Vì sao tài sản bầu Đức tăng, ông chủ Vingroup giảm?
Hoàng Anh Gia Lai gặp nhiều tin xấu, lợi nhuận giảm rất mạnh so với năm trước nhưng tài sản của bầu Đức tăng hàng nghìn tỷ đồng. Điều ngược lại xảy ra với ông chủ Vingroup.
Kết thúc quý II, lợi nhuận hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai chỉ là 49 tỷ đồng, bằng 77% so với cùng kỳ. Trước đó, quý I/2012 cũng ghi nhận mức lãi của HAG chỉ là 77 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 440 tỷ của năm trước. Ngoài lợi nhuận 2 quý liên tiếp giảm rất mạnh, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai cũng chịu áp lực trước những thông tin bất lợi như hạ xếp hạng tín nhiệm, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản là 54%...
Thế nhưng trái với những thông tin này, giá trị của hơn 250 triệu cổ phiếu HAG mà ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đang nắm giữ lại tăng mạnh. Tính tới hết tháng 5, tài sản của bầu Đức đã tăng thêm 2.500 tỷ so với cuối năm 2011. Trong 2 tháng tiếp theo, mỗi tháng, tài sản của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức lại tăng 300 tỷ đồng nhờ giá cổ phiếu. Đến cuối tháng 7, khi mỗi cổ phiếu HAG chốt mức giá tại 29.200 đồng thì giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đưc là 7.582 tỷ đồng.
Theo thống kê, mỗi tháng đầu năm 2012, giá trị tài sản của bầu Đức lại tăng thêm từ 300 đến 500 tỷ đồng. |
Cũng trong ngành bất động sản, Vingroup là một trong số 12 công ty có lợi nhuận ngàn tỷ trên sàn chứng khoán Việt với lợi nhuận trong quý II đạt 1.349 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 7, trái phiếu quốc tế của VIC niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Singapore, lập kỷ lục về giá trị chứng khoán quốc tế của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Trong tháng 7, giá cổ phiếu của VIC giảm 5.000 đồng, điều này làm giá trị cổ phiếu của ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất trên sàn chứng khoán - "bốc hơi" 1.000 tỷ đồng, chỉ còn 16.555 tỷ đồng.
Lý giải sự trái ngược này, TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán MB cho rằng, giá trị doanh nghiệp chỉ là một yếu tố cấu thành nên giá cổ phiếu. "Giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố, gồm giá trị thực của doanh nghiệp và sự ưa thích của các nhà đầu tư. Vì vậy, không thể cho rằng công ty cứ làm ăn tốt thì giá cổ phiếu sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự biến động giá trước tiên phải xuất phát từ cung cầu, do đó, cổ phiếu thanh khoản tốt hơn sẽ có sức bật trong điều kiện thị trường trầm lắng như hiện nay", ông Hào chia sẻ.
Về việc nhà đầu tư liên tục đổ tiền vào cổ phiếu HAG, theo Phó tổng giám đốc Chứng khoán MB, nhà đầu tư nhận thấy được dòng tiền trong tương lai của Hoàng Anh Gia Lai và cơ hội mở rộng kinh doanh theo hướng đa ngành, đa quốc gia của công ty này nên đặt niềm tin lớn.
"Rất ít nhà đầu tư chỉ quan tâm tới hoạt đông hiện tại của doanh nghiệp mà bỏ qua tiềm năng tăng trưởng của công ty trong tương lai. Thực tế nhà đầu tư không còn ưa thích cổ phiếu của các công ty bất động sản nữa, và HAG không chỉ đầu tư mảng địa ốc. Những dự án tại Lào và Campuchia của công ty này dự kiến mang lại giá trị thực trong những năm 2013 - 2014, và đó là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn lạc quan về Hoàng Anh Gia Lai, bất chấp kết quả kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp này", vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán FLC phân tích, giá nhiều cổ phiếu hiện nay do cung cầu trên thị trường và những yếu tố ngẫu nhiên về dòng tiền trên thị trường quyết định chứ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty niêm yết. Nếu một số nhà đầu tư nào đó nắm giữ nhiều cổ phiếu VIC mà cần tiền buộc phải bán ra, làm cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm. Khi số lượng người cần bán liên tục nhiều hơn lượng mua thì giá sẽ giảm liên tiếp.
Hạ Minh
Theo Infonet