Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe làm dấy lên những lời chỉ trích đối với luật kiểm soát súng đạn của nước này.
Tuy nhiên, một số người lại có quan điểm trái ngược. Trên thực tế, vụ nổ súng là lời nhắc nhở, thậm chí nhấn mạnh, thành công của Nhật Bản trong chính sách kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt, theo New York Times.
Các chuyên gia nghiên cứu từng cho rằng ngay cả những biện pháp chặt chẽ nhất cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế, nếu thành công, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng cũng như áp đặt rào cản khiến những vụ việc thương tâm ít xảy ra hơn.
Các chi tiết trong vụ nổ súng ở Nhật Bản dường như chứng minh chính xác điều này.
Người dân đặt hoa tại đền Zojoji, nơi diễn ra lễ viếng và tang lễ của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Thách thức đối với các tay súng
Nghi phạm đã sử dụng khẩu súng tự chế thô sơ, được làm bằng hai ống kim loại buộc lại với nhau, và cố định bằng bảng gỗ cùng băng dính.
Những vũ khí như vậy, còn biết đến với tên gọi súng cầm tay cải tiến, có thể được lắp ráp bằng các vật liệu trong hầu hết cửa hàng dụng cụ tự sửa chữa, khiến cho việc theo dõi và ngăn chặn trở nên khó khăn.
Điều này, một mặt cho thấy các biện pháp hạn chế về súng đạn không thể loại bỏ hoàn toàn bạo lực khỏi xã hội. Nhưng mặt khác, việc nghi phạm sử dụng loại vũ khí này chứng tỏ rằng các biện pháp có xu hướng khiến bạo lực xảy ra hiếm hơn và ít chết người hơn.
Cách đây không lâu, tại Mỹ - nơi việc sở hữu súng hợp pháp - một vụ xả súng hàng loạt đã diễn ra ở Uvalde, Texas. Với khẩu súng trường AR-15 có sức sát thương lớn, tay súng đã bắn chết 19 trẻ em và hai giáo viên.
Nhưng ở Nhật Bản, việc mua những loại súng như vậy là bất hợp pháp. Ngay cả súng ngắn cũng bị cấm và rất khó để sở hữu.
Người dân chỉ có thể sở hữu hợp pháp một số ít vũ khí, chủ yếu là súng săn, nhưng chỉ khi trải qua quá trình sàng lọc và huấn luyện khắc nghiệt, đến mức Nhật Bản có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất thế giới: Cứ 330 người thì mới có một khẩu súng.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ giết người bằng súng đạn thấp nhất trong nhóm nước phát triển. Nguồn: Washington Post. |
Con số này thậm chí đã bao gồm cả số vũ khí sở hữu bất hợp pháp ở Nhật Bản. Lý do số lượng súng hiếm một phần là vì các biện pháp hạn chế khắt khe đã loại bỏ hoàn toàn súng đạn tư nhân khỏi nước này, khiến tội phạm khó tìm thấy thị trường chợ đen để mua bán. Ngay cả các tổ chức tội phạm khét tiếng của đất nước cũng phần lớn ít sử dụng súng.
Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu súng tại Mỹ là khoảng 1,2 khẩu/người, cao hơn gấp 400 lần so với Nhật Bản.
Kết quả là nếu muốn nổ súng ở Nhật Bản, các tay súng hầu như sẽ buộc phải dùng đến những phương pháp bất thường và khó khăn, như chế tạo vũ khí tự chế giống khẩu súng được sử dụng để ám sát ông Abe. Việc chế tạo một loại vũ khí như vậy đòi hỏi thời gian và chuyên môn.
Không chỉ vậy, khói tại hiện trường vụ nổ súng ngày 8/7 cho thấy loại đạn, vốn cũng là một trong những mục được quản lý chặt chẽ ở Nhật Bản, có thể do nghi phạm tự chế. Việc mày mò một chất nổ tự chế và nhét chúng vào một ống kim loại là hành động đầy rủi ro.
Những điều này đã gây ra trở ngại đáng kể cho tội phạm, so với việc dễ dàng đi vào cửa hàng súng và mua loại vũ khí có sức sát thương lớn.
Đây có thể là một trong những lý do khiến các vụ xả súng cực kỳ hiếm ở Nhật Bản. Kể từ năm 2017, quốc gia 125 triệu dân chỉ ghi nhận 14 trường hợp tử vong liên quan đến súng đạn. Trong khi đó, chỉ tính riêng các vụ xả súng hàng loạt trong năm nay ở Mỹ đã hơn 300.
Khẩu súng nghi phạm Tetsuya Yamagami sử dụng trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8/7. Ảnh: Kyodo. |
Cảm giác an toàn sẽ trở lại
Một khẩu súng tự chế cũng có lực sát thương kém hơn nhiều so với loại vũ khí được sản xuất chuyên nghiệp. Nó thường chỉ có thể bắn một hoặc hai phát, và đòi hỏi quá trình nạp đạn rườm rà. Phạm vi chính xác cũng có thể chỉ là vài mét.
Do đó, một tay súng Mỹ có thể xả súng và bắn nhiều người, dù ở cách xa hàng trăm mét, trước khi cảnh sát kịp phản ứng. Nhưng một tay súng Nhật Bản sẽ cần có thời gian chuẩn bị dài, đầy rủi ro để chế tạo vũ khí. Sau đó, họ phải bí mật mang theo nó tiếp cận gần nạn nhân và nhắm chuẩn trước khi bóp cò, bởi đó có thể là phát bắn duy nhất của họ trước khi bị khống chế.
Hoàn cảnh xung quanh vụ ám sát ông Abe cũng làm nổi bật sự khác biệt giữa một xã hội thường xuyên xảy ra bạo lực súng đạn và một xã hội hầu như không có.
Ông Abe đi vận động với lực lượng an ninh tương đối mỏng. Như hình ảnh thường thấy trong các cuộc vận động tranh cử của Nhật Bản, ông thoải mái phát biểu trước các cử tri và gần như không giữ khoảng cách với đám đông.
Việc một tay súng đơn độc có thể dễ dàng mang theo vũ khí đến gần chỗ ông Abe, người từng là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể sẽ khiến một số người suy nghĩ lại về sự cởi mở trong các chiến dịch tranh cử ở Nhật Bản. Cảm giác an toàn có thể bị phá vỡ.
Nghi phạm Yamagami đã xem YouTube để chế tạo loại súng được sử dụng trong vụ ám sát. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, theo New York Times, ngay cả khi vụ ám sát để lại vết sẹo trong xã hội Nhật Bản, cảm giác an toàn sẽ dần phục hồi sau các cuộc tấn công trong quá khứ.
Trên thực tế, trước đây Nhật Bản từng chứng kiến nhiều vụ việc gây sốc, chẳng hạn một nhà lập pháp bị những kẻ cực đoan cực hữu đâm chết vào năm 2002, hay một nhóm tội phạm bắn chết thị trưởng vào năm 2007.
Nhiều trường hợp bạo lực hàng loạt cũng diễn ra như vụ tấn công bằng dao năm 2016 khiến 19 người thiệt mạng và vụ tấn công bằng khí độc sarin năm 1995 của một giáo phái cực đoan khiến 13 người chết.
Vụ ám sát ông Abe có thể làm rung chuyển Nhật Bản trong nhiều năm tới, nhưng nó cũng là lời nhắc nhở về tính hiệu quả của các lệnh hạn chế. So với Mỹ, hàng trăm vụ xả súng sẽ là điều không bao giờ xảy ra tại quốc đảo này.