Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học cách hài lòng với bản thân

Chúng ta đặt ra tiêu chuẩn nhưng khi đạt được rồi các tiêu chuẩn cao hơn lại xuất hiện khiến ta chơi vơi và không rõ ràng về điều bản thân muốn.

gen z anh 1

Ảnh minh họa từ phim Ten things I hate about you. Nguồn: Next Luxury.

Có hai nguồn cơ dẫn tới nỗi niềm thất vọng về bản thân: Ngoại cảnh và chính mình. Cho dù cảm giác thất vọng về bản thân được gây ra bởi nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì lý do căn nguyên nhất là từ những tiêu chuẩn và kỳ vọng. Khi bản thân liên tiếp giành được những kết quả xuất sắc trong cuộc sống, người ngoài dần dõi theo hành trình của mình với những ánh mắt ngưỡng mộ. Đi kèm với sự ngưỡng mộ ấy là một sự kỳ vọng nhất định nào đó.

Người ngoài bỗng dưng đặt lên chúng mình những tiêu chuẩn cao và nghiễm nhiên cho rằng chúng mình phải đặt được những tiêu chuẩn đó. Đến khi chúng mình đạt được rồi thì họ lại tiếp tục đẩy tiêu chuẩn lên một tầm cao hơn, để rồi những đứa trẻ luôn rơi vào trạng thái thất vọng về bản thân khi lỡ may không chạm tới tiêu chuẩn mà người khác kỳ vọng, đôi khi thất vọng tràn trề ngay cả khi đã đặt ra tiêu chuẩn nhưng không vượt qua nó.

Thứ độc hại hơn chính là sự kỳ vọng của bản thân vào chính mình. Tương tự như những kỳ vọng của người khác áp lên, mình cũng dần đặt ra những tiêu chuẩn để thôi thúc bản thân cố gắng từng ngày. Bất cứ khi nào đạt được một mục tiêu nào đó, thay vì hoan hỉ thì mình lại ngay lập tức nhắc nhở bản thân "thế là chưa đủ".

Định nghĩa của từ "đủ" không có trong từ điển của mình, vì bất cứ khi nào cảm thấy đủ, mình lại mở rộng nhu cầu của bản thân để thấy mình thiếu. Mình cũng hay so đo người khác đang làm gì và họ tốt hơn mình bao nhiêu. Càng nhìn ra thế giới bên ngoài, mình lại càng thấy mình thiếu. Thế là mình lao đầu vào tất cả mọi thứ. Chẳng cần biết mình thiếu thứ gì, thiếu ở đâu, chỉ biết là mình sẽ làm mọi thứ mình có thể để khiến bản thân tốt hơn ở mọi khía cạnh.

Thế nhưng hành động đó lại khiến cảm giác thiếu ngày càng chiếm trọn tâm trí mình. Dù biết không thể xuất sắc ở mọi khía cạnh, lòng mình vẫn ấm ức khi bản thân không đạt được cái chuẩn mà chính mình mong đợi. Mình luôn sống trong sự thất vọng tràn trề về bản thân. Thành thật mà nói, đôi khi mình còn chẳng biết rõ kỳ vọng của mình chi tiết cụ thể ra sao. Định nghĩa kỳ vọng cũng mập mờ như định nghĩa của chữ "đủ" vậy.

Vây làm sao để mình học cách bằng lòng với bản thân. Mình nghĩ dù có đi hết con đường đời cũng chẳng mấy ai cảm thấy thỏa mãn với chính mình. Xã hội dạy con người ta phải có khát vọng, hoài bão, ước mơ nên sự tham vọng đã ăn sâu vào tiềm thức cá nhân. Dựa trên nguyên nhân gốc rễ là tiêu chuẩn và sự kỳ vọng, mình nghĩ cách tốt nhất để bằng lòng với bản thân là có mục tiêu rõ ràng.

Hãy cố gắng đặt ra mục tiêu cụ thể, đo đếm bằng những đơn vị hiện hữu. Đồng thời, mục tiêu nên nằm trong tầm kiểm soát của mình thay vì ai đó. Trước khi bước vào kỳ thi, đặt ra số điểm mình muốn chứ đừng đặt mục tiêu đứng nhất trường, nhất khối bởi mục tiêu của mình như vậy sẽ lệ thuộc vào những người khác.

Việc đặt ra mục tiêu quan trọng bởi chính những kỳ vọng mơ hồ đã khiến chúng ta rơi vào trạng thái không biết thế nào là đủ. Mình biết đặt mục tiêu phải thành công sớm, nhưng mình chẳng biết định nghĩa thành công sớm của mình là gì. Kết cục là mình cứ chơi vơi trong cuộc đua thăng tiến vì chẳng biết đến bao giờ thì mới được gọi là thành công.

Cảm giác không bằng lòng với chính mình là một điều tốt vì nó thôi thúc người trẻ như chúng ta cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Tuy vậy, cái gì tốt cũng luôn có giới hạn trước khi nó chuyển biến thành tư duy độc hại.

Hoàng Phương Linh/Bloom Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY