Năm 1950, Albert Mehrabian, nhà tâm lý học người Mỹ chỉ ra rằng nội dung khi người ta nói chỉ truyền tải 7% ý nghĩ của người đó, 38% đến từ ngữ điệu (cách nói) và 55% đến từ các yếu tố khác lời nói như nét mặt, ngôn ngữ hình thể.
Khi nhắn tin, nếu muốn câu đầy đủ bối cảnh, ngữ nghĩa, cảm xúc, câu văn bắt buộc phải kéo dài ra. Điều này không thích hợp với việc nhắn tin hàng ngày.
Emoji: Một loại ngôn ngữ mới
Những năm cuối thập niên 90, Shigetaka Kurita, một nhân viên của công ty viễn thông Nhật Docomo đã tạo ra emoji bằng cách kết hợp các ký tự nhằm giải quyết nhu cầu cảm xúc, rút ngắn câu chữ cho việc nhắn tin.
Mãi đến năm 2011, emoji lần đầu tiên chính thức xuất hiện trên bản iOS 5.0. Nó nằm bên trong tuỳ chỉnh bàn phím tương tự như như tiếng Anh, tiếng Đức... mà người dùng có thể lựa chọn. Hai năm sau, hệ điều hành Android 4.4 Kitkat bắt đầu cập nhận emoji vào bàn phím của họ.
Android Kitkat 4.4 là phiên bản đầu tiên Google tích hợp emoji vào bàn phím như nhiều loại ngôn ngữ khác. |
Trong hơn 20 năm tồn tại, emoji được sử dụng nhiều đến mức theo thông kê từ trang Emojitracker, biểu tượng cười ra nước mắt (LOL) xuất hiện trên Twitter vượt mặt dấu ~ đã có tuổi đời hơn 3.000 năm. Thậm chí ngày 17/7 còn được xem là ngày Quốc tế emoji được thành lập bởi chuyên trang từ điển về biểu tượng cảm xúc Emojipedia.org.
Thực tế, trong một cuộc tranh luận bằng tin nhắn, bạn nhận ra mình sai, bạn trả lời "Vâng tôi hiểu". Nhưng người nghe có thể hiểu theo cách tiêu cực rằng bạn vẫn chưa chấp nhận mình sai, bạn chỉ "ởm ờ" cho qua. Thay vào đó bạn phải nhắn "Vâng, tôi đã hiểu vấn đề bạn nói và rất vui vẻ khi nhận ra quan điểm của tôi đã sai. Cám ơn bạn".
Nhưng với biểu tượng LOL theo sau câu "Vâng, tôi hiểu", mọi chuyện đã đi theo hướng khác, tích cực hơn. Đó là lý do emoji xuất hiện và tồn tại hơn 20 năm qua, giúp truyền tải 55% ý nghĩ của con người trong thời đại số.
AR: Mọi thứ như hiện ra trước mắt
Nhưng theo thời gian, công nghệ ngày càng phát triển, con người nhận ra emoji vẫn chưa đủ. Chúng thiếu sự chuyển động, tính cá nhân hoá và sự sinh động để thể hiện những vấn đề riêng biệt. Con người cần một cách giao tiếp mới.
Thực tế ảo ra đời nhằm giúp con người nhìn thấy thông tin sinh động hơn. Nhưng công nghệ này đòi hỏi các thiết bị rườm rà. Nếu bạn muốn hình ảnh càng chân thực, thiết bị sẽ càng phức tạp và đắt tiền.
Đó là lý do công nghệ thực tế tăng cường (AR) ra đời. Nó giúp người dùng có thể nhìn thấy hình ảnh 3D mà không phải sử dụng kính. Nó giúp người dùng có thể nhìn thấy những vật thể và kết hợp với môi trường xung quanh một cách thực tế nhất.
Emoji AR đang trở thành xu hướng mới được nhiều hãng điện thoại lựa chọn. Không ai biết trước tương lai, nhưng Emoji AR có thể sẽ thay thế emoji nếu được người dùng đón nhận. Ảnh: Android.com. |
Bạn phân vân ngôi nhà bạn sẽ trông như thế nào nếu có một chiếc sofa? Bạn muốn nhìn thấy một con khủng long và tương tác với nó? AR sẽ giúp bạn thực hiện điều đó. Thậm chí nó có thể giúp những người thương yêu của bạn xuất hiện ngay trong căn phòng bạn đang ngồi dù họ đang cách xa nửa vòng Trái Đất. Công nghệ AR đang tạo ra một phương thức giao tiếp mới.
"Từ các nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi đã xem xét cách thế hệ Z (những người sinh năm 1996-2000) giao tiếp và phát hiện sự gia tăng việc sử dụng các hình thức giao tiếp trực quan", ông Nayoung Kim, thành viên của nhóm hoạch định sản phẩm Samsung trả lời trong buổi gặp gỡ trung tâm tin tức Samsung Newsroom về lý do hãng nghiên cứu phương thức giao tiếp mới.
"Người dùng thuộc thế hệ này thường sử dụng biểu tượng cảm xúc nhiều hơn định dạng chữ và cũng yêu thích chia sẻ những hình ảnh vui nhộn hơn", chuyên gia này nhấn mạnh.
Bắt đầu từ cuối năm 2017, bằng việc kết hợp emoji với công nghệ AR, các hãng điện thoại đã bắt đầu ra mắt những sản phẩm phục vụ như cầu giao tiếp cảm xúc thực tế mới. Trong trường hợp của Samsung, đó là mẫu Galaxy S9 và S9+. AR Emoji trên bộ đôi này thậm chí được thai nghén sớm hơn, từ 2016 và liên tục phát triển để mang đến những biểu cảm tốt, sát với dung mạo của người dùng.
Những cái tên như AR Emoji, Animoji, Zenmoji và hàng loạt tên gọi khác có mặt trên các mẫu smartphone đang bán thị trường, nhưng cách thể hiện khác khác nhau. Việc chúng được sử dụng rộng rãi, phần nào lý giải việc tại sao smartphone cần tích hợp emoji và công nghệ AR: đó là cách tiếp cận những người trẻ, khi ứng dụng camera thông thường đã khá khô cứng và chưa mang lại nhiều cảm xúc vui nhộn.