Việt Nam đang nổi lên trên thị trường y tế Đông Nam Á với thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất khu vực kể từ năm 2020 đến nay. Tập đoàn Y tế Thomson (Thomson Medical Group) với sự dẫn dắt của ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành của tập đoàn, đã mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng. Đây đồng thời là giao dịch có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam từ trước đến nay.
“Tôi đã bắt đầu hành trình xây dựng Bệnh viện FV từ hơn 26 năm trước, nhưng tôi không thể hình dung một ngày nào đó, có một tập đoàn lớn mua lại FV với giá cao như vậy”, bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV, mở đầu phần chia sẻ tại lễ công bố “FV là thành viên của Thomson Medical Group” ngày 17/1 vừa qua.
Thương vụ M&A lớn nhất ngành y tế Đông Nam Á kể từ năm 2020
Theo ông Kiat Lim, mối quan hệ với FV đã được hình thành trong hơn một năm qua, xuất phát từ tham vọng nâng cao vị thế ở Đông Nam Á của tập đoàn.
Với vai trò là người dẫn dắt quá trình đàm phán, ông Kiat nhấn mạnh Việt Nam “không phải là một thị trường nào đó”, mà là sự lựa chọn hiển nhiên của Tập đoàn Y tế Thomson sau khi đã tăng trưởng mạnh mẽ ở Singapore và Malaysia. Đối với tập đoàn, Việt Nam là một trong ba thị trường chăm sóc sức khỏe phát triển nhanh nhất khu vực, với chi tiêu cho lĩnh vực này đã tăng trưởng 9,2%/năm trong giai đoạn 2017-2022.
FV gia nhập Tập đoàn Y tế Thomson là một thương vụ M&A lớn nhất ngành y tế Đông Nam Á kể từ năm 2020. Ảnh: Phương Lâm. |
Động lực của thị trường được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và làn sóng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là “cửa ngõ” nối Thomson đến gần hơn với các thị trường Đông Dương như Lào, Campuchia, Myanmar... Ông Kiat đánh giá cao vị thế như một trung tâm du lịch y tế đang phát triển trong khu vực của Việt Nam.
Ông Kiat Lim, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Y tế Thomson. Ảnh: Phương Lâm. |
“Việc mua lại Bệnh viện FV giúp mở rộng sự hiện diện của chúng tôi để bao phủ ba khu vực địa lý quan trọng nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp chúng tôi tiếp cận một thị trường đang phát triển và nguồn nhân tài dồi dào, đồng thời tạo ra những bước tiến quan trọng vào các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào và Myanmar”, ông Kiat Lim nói.
Dĩ nhiên, trước khi đi đến thỏa thuận với FV, TS Melvin Heng, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Y tế Thomson, tiết lộ đã đi khảo sát thực tế tại hơn 20 bệnh viện và cơ sở y tế khác tại Việt Nam. Qua quá trình tìm hiểu, ông đánh giá FV là “đầu tàu của ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong khu vực”.
“Nói đến định giá hàng trăm triệu USD, con số có vẻ lớn. Nhưng so với các thương vụ thành công khác ở Đông Nam Á, tôi thấy đã thương lượng được mức giá khá tốt. Bởi vì lĩnh vực y tế không chỉ bao gồm cơ sở vật chất, mà còn cả giá trị thương hiệu, đội ngũ nhân sự, quy trình làm việc… - những thứ phải mất rất nhiều năm mới phát triển được. FV đang làm tốt những điều này”, TS Melvin Heng chia sẻ với Tri thức - ZNews và khẳng định rất hài lòng với thương vụ.
Thực tế, để tiến đến hợp tác, Tập đoàn Y tế Thomson cũng phải trải qua quy trình đấu thầu cùng hơn 20 nhà đầu tư khác, trong đó phần lớn đều là các công ty cổ phần tư nhân. Chiến thắng của Thomson đến từ tầm nhìn đầu tư dài hạn và mong muốn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến ngành y tế Việt Nam cũng như khu vực.
Chứng kiến lễ công bố thương vụ giá trị nhất lịch sử ngành y tế Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sau màn hợp tác này, ông bày tỏ kỳ vọng sự tham gia của khối ngoại sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của y tế trong nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu hút du lịch - sức khỏe - y tế - nghỉ dưỡng trong những năm tới.
