Tám ngày kể từ khi truyền thông Mỹ công bố dự đoán ông Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn kiên quyết từ chối công nhận kết quả kiểm phiếu, cáo buộc chiến dịch của ông Joe Biden đã gian lận.
Trong khi truyền thông Mỹ liên tục công kích thái độ không chấp nhận thua cuộc của ông Trump và gọi ông là "tổng thống duy nhất không tìm cách đoàn kết đất nước", một số chuyên gia tin việc kéo dài cuộc chiến pháp lý là chiến thuật ông Trump sử dụng để chuẩn bị chạy đua vào năm 2024.
Niềm tin chiến thắng phai dần
Thái độ của Tổng thống Trump đã thay đổi, từ từ nhưng hoàn toàn có thể nhận ra, khi ông nhắc tới kết quả của cuộc bầu cử.
Trong đêm bỏ phiếu 3/11, cũng như vài ngày sau đó, ông chủ Nhà Trắng liên tục khẳng định trên Twitter mình là người chiến thắng. Thế nhưng, những ngày gần đây, Tổng thống Trump không dưới một lần nhắc tới khả năng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã chiến thắng.
Ngày 14/11, trong bài phát biểu về vaccine chống virus corona tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump lần đầu gián tiếp thừa nhận khả năng ông Biden sẽ nắm chính quyền.
"Chính quyền này sẽ không phong tỏa đất nước. Hy vọng là, dù điều gì xảy ra trong tương lai, dù là chính quyền nào đi nữa, tôi đoán thời gian sẽ trả lời, nhưng tôi có thể tuyên bố với các bạn chính quyền này sẽ không phong tỏa đất nước", ông Trump nói.
Tới ngày 15/11, Tổng thống Trump lần đầu công khai đề cập câu "ông ấy đã thắng", dù tiếp tục cáo buộc gian lận bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 13/11. Ảnh: AP. |
"Ông ta đã thắng bởi cuộc bầu cử đã bị can thiệp. Không có người theo dõi hay giám sát, phiếu bầu được xử lý bởi một công ty tư nhân do cánh tả sở hữu có tên Dominion, với tai tiếng và thiết bị kém chất lượng không đạt chuẩn ngay cả ở Texas (nơi tôi đã thắng lớn)", Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân.
Thế nhưng chỉ vài chục phút sau đó, Tổng thống Trump lại viết trên Twitter khẳng định sẽ không nhận thua, sau khi nhiều người cho rằng dòng tweet trước đó là "lời gần nhất với tuyên bố thua cuộc mà ông Trump có thể nói".
"Ông ta chỉ thắng trong mắt của TRUYỀN THÔNG TIN GIẢ. Tôi KHÔNG HỀ nhận thua. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Đây là một CUỘC BẦU CỬ GIAN LẬN", ông Trump viết, lần này lại nói "chúng tôi sẽ thắng".
Theo New York Times, các trợ lý tiết lộ, dù liên tiếp đưa ra cáo buộc gian lận vô căn cứ, ông Trump thừa hiểu cuộc bỏ phiếu đã kết thúc.
"Chiến thuật mới của ông Trump dường như là thừa nhận chiến thắng của ông Biden và tiếp tục phàn nàn về chiến thắng này", Jim Roberts, nhà báo kỳ cựu của New York Times, nhận xét.
Tại Nhà Trắng, không nhiều người tin rằng kết quả kiểm phiếu có thể đảo ngược, khi tới nay đội ngũ của ông Trump hầu như không tìm được bằng chứng của cáo buộc "gian lận bầu cử".
Wall Street Journal dẫn lời các trợ lý Nhà Trắng cho biết không có kế hoạch hay công việc nào được lên lịch để phục vụ nhiệm kỳ 2 của chính quyền Tổng thống Trump.
Làm hài lòng cử tri trung thành
"Nếu băn khoăn vì sao người Mỹ không chỉ bỏ phiếu cho Trump, mà còn biểu tình cho ông ấy, dán lên tường nhà những tấm biển có tên ông ấy, mặc quần áo với chữ Trump, bạn cần hiểu cách họ cảm nhận về ông ấy", ABC Australia bình luận.
Một số hãng thông tấn Mỹ mô tả cử tri ủng hộ ông Trump là "những người da trắng ít học sống ở nông thôn", những người bị gạt ra bên lề sự phát triển và bị quá trình toàn cầu hóa bỏ rơi.
Nhưng con số 71 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Trump cho thấy một câu chuyện khác. Người trung thành với Tổng thống Trump đến từ nhiều tầng lớp, nghề nghiệp, địa vị xã hội.
Một số họ là những người công nhân mà nay thất nghiệp bởi nhà máy sản xuất đã chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ. Một số là nông dân mà nông sản không thể cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ các nước đang phát triển.
Nhưng, đáng kể nhất phải kể tới tầng lớp trung lưu phản đối chính sách thuế hà khắc để phục vụ các chương trình trợ cấp xã hội mà họ coi là "chỉ có lợi cho những người không chịu lao động".
