Tuần trước, phụ nữ Berlin đã được giải phóng khỏi những chiếc áo tắm. Sau đơn khiếu nại của một nữ vận động viên về việc không được phép vào hồ bơi mà không che ngực, chính quyền Berlin đã tuyên bố tất cả du khách được phép bơi ngực trần, bất kể giới tính.
“Theo kết quả khiếu nại, các hồ bơi công cộng ở Berlin sẽ áp dụng quy định một cách bình đẳng bất kể giới tính”, thông báo cho biết.
Theo cây bút của CNN Holly Thomas, đây là câu trả lời hợp lý, đi thẳng vào vấn đề: Ngực phụ nữ là đặc điểm giới tính thứ cấp tương tự một số bộ phận khác trên cơ thể, do đó cần được đối xử bình đẳng.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại liệu hành động để ngực trần phù hợp với bối cảnh hay lứa tuổi nào. Thomas cho rằng vấn đề nằm ở cách mọi người nhìn nhận việc khoả thân.
Quy định mâu thuẫn
Vào tháng 7/2022, nữ diễn viên Florence Pugh từng mặc một chiếc váy vải tuyn hoàn toàn trong suốt đến buổi trình diễn thời trang Haute Couture của Valentino ở Rome (Italy). Những bức ảnh lộ rõ vòng một của cô đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Bên dưới bài đăng của Pugh trên Instagram, nhiều người dùng để lại những nhận xét khiếm nhã về ngoại hình, đồng thời chỉ trích cô thiếu đứng đắn. Ngày hôm sau, Pugh đăng một bức ảnh khác với phản ứng dữ dội: "Tại sao mọi người lại sợ ngực? Điều gì đáng sợ đến thế?”.
Câu hỏi này đã lặp lại rất nhiều lần, bởi rất nhiều người và trong nhiều tình huống. Song các tổ chức vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Meta - công ty sở hữu Facebook và Instagram - từng là tâm điểm chiến dịch #FreetheNipple, ủng hộ việc xóa bỏ sự kỳ thị với những người để ngực trần. Chiến dịch bắt đầu khi Facebook xóa hình ảnh từ một bộ phim tài liệu cùng tên của đạo diễn Lina Esco.
Esco đã quay phim “Free The Nipple” vào năm 2012 tại thành phố New York, nơi phụ nữ để ngực trần là hợp pháp. Tuy nhiên, dù được phép ghi hình, Esco vẫn bị cảnh sát nhắc nhở.
Chẳng hạn, khi cô và các diễn viên quay phim tại Wall Street, cảnh sát nói rằng cô và các nữ diễn viên cần dùng miếng dán ngực, theo Los Angeles Times.
Rõ ràng cách các công ty và chính quyền thành phố phản ứng với việc phụ nữ để ngực trần có nhiều mâu thuẫn.
Vào tháng 2/2013, New York ban hành văn bản chính thức, nhấn mạnh phụ nữ để ngực trần không bị truy tố vì hành vi dâm ô hoặc không đứng đắn nơi công cộng.
Năm 2014, Scout Willis - con gái của Bruce Willis và Demi Moore - bị Instagram đình chỉ vì đăng một bức ảnh có hai phụ nữ ngực trần.
Ngay sau đó, Willis đã chụp lại cảnh cô để ngực trần đi mua sắm trong thành phố và không bị nhắc nhở. Cô đăng những hình ảnh này lên Twitter với chú thích: “Hợp pháp ở New York nhưng không phải trên Instagram”.
Cho đến năm 2020, việc phụ nữ đăng ảnh cho con bú trên Instagram là vi phạm nguyên tắc cộng đồng, mặc dù việc cho con bú nơi công cộng hợp pháp ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ.
“Văn hóa giải phóng cơ thể”
Theo đánh giá của Meta hồi tháng 1, phụ nữ có thể sớm tự do khoe ngực trần trên các nền tảng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, suy nghĩ của người Mỹ về vấn đề này vẫn rất khó thay đổi.
Không có luật liên bang nào cấm ảnh khỏa thân ở Mỹ, nhưng các tiểu bang có quy định khác nhau chống lại các hành vi phạm tội liên quan, chẳng hạn hành vi "phô diễn khiếm nhã", "dâm ô" và "không đứng đắn nơi công cộng". Những hành vi này được phân loại khác nhau tùy vào từng địa phương.
Trong khi đó, người dân Đức dường như có cái nhìn rõ ràng hơn. Dù phong trào kêu gọi bình đẳng giới trong bể bơi ở Berlin không tạo thành một cuộc cách mạng, nó phản ánh lối tư duy thoải mái hơn về ảnh khoả thân nói chung.
Tại Đức, khỏa thân là nét văn hóa truyền thống phổ biến, được gọi với một cái tên riêng FKK, viết tắt của cụm từ “Freikoerperkultur” mang ý nghĩa “Văn hóa giải phóng cơ thể”. Chủ nghĩa khỏa thân phát triển mạnh ở quốc gia này vào đầu thế kỷ XX và sau Thế chiến II.
“Mọi người hầu như đều hiểu rằng người Đức thoải mái hơn nhiều về ảnh khỏa thân so với người Anh hay Mỹ. Những người khỏa thân trong không gian công cộng không tự động bị coi là nguy hiểm hoặc có tư duy lệch lạc”, ông Keon West, giáo sư tâm lý học xã hội tại Goldsmiths, Đại học London, cho biết.
Trong khi đó, ông Gregor Gysi - chính trị gia ở Đông Berlin - cho rằng chính “cái nhìn dâm dục” của phương Tây đã phá hỏng truyền thống của người Đức.
“Nhận định này phơi bày sự bất bình đằng trong cách đối xử với cơ thể phụ nữ”, cây bút của tờ CNN viết. Cô cho rằng bộ ngực vốn không liên quan đến tình dục và không phải tất cả phụ nữ đều có ngực. Tuy nhiên, điểm chung của những người có ngực là cơ thể của họ ít quyền tự do hơn.
Cô nhấn mạnh vấn đề nằm ở suy nghĩ và ánh nhìn của người khác. “Như thành phố Berlin đã trình bày rõ ràng, giải pháp rất đơn giản. Để mọi cơ thể đều bình đẳng, chúng ta phải đối xử với chúng như vậy”, cô viết.
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.
> Xem thêm: Tủ sách du lịch châu Âu
Bắt giữ nam sinh Hong Kong 18 tuổi vì phát tán hình ảnh nhạy cảm
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ một nam sinh 18 tuổi vì tội đăng tải trái phép lên mạng xã hội hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân trong thư viện công cộng, SCMP đưa tin.
Cô gái bị chồng cũ trút nước sôi lên người khi đang ngủ
Những câu chuyện về sự bất bình đẳng đang nổi lên từ đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa một xã hội coi thường phụ nữ, những nhu cầu cơ bản của nữ giới bị vùi dập một cách tàn nhẫn.
Thái tử Saudi Arabia muốn đầu tư 600 tỷ USD để ông Trump 'phá lệ'
Thái tử Saudi Arabia ngày 23/1 cho biết nước này muốn đầu tư 600 tỷ USD vào Mỹ trong bốn năm tới. Tuyên bố được đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.