Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao rớt hạng chưa phải thảm họa với Leicester?

Chỉ có được 1 điểm trước Newcastle ở vòng 37 Premier League rạng sáng 23/5 (giờ Hà Nội), cánh cửa rớt hạng dần hiện ra với Leicester City. Thế nhưng, đó chưa phải điều tồi tệ nhất.

Mùa 2014/15, Leicester tạo ra cuộc trốn chạy thành công khỏi suất rớt hạng, để rồi khởi đầu cho câu chuyện cổ tích kỳ diệu sau đó. Còn hiện tại, nhiều khả năng "Bầy cáo" sẽ không thể viết thêm series mới cho bộ phim "đào thoát khỏi cửa rớt hạng".

Với việc chỉ có 31 điểm và đứng thứ 18 trên BXH, Leicester không thể tự quyết số phận. Ở vòng cuối, họ phải thắng West Ham, đồng thời cầu mong Everton sẩy chân trước AFC Bournemouth. "Bầy cáo" đang phải trả giá cho phong độ tệ hại. Thời kỳ vàng son của đội chủ sân King Power với 1 chức vô địch Premier League, 1 FA Cup nhiều khả năng khép lại.

Leicester xuong hang anh 1

Từ câu chuyện của Blackburn Rovers, Bolton Wanderers

Nỗi buồn, sự lo lắng đang bao trùm lấy Leicester. Song, đắm chìm trong sự sầu não chỉ khiến nhà cựu vô địch Premier League thêm lụn bại. Họ phải nhanh chóng đứng dậy, vạch ra kế hoạch mới, xây dựng lại đội hình sớm nhất có thể nhằm chạy đua cho suất thăng hạng mùa tới (nếu rớt hạng - PV).

Trên Forbes, cây viết Zak Garner-Purkis cho rằng việc xuống hạng không còn là thảm họa kinh hoàng với Leicester như cách đây 8 năm. Mùa 2014/15, "Bầy cáo" chơi rất tệ trong giai đoạn đầu mùa, khiến rất ít người nghĩ rằng họ có thể trụ lại Premier League. Tính đến ngày 15/3, trải qua 29 vòng đấu, Leicester chỉ thắng được 4 trận. Nỗi ám ảnh rớt hạng hiện ra trước mắt thầy trò Nigel Pearson.

Kỳ diệu thay, "Bầy cáo" tạo ra cú nước rút ngoạn mục, thắng 7 trận trong phần còn lại của mùa giải, để rồi trụ hạng thành công. Họ thậm chí đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng.

Trong giai đoạn then chốt của mùa giải, từng có lúc ông Pearson mất bình tĩnh vì áp lực đè nặng lên vai. Đặc biệt, sau trận thua Chelsea 1-3 ở vòng 34 Premier League, mọi chuyện tưởng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Ngồi ở phòng họp báo sau trận đấu, ông Pearson mất bình tĩnh, cáo buộc một nhà báo là "đà điểu" chỉ vì người này gặng hỏi những câu làm ông khó chịu.

Hơn hết, ông Pearson hiểu rằng việc xuống hạng có thể bắt đầu một sự sa sút khó đảo ngược. Trong ba mùa trước, những đội như Bolton Wanderers, Blackburn Rovers, Wigan Athletic và Reading đều phải nói lời chia tay Premier League và không bao giờ có thể trở lại.

Nhưng lúc này, mọi chuyện đã khác.

Một trong những lý do khiến Bolton, Blackburn chìm nghỉm tại Anh là vì "khoản tiền dành cho đội rớt hạng" mà giải Premier League chi cho các CLB thời điểm đó kém hào phóng. Ở đây, "khoản tiền dành cho đội rớt hạng" được tạm hiểu là phần hỗ trợ cho những đội xuống hạng, để họ không phải bán đi những cầu thủ tốt nhất, theo đó tiếp tục nuôi hy vọng thăng hạng trở lại. Khi ấy, đại diện của Greater Manchester và Lancashire chỉ nhận được 13,1 triệu USD trong năm đầu (từ khi rớt hạng - PV). Nhưng năm ở tiếp theo, họ không còn nhận được thêm khoản tiền nào nữa.

