Từ ngày 31/1, Pháp sẽ đóng cửa biên giới với các nước ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU), trừ một số trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh vào Pháp phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona, Reuters đưa tin.
Các trung tâm thương mại cũng được yêu cầu đóng cửa. Cảnh sát Pháp được tăng cường để bảo đảm thực thi lệnh giới nghiêm từ 18h mỗi ngày.
Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron từ chối lời kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa vào ban ngày.
Ông Macron nói muốn theo dõi tình hình để đánh giá các biện pháp nói trên có đủ để ngăn đà lây nhiễm của virus hay không.
Chính phủ Pháp không phong tỏa đất nước bất chấp làn sóng dịch bệnh thứ ba. Ảnh: AFP. |
"Tôi có niềm tin vào nhân dân. Chúng ta đang trải qua những thời khắc rất quan trọng. Hãy làm tất cả những gì có thể để làm chậm đại dịch", ông Macron viết trên Twitter.
Khoảng 10% số ca nhiễm virus corona ở Pháp hiện nay có liên quan tới chủng mới B.1.1.7 phát hiện ở Anh cuối năm ngoái. Các chuyên gia y tế khuyến cáo chính phủ Pháp áp đặt lệnh phong tỏa mới.
Một thăm dò dư luận gần đây cho thấy hơn 3/4 ý kiến nói lệnh phong tỏa mới là không thể tránh khỏi.
Niềm tin của người dân Pháp đối với phương pháp chống dịch của chính phủ cũng đang sụt giảm.
Riêng trong ngày 30/1, Pháp ghi nhận thêm 24.393 ca nhiễm Covid-19. Số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện là hơn 27.000 người.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, các chuyên gia của chính phủ Pháp nhận định chủng mới của virus đang lây lan chậm hơn dự kiến, cho thấy việc trì hoãn phong tỏa thêm 1 tuần không tạo ra nguy cơ về y tế cộng đồng.
Ông Veran khẳng định chính phủ sẽ kịp thời hành động nếu virus có dấu hiệu lây lan nhanh hơn.
Theo thống kê mới nhất, Pháp đã phân phát 1,45 triệu liều vaccine Covid-19. Hai loại vaccine được nước này cấp phép sử dụng là Pfizer-BioNTech và Moderna. Dự kiến, Pháp sẽ phê chuẩn sử dụng đối với vaccine AstraZenaca trong ngày 2/2.
Tới thời điểm hiện tại, Pháp ghi nhận 3,18 triệu ca nhiễm virus corona. Số người tử vong vì dịch bệnh là hơn 75.000.