Theo cảnh sát Sri Lanka, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 18h tối 2/4 và được dỡ bỏ vào 6h sáng 4/4.
"Theo quyền hạn của tổng thống, lệnh giới nghiêm được áp dụng trên toàn quốc từ 18h ngày 2/4 đến 6h ngày 4/4”, Reuters dẫn một tuyên bố của chính phủ cho biết.
Giới chức an ninh đêm 1/4 đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại các khu vực ở tỉnh Western, tây nam đất nước, bao gồm cả thủ đô Colombo.
Lệnh giới nghiêm được ban bố một ngày sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp do một phong trào đòi phế truất ông. Tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội Sri Lanka giam giữ các nghi phạm trong thời gian dài mà không cần xét xử.
Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm trên toàn quốc để kiểm soát biểu tình. Ảnh: Reuters. |
Quốc gia 22 triệu dân này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm trầm trọng, giá cả tăng vọt và mất điện trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1948.
Làn sóng biểu tình leo thang thành bạo lực vào đêm 31/3 tại Colombo, khi những người biểu tình cố gắng tấn công dinh thự của tổng thống và yêu cầu ông Rajapaksa từ chức. Cảnh sát xịt hơi cay và dùng vòi rồng để giải tán đám đông.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ cũng diễn ra ở các thị trấn Galle, Matara và Moratuwa, và các vùng phía bắc và miền Trung, gây tắc nghẽn trên các tuyến đường lớn.
Văn phòng của Tổng thống Rajapaksa cho biết những người biểu tình muốn tạo ra một "mùa xuân Ả Rập", ám chỉ các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Trung Đông hơn một thập kỷ trước.
Truyền thông địa phương cho biết một liên minh gồm 11 đảng phái chính trị đã thúc giục ông Rajapaksa giải tán nội các và thành lập chính phủ với tất cả bên để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Theo Reuters, Sri Lanka là quốc gia mà Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh để xây dựng ảnh hưởng.