"Nhóm trung thành với Tổng thống Trump có những mối quan tâm rất đa dạng. Nhiều người trong số họ được giáo dục đàng hoàng, với thu nhập tương đối cao, là bác sĩ, luật sư", Emily Elkins, giám đốc điều hành tổ chức thăm dò và nghiên cứu Cato Group, cho biết.
Người nhập cư trái phép, xung đột văn hóa, bảo vệ những giá trị bảo thủ truyền thống của nước Mỹ, cũng là những vấn đề mà chương trình nghị sự của ông Trump đánh trúng tâm ly lo ngại của hàng triệu cử tri ủng hộ.
"Từ trong xương tủy họ cảm thấy ông ấy đại diện cho mình. Có những người chưa từng bày tỏ bản thân trước đám đông, hoặc họ ngần ngại làm vậy. Và giờ họ có một chính trị gia thực sự trò chuyện với họ, nói lên những gì họ suy nghĩ", John Hibbing, giáo sư Đại học Nebraska, nói.
Một nữ cử tri cầu nguyện ủng hộ Tổng thống Trump. Ảnh: AP. |
Việc kéo dài cáo buộc gian lận bầu cử đang giữ Tổng thống Trump ở gần hơn với những cử tri bảo thủ trung thành, những người đã mất niềm tin vào "giới tinh hoa", "các tập đoàn chính trị", cũng như hoài nghi với tính trung lập của các hãng thông tấn lớn của Mỹ.
Năm 2016, ông Trump chạy đua với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ông thu hút cử tri với hình tượng cứng rắn và dám hành động, là "kẻ ngoại đạo" nhưng sẵn sàng thách thức, và đánh bại những chính trị gia chuyên nghiệp đầy ảnh hưởng và quyền lực từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Dù gây tranh cãi, cách hành xử hiện nay cho thấy sự nhất quán trong hình tượng ông Trump muốn xây dựng trong mắt cử tri, một người sẵn sàng chiến đấu tới cùng và không dễ dàng chấp nhận đầu hàng.
Thống kê của Đại học Nebraska cho thấy có tới 50% cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Trump, tương đương hơn 35 triệu cử tri. Đây sẽ là cơ sở vững chắc nếu ông Trump có kế hoạch tái tranh cử năm 2024.
"Người ủng hộ trung thành của Tổng thống Trump sẽ muốn ông ấy tái tranh cử, bởi ông ấy kết nối với họ ở mức độ tình cảm. Ông Trump sẽ tiếp tục kết nối với nhóm này thông qua Twitter hoặc những hình thức tương tác khác", bà Elkins của tổ chức Cato Group nhận định.
Chuẩn bị cho cuộc chạy đua 2024
Truyền thông Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã đề cập tới khả năng tiếp tục chạy đua vào năm 2024 nếu thất bại trong cuộc bầu cử năm nay.
Tuần qua, Tổng thống Trump hầu như không có phát biểu trực tiếp trước công chúng. Politico đánh giá việc ông Trump nghe theo lời khuyên của các cố vấn, không phát biểu ngoài những gì đã được chuẩn bị trước trong sự kiện hôm 13/11 xuất phát từ hai nguyên nhân.
Một là, ông Trump đang chờ đợi kết quả từ đội ngũ pháp lý.
"Tôi nghĩ ông ấy hiểu, nói cho cùng, ông ấy chỉ có thể thắng khi có chứng cứ. Nếu không, ông ấy chẳng có gì nhiều để phát biểu", Newt Gingrich, cựu hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, nói.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ thực tế việc tiếp tục đưa ra cáo buộc mà không có chứng cứ sẽ chỉ càng tổn hại uy tín của ông Trump trong mắt cử tri bảo thủ ôn hòa, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa, cũng như các nhà tài trợ.
Ông Trump có thể chạy đua vào năm 2024. Ảnh: AP. |
Trước đó, một số nhân vật Cộng hòa có uy tín như các Thượng nghị sĩ Rick Santorum, Ben Sasse, Mitt Romney, Larry Hogan, và Chris Christie đã chỉ trích việc Tổng thống Trump đưa ra cáo buộc gian lận mà không có căn cứ.
Tổng thống Trump hiện là gương mặt nổi bật nhất, và nhận được sự ủng hộ lớn nhất của cử tri trong số các chính trị gia của đảng Cộng hòa. Cùng với danh sách dài các nhà tài trợ, Tổng thống Trump dù thua trước ông Biden vẫn sẽ có tiếng nói cực kỳ to lớn đối với đảng Cộng hòa trong vài năm tới.
"Ông ấy sẽ là tổng thống đối lập trong 2 năm rưỡi, cho tới khi bắt đầu chạy đua một lần nữa", Bryan Lanza, nhân viên phục vụ trong chiến dịch của ông Trump năm 2016, nói.
Mới đây, Tổng thống Trump đã thành lập một ủy ban hành động chính trị (PAC) nhằm gây quỹ tài chính với mục tiêu duy trì ảnh hưởng đối với đảng Cộng hòa sau khi rời Nhà Trắng, New York Times cho biết.