Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao quán trà sữa nở rộ ở trung tâm Sài Gòn và đường Phan Xích Long?

Mở quán trà sữa tại những khu vực đã tập trung nhiều điểm bán sẽ có khả năng thành công cao hơn tại những nơi người kinh doanh chỉ “một mình một chợ”.

Tranh nhau từng m2 đất bán trà sữa ở Sài Gòn Được xem là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, những cửa hàng trà sữa từ các thương hiệu trong và ngoài nước thi nhau mọc lên như nấm trên các tuyến đường trung tâm Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng marketing thị trường TP.HCM của thương hiệu Toco Toco, khẳng định địa điểm chính là yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh trà sữa.

Nơi nhiều cửa hàng là nơi có sẵn khách

Người đại diện của thương hiệu trà đã có đến 155 cửa hàng tại Việt Nam, còn nói rằng việc mở hàng trà sữa tại những khu vực đã tập trung nhiều quán sẽ có khả năng thành công cao hơn tại những khu vực người kinh doanh chỉ “một mình một chợ”.

Đây chính là lý do mà tại TP.HCM thời gian qua, trà sữa mọc dày đặc theo từng khu vực, từng tuyến đường chứ không phân bố như các hàng cà phê, giải khát khác.

vi sao tra sua mo day dac o Sai Gon anh 1
Trên đường Phan Xích Long, quán trà sữa xuất hiện dày đặc, khách đến mua trà đậu đậu xe tràn xuống lòng đường. Ảnh: Liêu Lãm.

“Buôn có bạn bán có phường. Nếu mở quán tại những địa điểm đã tập trung nhiều hàng trà sữa thì thương hiệu sẽ có sẵn một lượng khách yêu thích và thường xuyên uống trà sữa. Chỉ cần mình tạo được hương vị riêng thì sẽ có một tập khách hàng lựa chọn và trung thành với mình”, bà Huyền nói.

Vị này cho biết thêm tại những địa điểm tập trung đông khách, lượng trà sữa tiêu thụ trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 ly.

Trong khi đó, ông Alan He, CEO của thương hiệu trà sữa Heekcaa, lại cho rằng, việc mở quán trà sữa cạnh khu vực đã có quán hiện hữu hay chưa không quá quan trọng.

Theo ông Alan He, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của một thương hiệu trà sữa là sản phẩm của thương hiệu đó có gì đặc biệt để thu hút khách hàng hay không.

Bên cạnh đó, khách hàng đến quán không phải chỉ để uống trà sữa mà còn quan tâm địa điểm mình uống thế nào, nên việc trang trí quán cho đẹp và bắt mắt cũng hết sức quan trọng.

'Tuổi thọ' của trà sữa chỉ 3-5 năm tới?

CEO của Heekcaa, đơn vị mới gia nhập thị trường Việt Nam 6 tháng gần đây, cho rằng có 4 tiêu chí quan trọng khi quyết định địa điểm mở cửa hàng trà sữa.

Thứ nhất, địa điểm kinh doanh phải là khu vực có hoạt động thương mại cao, nhiều cửa hàng cửa hiệu mọc lên.

vi sao tra sua mo day dac o Sai Gon anh 2
Giá thuê mặt bằng trên đường Ngô Đức Kế đang ở mức đắt đỏ nhất khu vực TP.HCM nhưng các cửa hàng trà sữa vẫn tranh nhau mọc lên trên đường này. Ảnh: Liêu Lãm.

Thứ hai, khu vực đó phải có dân số đông hoặc nhiều người qua lại.

Thứ ba, địa điểm mở quán phải là nơi có nhiều người hay tụ tập, như trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim… Cuối cùng, địa điểm kinh doanh phải thuận tiện giao thông, dễ đỗ xe, dễ di chuyển đến những địa điểm khác, cũng như dễ đón các phương tiện giao thông công cộng.

Dự báo về “tuổi thọ” của ngành kinh doanh trà sữa, đại diện Heekcaa cho biết họ đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường trước khi quyết định vào Việt Nam. Theo đó, đối tượng người tiêu dùng trẻ chiếm đại đa số là một cơ hội tiềm năng của ngành kinh doanh này.