Kỷ nguyên mới của Bệnh viện FV khi gia nhập Tập đoàn Y tế Thomson
Với giao dịch ấn tượng này, Bệnh viện FV đã chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson. Tuy nhiên, theo TS Melvin Heng, sự hợp tác giữa Thomson và FV không chỉ là mối quan hệ đối tác kinh doanh đơn thuần, mà còn là sự hòa nhập về chuyên môn và tài năng của hai gã khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon cùng đại diện của Tập đoàn Y tế Thomson chia sẻ về kế hoạch phát triển FV thành bệnh viện số 1 khu vực Đông Dương. Ảnh: Phương Lâm. |
Mục tiêu chung của hai bên là đưa đội ngũ lãnh đạo y tế lên một tầm cao chưa từng có. Hiện cả Thomson và FV đều đã thu hút được một số nhân tài y tế hàng đầu trong khu vực. Bằng cách hợp tác cùng nhau, hai bên hy vọng sẽ kết nối được nhiều chuyên gia y tế hơn, đồng thời tiếp cận với các chuyên gia bên ngoài mạng lưới. Việc sáp nhập cũng mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên nghiên cứu và phát triển mới trong Tập đoàn Y tế Thomson, để cùng khám phá các giải pháp mới, tiến hành những nghiên cứu đột phá và đóng góp vào sự tiến bộ của khoa học y tế. Qua đó, người dân Đông Nam Á có thể yên tâm chăm sóc sức khỏe ngay tại quê nhà với tiêu chuẩn quốc tế.
“Tôi mong đợi được hợp tác chặt chẽ với bác sĩ Guillon và đội ngũ của ông để kế thừa những ưu điểm của Bệnh viện FV và tận dụng kiến thức chuyên môn sâu rộng của Thomson để đưa FV trở thành bệnh viện số 1 trong khu vực Đông Dương”, lãnh đạo Tập đoàn Y tế Thomson bày tỏ tham vọng.
Trên hành trình mới này, bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Hội đồng giám đốc cùng toàn thể nhân viên của bệnh viện sẽ ở lại và tiếp tục cùng Thomson phát triển FV, mở ra kỉ nguyên mới để FV phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện tại, FV sở hữu trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu với hơn 1.500 nhân viên, trong đó có 236 bác sĩ được đào tạo bài bản, năng động và tận tâm, có năng lực điều trị cả những ca bệnh khó nhất tại 36 chuyên khoa (nội và ngoại khoa). Theo TS Melvin Heng, FV đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể để nâng công suất phục vụ cho khách hàng và bệnh nhân, trong đó có việc xây dựng thêm Tòa nhà H gồm các trung tâm điều trị kỹ thuật cao, phục vụ cho các khoa phòng như Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng, Trung tâm Tim mạch kỹ thuật cao, Trung tâm Tiêu hóa Gan Mật, Trung tâm Chạy thận Nhân tạo, Trung tâm Điều trị Hiếm muộn & Thụ tinh trong ống nghiệm… nhằm mở rộng và nâng cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Sự kiện FV gia nhập Tập đoàn Y tế Thomson được sự quan tâm và chúc mừng của các lãnh đạo ngành Y tế Việt Nam và đại diện của Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Về địa bàn hoạt động, bên cạnh Bệnh viện FV tọa lạc tại quận 7, TP.HCM, hệ thống y tế này cũng đang sở hữu Phòng khám đa khoa FV Sài Gòn và đã mua lại ACC - Trung tâm trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic) hàng đầu Việt Nam, với 4 phòng khám tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Lãnh đạo Tập đoàn Y tế Thomson đánh giá cao những nỗ lực mở rộng độ phủ của FV và nhấn mạnh đây cũng là xu hướng chung ở các thị trường y tế phát triển. Bệnh nhân có nhu cầu điều trị gần nhà hoặc ngoại trú, thay vì đổ về các thành phố lớn đông đúc. Do đó, trong thời gian tới, định hướng của tập đoàn cũng là tận dụng cơ hội phát triển tại những khu vực bên ngoài TP.HCM, song song với đầu tư những trang thiết bị và công nghệ hiện đại hơn nữa.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Y tế Thomson cũng kỳ vọng vào khả năng thu hút du lịch y tế của Bệnh viện FV. Cho đến nay, TS Melvin Heng cho biết khoảng 5% bệnh nhân của FV đến từ Campuchia và các nước trong khu vực. Giờ đây, khi FV là thành viên của Thomson, ông mong sẽ càng có nhiều du khách quốc tế tin tưởng đến Việt Nam chăm sóc sức khỏe hơn.
Khởi đầu từ hoài bão của bác sĩ Jean-Marcel Guillon và nhóm sáng lập là mang dịch vụ y tế quốc tế đến Việt Nam, Bệnh viện FV sau hơn 26 năm phát triển đã thực sự hòa vào mạng lưới y tế tầm cỡ của Tập đoàn Y tế Thomson. “Cùng với nhau, như một gia đình, Tập đoàn Y tế Thomson và Bệnh viện FV sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc định hình tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe”, lời kết trong bài phát biểu của TS Melvin Heng đã mở ra một chương mới cho Bệnh viện FV, với sự đồng hành của một trong những tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực.