Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ông Abe vận động tranh cử giữa phố?

Phó giáo sư về chính trị Nhật Bản tại Đại học New York cho biết việc vận động bầu cử trên đường phố là kết quả của luật hạn chế phương tiện truyền thông trong tranh cử ở nước này.

Viec ong Abe van dong bau cu ngoai duong co phai dieu binh thuong? anh 1

Gần một tuần sau vụ việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát hôm 8/7 khi đang phát biểu vận động bầu cử trên một góc phố ở Nara, các câu hỏi xung quanh vụ việc hiếm thấy ở đất nước Mặt Trời mọc vẫn chưa chấm dứt.

Dù tâm điểm chú ý đổ dồn vào những thiếu sót về an ninh cho một sự kiện có sự hiện diện của một nhân vật chính trị lớn, một số chuyên gia cũng đặt vấn đề về cách thức vận động bầu cử của chính trị gia Nhật Bản.

“Cái chết của Abe gây sốc, nhưng bối cảnh mà vụ việc xảy ra - chính trị gia nổi tiếng đứng gần cử tri đến mức có thể với tay tới được, và an ninh lỏng lẻo - thì không gây ngạc nhiên. Đó đơn giản là cách các chiến dịch tranh cử ở Nhật Bản diễn ra”, bà Amy Catalinac, phó giáo sư chuyên về hệ thống bầu cử và chính trị Nhật Bản thuộc Đại học New York, mở đầu những phân tích của mình về văn hóa vận động bầu cử trên đường phố Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn Zing hôm 13/7, bà Catalinac cho biết: “Nhật Bản có rất nhiều hạn chế trong việc sử dụng phương tiện truyền thông để vận động bầu cử, và các buổi phát biểu trên vỉa hè là kết quả của luật này”.

Hạn chế vận động trên phương tiện truyền thông

Chính trị gia Nhật Bản được phép vận động bầu cử trên các phương tiện nào?

- Luật bầu cử của Nhật Bản đặt ra rất nhiều hạn chế về những gì ứng cử viên và các đảng chính trị được phép và không được phép làm trong quá trình tranh cử. Luật này dài hơn 1.000 trang và các ứng cử viên phải nghiên cứu chúng rất kỹ trước khi bắt đầu chiến dịch của mình.

Viec ong Abe van dong bau cu ngoai duong co phai dieu binh thuong? anh 2

Bà Amy Catalinac, phó giáo sư chuyên về hệ thống bầu cử và chính trị Nhật Bản của thuộc Đại học New York. Ảnh: NVCC.

Tôi đã có một số nghiên cứu về luật này. Theo đó, ứng cử viên được phép quảng bá trên sáu phương tiện khác nhau, bao gồm các phương tiện in ấn và thông qua lời nói.

Các phương tiện in ấn, bao gồm bưu thiếp, tờ rơi chiến dịch, quảng cáo trên báo,… có thể được sử dụng để quảng bá quan điểm chính sách của họ đến cử tri. Tuy nhiên, phương thức bản in này bị hạn chế về số lượng, vào khoảng 35.000 bản in.

Ngay cả thời lượng ứng viên có thể xuất hiện trên tivi hoặc radio nhằm mục đích quảng bá cũng bị hạn chế. Tương tự với quảng bá qua email, Internet,...

Phương tiện bằng lời nói đó chính là các bài phát biểu. Các ứng viên được phép phát biểu trực tiếp với người dân để vận động cho chiến dịch của họ trên đường phố hoặc trong các không gian kín.

Việc giới hạn các bản in ấn và trên phương tiện truyền thông khiến họ phải tập trung hơn vào các buổi phát biểu, đặc biệt là trên đường phố, nhằm thu hút càng nhiều cử tri càng tốt. Kết quả là, phương thức tiếp cận cử tri này đã trở thành một hình ảnh rất phổ biến trong các cuộc bầu cử ở Nhật Bản.

Những gì họ làm là họ đứng ở các góc phố, cầm loa hoặc micro và nói về bản thân, về đảng của họ, về phe đối lập, về những gì họ sẽ làm,…

Chính trị gia cấp cao như ông Abe có thường vận động bầu cử trên đường phố không?

- Chính bản thân các đảng phái ở Nhật trong các cuộc bầu cử, họ cũng sẽ cử những chính trị gia cấp cao, có quyền lực đi khắp đất nước để hỗ trợ các ứng cử viên đang tranh cử. Đó là những gì ông Shinzo Abe đã làm khi sự việc khủng khiếp xảy ra hôm 8/7.

Viec ong Abe van dong bau cu ngoai duong co phai dieu binh thuong? anh 3

Địa điểm nơi ông Abe phát biểu vận động bầu cử hôm 8/7 ở Nara. Ảnh: Reuters.

Các chính trị gia cấp thấp hơn thường không có đủ danh tiếng, cũng không thể thoải mái xuất hiện trên báo, trên truyền hình, hoặc phát bao nhiêu từ rơi, postcard tùy thích. Vì vậy, các chính trị gia cấp cao thường sử dụng danh tiếng của họ để thu hút sự quan tâm của cử tri với ứng cử viên của đảng mà họ ủng hộ.