"Ngành kinh doanh trà sữa sẽ vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong một thời gian dài nữa", CEO Heekcaa nhận định.

Dù đưa ra mục tiêu nhân đôi số lượng cửa hàng lên gấp đôi, khoảng 300 quán vào năm 2018, bà Thanh Huyền lại cho rằng độ “hot” của ngành kinh doanh trà sữa chỉ duy trì trong 3-5 năm tới.

“Việc liên tục tìm tòi và cho ra đời những dòng sản phẩm mới để đáp ứng thị hiếu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng sẽ quyết định trà sữa sẽ tồn tại bao lâu trên thị trường", bà Huyền nói.

Phong trào kinh doanh trà sữa nở rộ cũng khiến chi phí nhượng quyền các thương hiệu trà tại Việt Nam khá cao. Hiện chi phí nhượng quyền một cửa hàng của Toco Toco là 1,5 tỷ đồng.

Chi hàng trăm triệu mỗi tháng thuê mặt bằng bán trà sữa

Chính vì yếu tố "buôn có bạn bán có phường" như nhiều thương hiệu nhận định mà hiện nay, các cửa hàng trà sữa chỉ tập trung dày đặc tại một số khu vực. Mặt bằng tại các điểm này trở nên khan hiếm và giá cho thuê liên tục được đẩy lên cao.

vi sao tra sua mo day dac o Sai Gon anh 3
Buổi chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trà sữa tổ chức mới đây thu hút rất đông người tham gia với mục đích tìm kiếm cơ hội đầu tư vào mảng này. Ảnh: HN.

Theo khảo sát vừa được gachvang.com chia sẻ mới đây, tại "thiên đường trà sữa" đường Phan Xích Long (Phú Nhuận), giá thuê một mặt bằng khoảng 60 m2 ở mức 40,5-54,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mỗi m2 đất tại khu vực này được giao dịch khoảng 265 triệu đồng/m2 (giá trong tháng 10).

Giá thuê mặt bằng cao ngất ngưỡng nhưng tại đường Phan Xích Long  từ mặt tiền đường đến hẻm nhỏ, quán trà sữa xuất hiện dày đặc, liên tục. Khách mua từ xe máy đến ôtô tràn xuống lòng đường, nhiều thời điểm kẹt xe chỉ vì khách tập trung mua trà sữa.

Tại khu vực trung tâm thành phố, mức giá cho thuê cao nhất thuộc về đường Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1). Trên đường này, hàng chục quán của các thương hiệu nằm liền kề nhau.

Nhiều doanh nghiệp đang thuê mặt bằng bán trà sữa trên tuyến đường này với mức giá 112,9-156,2 triệu đồng cho 60 m2. Giá giao dịch trong tháng 9 ở tuyến đường này khoảng 762,4 triệu đồng/m2.

Tại đường Hồ Tùng Mậu (phường Bến Nghé, quận 1), giá mặt bằng 60 m2 được cho thuê ở mức 95,34-120,4 triệu đồng. Đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1) mặt bằng diện tích tương tự có giá 72,45-85,05 triệu đồng. 

Tại quận 10, đường Sư Vạn Hạnh giá thuê mặt bằng cũng lên đến 47,41-70,31 triệu đồng/60 m2.

Ông Trần Anh Khoa, có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực F&B, từng sở hữu thương hiệu trà sữa IQ với hệ thống gồm 15 cửa hàng, nói rằng: “Bán cà phê thì có thể bán trong hẻm, nhưng trà sữa thì không. Vì vậy, mặt bằng là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của loại hình kinh doanh này".

vi sao tra sua mo day dac o Sai Gon anh 4
Đoạn đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với dày đặc quán trà sữa. 

Tranh nhau từng m2 đất bán trà sữa ở Sài Gòn

Được xem là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, những cửa hàng trà sữa từ các thương hiệu trong, ngoài nước thi nhau mọc lên như nấm trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM.




Hồng Nguyên

Bạn có thể quan tâm