Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm toàn quốc?

Sri Lanka gần đây phải ban hành lệnh giới nghiêm vì các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nguyên nhân gốc rễ là cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua.

Sri Lanka đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ sau khi độc lập khỏi Anh vào năm 1948. Đồng rupee của nước này đã mất giá kỷ lục so với đồng đôla. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 2 con số.

Thiếu hụt ngoại hối khiến chính phủ không thể thanh toán tiền nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Thiếu nhiên liệu, những lần cắt điện trở nên thường xuyên hơn.

Trong hoàn cảnh đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát và có xu hướng leo thang thành bạo lực. Hôm 2/4, Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm toàn quốc trong 36 tiếng nhưng người biểu tình vẫn xuống phố.

Hôm 4/4, toàn bộ nội các Sri Lanka đã từ chức, ngoại trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng anh trai là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, để mở đường cho chính phủ mới.

khung hoang Sri Lanka anh 1
Một xe buýt bị phóng hỏa trong cuộc biểu tình hôm 31/3 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters.

Sri Lanka sai lầm ở đâu?

Gốc rễ khủng hoảng hiện tại nằm ở một chuỗi chính sách quản lý yếu kém của các đời chính phủ liên tiếp, kết hợp với tác động từ đại dịch.

Năm 2006, chính phủ Sri Lanka cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng vay và thu hút vốn nước ngoài thông qua nâng giá trị đồng rupee.

Để nâng giá trị đồng tiền quốc gia, ngân hàng trung ương có thể dùng dự trữ ngoại hối để mua lại đồng nội tệ, từ đó đẩy nhu cầu đồng tiền ấy lên cao.

Chiến lược này thành công về mặt ngắn hạn. GDP bình quân đầu người Sri Lanka tăng hơn gấp đôi trong năm 2006-2014. Đổi lại, nợ nước ngoài tăng gấp ba trong năm 2006-2012.

Sau khi chính sách trên được tạm dừng một thời gian vào năm 2015, kinh tế Sri Lanka ổn định trở lại nhưng tăng trưởng thấp. Nợ nước ngoài vẫn tích lũy.

Tới năm 2019, chính phủ của tân Tổng thống Rajapaksa thực hiện cam kết giảm thuế, trong đó thuế VAT giảm gần một nửa. Động thái này làm tăng rủi ro cho nền kinh tế vì khiến tiềm năng thu ngân sách giảm trong khi khoản nợ lớn vẫn còn.

Đúng lúc này, Covid-19 bùng phát. Hai nguồn thu lớn của Sri Lanka là chi tiêu của du khách quốc tế và tiền gửi về từ nước ngoài đều giảm mạnh. Sri Lanka sau đó bị các cơ quan tín dụng hạ bậc xếp hạng, khiến đảo quốc không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Mất đi khả năng tiếp cận này, chương trình quản lý nợ của Sri Lanka chật vật. Dự trữ ngoại hối của đảo quốc tụt giảm gần 70% trong 2 năm.

Tính tới tháng 2, Sri Lanka chỉ còn 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại hối, trong khi phải thanh toán khoảng 4 tỷ USD trong năm nay, bao gồm 1 tỷ USD tiền trái phiếu quốc tế chính phủ đáo hạn vào tháng 7.

Ai đang giúp Sri Lanka?

Trong nhiều tháng, chính quyền của ông Rajapaksa và ngân hàng trung ương phớt lờ lời kêu gọi của giới chuyên gia và đảng đối lập về việc xin hỗ trợ từ IMF.

Nhưng khi giá dầu tăng vọt do chiến sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, chính quyền Sri Lanka cuối cùng phải lập kế hoạch làm việc với IMF. IMF hôm 31/3 cho biết sẽ trao đổi với chính phủ Sri Lanka về chương trình cho vay trong “những ngày tới”.

Trước khi gặp IMF, Sri Lanka đã ngừng giữ giá đồng rupee, khiến đồng tiền giảm sâu. Động thái này giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm nhưng đẩy lạm phát tăng cao.

Trước mắt, chính quyền ông Rajapaksa còn xin trợ giúp từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là viện trợ nhiên liệu từ New Delhi.

Sri Lanka trước đó đã ký thỏa thuận cho vay 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và thuốc men. Chính quyền Rajapaksa cũng muốn vay thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa từ New Delhi.

Trung Quốc đang xem xét cho quốc đảo vay thấu chi 1,5 tỷ USD và một khoản vay khác lên tới 1 tỷ USD.

Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm toàn quốc

Cảnh sát Sri Lanka thông báo áp lệnh giới nghiêm kéo dài 36 tiếng để đối phó với cuộc biểu tình chống chính phủ, theo AFP.

Thiếu tiền mua giấy, hàng triệu học sinh Sri Lanka nghỉ thi

Giới chức Sri Lanka hủy bỏ kỳ thi học kỳ của hàng triệu học sinh, do quốc gia Nam Á này không thể nhập khẩu giấy và mực in vì thiếu ngoại tệ.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm