biến căng thẳng ở Biển Đông.
Trên thực tế, trước khi tàu USS Carl Vinson đến Việt Nam thì nó cũng dừng chân ở Philippines. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động phối hợp với các bên liên quan khác trong tranh chấp trên Biển Đông, như tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã đến Kota Kinabalu, Malaysia, vào tuần trước.
Ngoài ra, những chuyến thăm này cũng nhấn mạnh vai trò của tàu USS Carl Vinson với việc hoạch định hành động quốc phòng của Mỹ. Khi Washington đang cố gắng giải toả những gánh nặng trong việc vận hành các đội tàu, thể hiện qua những tai nạn gần đây của Hạm đội 7, thì việc Hạm đội 3 tham gia nhiều hơn ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một giải pháp. Kể từ năm 2016, sáng kiến này khiến việc vận hành linh hoạt hơn với những tàu được chỉ định làm nhiệm vụ là tăng cường sự hiện diện của Mỹ.
Ý nghĩa cuối cùng, chuyến thăm này phản ánh nhiều ý đồ quan trọng đối với tình hình khu vực. Những bên liên quan chính ở Đông Nam Á có thể chứng kiến một tình hình Biển Đông căng thẳng hơn, các hành động khiêu khích xuất hiện nhiều hơn sau một năm 2017 được cho là tương đối “lặng sóng”.
Có nhiều sự kiện dẫn đến dự đoán này, như Trung Quốc đã kết thúc giai đoạn củng cố quyền lực sau kỳ Đại hội đảng năm ngoái; còn chính quyền Trump đang tỏ ra sẵn sàng cứng rắn hơn với Trung Quốc khiến Bắc Kinh bị dồn vào thế trả đũa. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ chính là cách củng cố quan điểm của Washington với tình hình Biển Đông.