|
Siri được ra mắt cùng với iPhone 4s vào tháng 10/2011, một ngày trước khi đồng sáng lập Apple Steve Jobs qua đời.
Khi đó, khả năng điều khiển thiết bị thực hiện các tác vụ kiểu như đặt đồng hồ báo thức hay trả lời tin nhắn của Siri được coi như cuộc cách mạng.
Nhiều năm sau đó, Siri khiến các đối thủ khác bắt chước chạy theo: Alexa của Amazon ra mắt năm 2014 (tích hợp vào loa Echo), và Google Assistant mới xuất hiện mùa hè năm ngoái.
Thế nhưng, cuộc chơi giờ đây có vẻ đã đảo chiều. Các đối thủ ra sau lại có nhiều tính năng hơn Siri, và ngày càng có vai trò qua trọng hơn trong chuỗi sản phẩm của nhà sản xuất.
“Tình hình là Google và Amazon đang thắng thế trong cuộc đua trợ lý ảo cá nhân. Apple đã không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ này”, Brian Blau, nhà phân tích của Gartner, nhận xét.
Cuộc đua không cân sức
Sự kiện ra mắt sản phẩm gần đây nhất của Google đã đưa Google Assistant lên vị trí trung tâm. Trợ lý này được tích hợp cho hầu hết sản phẩm mới của Google, từ tai nghe không dây, hai mẫu điện thoại Pixel 2 mới, tới mẫu loa và laptop tới.
“Người dùng sẽ có khả năng tương tác với thiết bị theo cách tự nhiên và liên tục”, Google CEO, Sundar Pichai, nhấn mạnh về vai trò của các thiết bị mới nói chung và Google Assistant nói riêng.
Google Assistant hiện nay được tăng thêm nhiều tính năng khiến Siri phải “hít khói” chạy theo. Chẳng hạn, mẫu loa Google Home mới có thể cấu hình nhận biết người dùng khác nhau qua giọng nói của họ.
Khi nói “Hey Google, hãy gọi cho mẹ”, Google Home sẽ gọi cho mẹ đẻ người dùng, thay vì gọi cho mẹ vợ. Alexa của Amazon không thể phân biệt được điều này, và tất nhiên Siri cũng không thể.
Dù ra mắt trước vài năm nhưng Siri ngày càng tỏ ra yếu thế so với các đối thủ. |
Thiết bị loa gia đình đầu tiên của Apple, HomePod, sẽ không thể xuất hiện trước tháng 12 năm nay. Điều đó có nghĩa HomePod đi sau đối thủ của Google và Amazon.
HomePod được tích hợp Siri nhưng CEO Apple chỉ nhấn mạnh tới vai trò chơi nhạc của iPod thay vì đề cập tới khả năng cải tiến của Siri.
Trong khi đó, Google và Amazon lại làm nhiều hơn thế khi cho phép người ngoài có thể tương tác tốt hơn với trợ lý ảo. Cách làm này tương tự như Apple đã làm trước đây khi cải tổ kho ứng dụng App Store.
Các nhà phát triển bên ngoài có thể tạo hơn 25.000 kỹ năng mới cho Alexa, và trợ lý ảo này đang được tích hợp cho nhiều mẫu xe hơi mới, TV và ứng dụng trong gia đình.
Còn Google Assistant được tích hợp trên nhiều sản phẩm bên ngoài, điển hình như của Sony. Google cũng vừa công bố các công cụ cho phép nhà phát triển có thể tạo ứng dụng Google Home và game cho gia đình.
Trong khi đó, Apple lại giới hạn không cho các nhà phát triển tạo ra ứng dụng cho Siri.
Có thể Siri sẽ được nâng cấp thêm tính năng nào đó khi HomePod ra mắt trong một hai tháng tới. Apple có thói quen hoàn thiện sản phẩm của mình rồi mới công bố, khác với cách tiếp cận của Google khi ra mắt bản beta trước rồi mới tới bản chính thức.
Gần đây, Apple cũng có một vài nâng cấp nhỏ cho Siri. Trong sự kiện hồi tháng 6/2017, Siri có thêm khả năng nhận diện giọng nói và dịch thuật chuẩn hơn.