Nếu bạn đến Nhật Bản ngay trong thời gian tranh cử, không có gì lạ khi bạn đột ngột bắt gặp một cựu thủ tướng đứng ngay ở vỉa hè, vận động tranh cử cho một ứng cử viên cấp dưới trong đảng. Điều này hiếm khi gặp phải các vấn đề về an ninh, vì vậy, cảnh sát tại các sự kiện như vậy có thể khá mỏng.

Lý do luật bầu cử Nhật Bản đưa ra những hạn chế này là gì?

- Lý do chính là nhằm tạo ra sự công bằng. Nếu không có sự hạn chế này, những người giàu có hơn có thể mua nhiều quảng cáo trên báo hơn, xuất hiện trên tivi nhiều hơn, phát nhiều tờ rơi hơn… Chiến dịch vận động trực tuyến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều bởi vì họ có đủ phương tiện kinh tế để làm như vậy.

Vì vậy, ý tưởng ban đầu đằng sau luật pháp của Nhật Bản là khiến các cuộc bầu cử trở thành cuộc đua công bằng cho tất cả chính trị gia. Tôi nghĩ ý tưởng ban đầu này khá hay.

Bất cập trong luật vận động bầu cử của Nhật

Luật này có gây ra bất lợi gì cho các ứng viên hay không?

- Theo thời gian, đã có những chỉ trích về luật này, vì nó đang gây khó khăn cho rất nhiều chính trị gia mới. Họ thường sẽ rất vất vả trong việc tăng độ nhận diện của bản thân, vì chưa có tên tuổi, lại vừa bị hạn chế trên các phương tiện truyền thông, vừa không có chính khách cấp cao, nổi tiếng thu hút phiếu bầu cho họ.

Viec ong Abe van dong bau cu ngoai duong co phai dieu binh thuong? anh 4

Cảnh sát điều tra xung quanh hiện trường nơi ông Abe bị bắn, ngày 13/7. Ảnh: Kyodo.

Nếu bạn là người mới tham gia chính trường, nghĩa là bạn là một người bình thường sống ở một khu vực nào đó và muốn ứng cử vào một vị trí nào đó trong hệ thống công quyền, rất khó để tăng sự nhận diện tên tuổi cũng như quảng bá các chính sách mà bạn muốn thúc đẩy cho cộng đồng, đặc biệt là khi một chiến dịch ở Nhật Bản rất ngắn, chỉ kéo dài nhiều nhất là 2 tuần.

Vì vậy, theo một số cách, luật này làm cho việc tranh cử trở nên công bằng hơn, nhưng theo những cách khác, nó gây khó khăn cho những chính trị gia mới.

Sau vụ việc của cố Thủ tướng Abe, bà có nghĩ rằng Nhật Bản nên đánh giá lại cách các chính trị gia nước này vận động bầu cử không?

- Bạo lực súng rất hiếm thấy ở Nhật Bản. Vì vậy, vụ việc của ông Abe thật sự là một cú sốc.

Tuy nhiên, vì tỷ lệ bạo lực súng này là rất thấp, tôi không thể đưa ra quan điểm về việc liệu rằng đây có phải là một mặt trái của vận động bầu cử trên đường phố hay không, hoặc Nhật Bản có nên thay đổi luật bầu cử của họ hay không.

Quả thực, việc vận động trên đường phố đã trở thành một phần của nền dân chủ Nhật Bản giúp các chính trị gia gần gũi với cử tri hơn, và đây cũng là một nhận thức rộng rãi trong chính trường Nhật Bản. Nhưng rõ ràng, các chính trị gia cấp cao cần được bảo vệ chặt chẽ hơn, họ cần được bảo vệ đủ.

Sau vụ việc của ông Abe, tôi đang chờ xem liệu nhận thức trên có thay đổi phần nào hay không.

Tôi đồng ý với các ý kiến cho rằng việc tổ chức các buổi vận động trong không gian đóng, như sân vận động, trong các tòa nhà,… nên được cân nhắc như các biện pháp đảm bảo an ninh hơn.

Hàng nghìn người đưa tiễn ông Abe lần cuối Hàng nghìn người dân Nhật Bản cùng các quan chức đã xếp hàng trên nhiều tuyến phố để tiễn biệt cố Thủ tướng Shinzo Abe hôm 12/7.

Sau ông Abe, con đường sửa hiến pháp Nhật còn dài

Chuyên gia nhận định kể cả khi đảng LDP có chiến thắng lớn sau bầu cử Thượng viện, việc hoàn thành giấc mơ dang dở của ông Abe là sửa đổi hiến pháp không hề dễ dàng.

Vụ ám sát ông Abe cảnh báo Nhật Bản trước mối đe dọa 'sói đơn độc'

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe phơi bày khó khăn trong nỗ lực ngăn chặn những người tấn công đơn độc ở Nhật Bản, nơi cảnh sát vẫn tập trung vào các tổ chức hơn tội phạm đơn lẻ.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm