Chỉ tính riêng trong năm nay, có đến 8 du học sinh tại bang New South Wales là nạn nhân của các vụ “bắt cóc ảo”. Gia đình những sinh viên này phải chi trả tổng cộng 2,3 triệu USD để chuộc con, CNN dẫn thông tin từ cảnh sát bang.
Đáng chú ý, phụ huynh của một sinh viên Trung Quốc đã gửi ngay 1,4 triệu USD sau khi xem đoạn phim uy hiếp từ những kẻ bắt cóc. Một gia đình khác cũng phải chi hơn 14.000 USD để chuộc con.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tại Australia đã tìm cách cưỡng chế sinh viên Trung Quốc, ép buộc họ tự dàn dựng màn bắt cóc tống tiền người thân.
Ông Peter Thurtell, trợ lý Ủy viên của tiểu bang New South Wales, nhận xét: “Nạn nhân thường không bị hại về mặt thể chất. Song họ phải chịu sang chấn tâm lý nghiêm trọng, nhất là khi nghĩ rằng họ tự đặt bản thân và gia đình vào hoàn cảnh nguy hiểm”.
Cảnh sát sát bang New South Wales cho biết kẻ xấu thường nhắm vào cộng đồng du học sinh gốc Hoa sống xa gia đình. Số liệu từ chính phủ cho biết Australia là điểm đến của khoảng 165.000 sinh viên người Trung Quốc.
Bóc trần chiêu trò “bắt cóc ảo”
Đầu tiên, những kẻ lừa đảo sẽ gọi ngẫu nhiên đến nhiều số máy và nói tiếng Trung Quốc. Người Australia, thường không biết tiếng Trung, sẽ cúp máy trong khi sinh viên gốc Hoa sẽ trả lời các cuộc gọi này.
Kẻ lừa đảo tự nhận là đại diện từ một cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, ví dụ như nhân viên đại sứ quán hoặc cảnh sát. Sau đó, chúng thông báo nạn nhân có liên quan đến một vụ án hay hoạt động tội phạm nào đó và có nguy cơ bị bắt giữ.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tại Australia đã tìm cách cưỡng chế sinh viên Trung Quốc. Ảnh: NSW Police. |
Những kẻ lừa đảo cảnh cáo sinh viên Trung Quốc có thể bị dẫn độ về nước và chịu cáo buộc hình sự, đồng thời đe doạ bổ sung hình phạt nếu không hợp tác.
Đáng chú ý, loại tội phạm này dùng ứng dụng công nghệ tinh vi để che giấu vị trí thực. Chúng cũng lập trình số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan công quyền tại Trung Quốc, khiến sinh viên không thể nhận ra trò lừa đảo dù có tra cứu trên mạng.
Cảnh sát New South Wales cho biết các vụ lừa đảo thường đi theo hai kịch bản. Ở kịch bản đầu tiên, nạn nhân bị yêu cầu trả một loạt phí để không bị bắt giữ hay trục xuất khỏi Australia.
Một mánh khóe tinh vi hơn của những kẻ lừa đảo là cưỡng chế nạn nhân, không cho họ liên lạc với gia đình và bạn bè. Sau đó, nạn nhân tiếp tục bị uy hiếp, buộc phải thuê phòng khách sạn và tự dàn dựng vụ bắt cóc bản thân.
Không liên lạc được với con cái, các gia đình liên tục gửi nhiều khoản tiền để chuộc con. Mọi việc chỉ dừng lại khi gia đình nạn nhân không thể gửi thêm tiền và buộc phải báo cảnh sát, CNN dẫn tuyên bố chính thức của cảnh sát địa phương.
Các vụ “bắt cóc ảo” thường gây ra thiệt hại về tiền của trong khi nạn nhân được phát hiện an toàn chỉ trong vài ngày sau.
Số liệu từ chính phủ cho biết Australia là điểm đến của khoảng 165.000 sinh viên người Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Tại sao lại là du học sinh Trung Quốc?
Các vụ dàn dựng bắt cóc tống tiền được báo cáo tại nhiều tiểu bang của Australia. Băng đảng tội phạm thường nhắm vào cộng đồng sinh viên nước ngoài, vốn là nhóm đối tượng còn trẻ, thiếu kinh nghiệm xã hội và sống xa gia đình.
“Sinh viên quốc tế là đối tượng dễ bị tổn thương vì họ ít khi được hỗ trợ tại Australia. Các nạn nhân còn khá trẻ và thiếu kinh nghiệm xã hội. Họ ngay lập tức tin tưởng những cá nhân tự xưng là người của đại sứ quán”, một chuyên gia tội phạm nhận xét.
Tiến sĩ Lennon Chang, chuyên nghiên cứu tội phạm tại Đại học Monash, cho biết: “Nếu bạn là một người Australia gốc Hoa và ai đó nói rằng bạn có liên quan đến đường dây tội phạm ở Trung Quốc, bạn sẽ bảo họ biến đi”.
Trong khi đó, các du học sinh sẽ cảm thấy lo lắng cho gia đình và tình hình ở quê nhà. Nhiều kẻ lừa đảo xác định “con mồi hoàn hảo” là những người đã rời Trung Quốc và xa gia đình trong một thời gian dài.
Du học sinh Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều áp lực từ hệ thống luật pháp của nước sở tại. Nhiều sinh viên từng đi làm “chui” để có thêm tiền trang trải sinh hoạt phí. Do đó, họ không chắc rằng mình không làm gì sai và vô tình tin vào các cuộc gọi lừa đảo.
Du học sinh Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều áp lực từ hệ thống luật pháp của nước sở tại. Ảnh: China Daily. |
Ngoài ra, du học sinh Trung Quốc có những suy nghĩ mang tính đặc thù. Điều đó khiến nạn nhân đặt niềm tin một cách mù quáng vào những kẻ lừa đảo tự xưng là cơ quan công quyền.
Nhiều báo cáo cho thấy các vụ lừa đảo qua mạng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. “Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia liên tục thực hiện nhiều vụ lừa đảo trong thập kỷ vừa qua”, ông Darren Bennett, người đứng đầu cơ quan điều tra của bang NSW cho biết.
Năm 2019, cảnh sát Australia nhận được ít nhất 1.172 báo cáo về các vụ lừa đảo tự xưng là “chính phủ Trung Quốc”. Các chiêu trò lừa đảo gây ra tổng thiệt hại lên đến 1,43 triệu USD trong năm ngoái.