Câu chuyện của Bolton là bi kịch. Việc chi tiêu không hợp lý khiến họ khủng hoảng tài chính, nợ ngập đầu, phải bán hết nhân sự giỏi. Theo thời gian, đội bóng này sa sút, liên tục bị giáng xuống chơi ở những giải hạng thấp. Nhiều khoản nợ khổng lồ tích tụ từ thời còn thi đấu ở Premier League khiến CLB đang trên bờ vực phá sản.

Blackburn Rovers có tình hình tài chính tốt hơn một chút. Dù vậy, đội bóng cũng không thể duy trì được sự ổn định, để rồi từng có thời điểm bị giáng xuống League 1. Tới nay, vẫn không có dấu hiệu khởi sắc ở đội chủ sân Ewood Park, cho thấy họ có tiềm năng trở lại Premier League.

Cú hạ cánh nhẹ nhàng của Leicester

Rớt hạng là kịch bản buồn nhất với cổ động viên Leicester. Song, giữa màn đêm tăm tối vẫn xuất hiện tia sáng. Không giống năm 2015, "Bầy cáo" có thể nhận được "khoản tiền dành cho đội rớt hạng" trong 3 năm với sự hào phóng hơn từ Premier League.

Theo lý thuyết, Leicester có thể nhận được 55% tiền bản quyền truyền hình trong năm đầu tiên. Năm thứ hai là 45% và 20% cho năm tiếp theo. Dự kiến, "Bầy cáo" có thể thu về 100 triệu USD trong hai năm đầu xuống hạng.

Cũng chính vì "khoản tiền dành cho đội rớt hạng" hỗ trợ cho các CLB ngày càng tăng những năm gần đây, nhiều đội bóng ít khi nhận được khoản tiền kể trên trong năm thứ ba, vì họ thường thăng hạng ngay sau đó 1 hoặc trễ hơn là 2 năm.

Mùa này, Burnley và Sheffield United thăng hạng Premier League, họ đều chỉ đang nhận "khoản tiền dành cho đội rớt hạng" trong năm thứ 1 và 2. Cụ thể, Burnley rớt hạng ở mùa 2021/22, còn Sheffield United là mùa 2020/21.

Với Leicester, tài chính của họ không ở mức báo động đỏ bất chấp việc dịch Covid-19 khiến doanh thu CLB giảm sút. Vừa qua, chủ sở hữu Aiyawatt Srivaddhanaprabha của "Bầy cáo" cũng xóa khoản nợ hơn 200 triệu USD mà đội bóng này vay từ công ty mẹ King Power International (KPI). Tỷ phú người Thái chuyển số tiền nói trên thành vốn chủ sở hữu. Đây là lần thứ hai Leicester được chủ sở hữu Đông Nam Á xóa nợ, sau lần đầu vào năm 2013 với 110 triệu USD. Động thái nói trên của gia đình Srivaddhanaprabha giúp Leicester ổn định về mặt tài chính để tiếp tục phát triển.

Bởi vậy, ngay cả khi nhiều khả năng phải chia tay hàng loạt ngôi sao trong đội hình như Caglar Soyuncu, Youri Tielemans, James Maddison, Wilfred Ndidi,... Leicester vẫn không cần quá lo lắng. Họ không lâm cảnh nợ nần, và lại được hỗ trợ bởi "khoản tiền dành cho đội rớt hạng", chừng ấy đủ giúp "Bầy cáo" xây dựng lại mọi thứ.

Vậy mới nói, trong trường hợp rớt hạng thì đó vẫn chưa phải ngày tận thế với Leicester.

Cuốn tự truyện “#2sides” được xuất bản năm 2014 kể lại câu chuyện cuộc đời của Rio Ferdinand từ góc nhìn thứ nhất, về những cơn sóng phân biệt chủng tộc tại Anh và cả mâu thuẫn nổi tiếng giữa cựu trung vệ MU và John Terry.

Leicester City nguy cơ mất dàn sao gần 200 triệu bảng nếu rớt hạng

7 năm sau chức vô địch Premier League 2015/16, Leicester City đối diện viễn cảnh rớt hạng ở mùa giải hiện tại.

Di Cầm

Bạn có thể quan tâm