Thế nhưng, chẳng là gì so với Google Assistant. Khả năng nhận diện giọng nói và dịch thuật của Google Assistant vừa được nâng lên đẳng cấp mới khi có thể dùng tai nghe không dây Pixel Buds dịch trực tiếp.
Trong buổi lễ ra mắt sản phẩm vừa qua, khi một lãnh đạo Google nói tiếng Thụy Điển, ngay lập tức đồng nghiệp của cô nghe phiên âm tiếng Anh qua Google Assistant. Khi người đồng nghiệp đáp lại bằng tiếng Anh, Google Assistant lại dịch ngay sang tiếng Thụy Điển.
Trợ lý ảo Google Assistant đang được tăng cường nhiều tính năng mạnh mẽ. Ảnh: Android Authority. |
Ngoài khả năng xử lý lệnh điều khiển bằng giọng nói và chữ, các trợ lý ảo của Amazon và Google giờ đây có thể làm việc tốt hơn với hình ảnh.
Đầu năm vừa rồi, Amazon giới thiệu thêm thiết bị mới Echo Look được tích hợp Alexa và camera có khả năng đưa ra gợi ý trang phục cho người dùng. Về cơ bản, tính năng này giống chiếc gương thần thế kỷ 21.
Còn Google, vốn đã đầu tư rất mạnh tay cho tính năng tìm kiếm nhận diện hình ảnh trong nhiều năm qua, giờ đây đã tiến rất xa trong lĩnh vực trợ lý ảo.
Trên chiếc laptop Pixelbook mới ra mắt, người dùng có thể sử dụng bút stylus yêu cầu Google Assistant tìm kiếm ảnh hoặc chữ liên quan.
Chẳng hạn, chỉ cần khoanh bút vào gương mặt ca sĩ trên trang web, Google Assistant sẽ tự động xác định ca sĩ đó là ai, đồng thời cung cấp các bài hát và video liên quan tới ca sĩ này.
Trên mẫu điện thoại Pixel 2 mới, tính năng mới Lens cho phép Google Assistant truy cập vào bộ sưu tập ảnh đã chụp bằng camera của thiết bị.
Chỉ cần người dùng nhấp vào một tài liệu hoặc đoạn text có chứa địa chỉ e-mail hoặc số điện thoại, Lens sẽ cho phép gọi hoặc soạn tin nhắn tới số liên lạc đó. Lens còn có thể tập hợp thông tin về tác phẩm nghệ thuật, những địa điểm nổi tiếng, phim ảnh và sách.
Chưa hoàn thiện
Tuy có nhiều tính năng đột phá nhưng mức độ hoàn thiện của trợ lý ảo chưa cao. Nhiều tính năng vẫn mang tính máy móc chứ chưa thực sự “thông minh”.
Theo William Wang, giáo sư trường Đại học California Santa Barbara, việc tạo ra phần mềm có khả năng đối đáp như người bình thường vẫn là thử thách lớn.
Tuy thông minh nhưng trợ lý ảo vẫn chưa hoàn thiện. |
Ngoài ra, việc tăng khả năng hiểu biết ngữ cảnh rộng hơn của thế giới, cũng như cách mọi thứ liên quan với nhau, vẫn tiến triển rất chậm chạp, chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn.
Wang và các nhà nghiên cứu khác đang tìm cách tạo ra các nguồn tri thức trực tuyến liên tục cập nhật cho trợ lý ảo.
Về công nghệ liên quan tới trợ lý ảo, Google đạt được nhiều tiến bộ nhất, một phần cũng nhờ công cụ tìm kiếm cực mạnh của hãng này.
Trong cuộc khảo sát tháng 4/2017, Stone Temple đặt khoảng 5.000 câu hỏi tổng quan cho các trợ lý ảo, Google Assistant đạt độ chính xác cao nhất với 91%, tiếp theo là Alexa – 87% và xếp cuối là Siri – 62%.
Một khảo sát gần đây của ComScore cũng cho thấy, tỉ lệ chính xác cao chủ yếu dành cho các câu trả lời nhiều người quan tâm, tiếp theo là chủ đề thời tiết và âm nhạc. Và thiết bị trả lời chính xác cao nhất là loa thông minh, đứng đầu là Google Home.
Siri đã hụt hơi trong cuộc chiến trợ lý ảo. Đó sẽ là thất bại của Apple nếu còn chưa mạnh tay phát triển A.I.