Hôm 3/6, các quan chức Ấn Độ thông báo một con voi mang thai đã chết ở quận Malappuram, bang Kerala (Ấn Độ) sau khi ăn dứa nhồi thuốc nổ vào ngày 27/5. “Hàm của voi mẹ bị vỡ nát, nó không thể ăn gì sau khi quả dứa phát nổ ngay trong miệng nó”, Tribune India dẫn lời ông Surendra Kumar, người đứng đầu cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của Kerala, nói.
“Người dân khu vực thường sử dụng pháo hoặc dứa nhồi chất nổ để bảo vệ đồng ruộng khỏi lợn rừng”, giáo sư O.P. Nammeer tại Đại học Nông nghiệp Kerala bình luận.
Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đau lòng này là môi trường sống của động vật hoang dã đang bị thu hẹp. Nông dân bang Kerala hiện canh tác trên những cánh đồng vốn từng được dùng để chăn thả voi. Dữ liệu chính thức cho thấy các cuộc xung đột giữa người và động vật hoang dã đã tăng từ 6.022 trường hợp năm 2016 lên 7.229 năm 2018.
Tàn phá đồng ruộng
“Người dân địa phương dùng nhiều cách khác nhau để chống động vật hoang dã. Họ dựng các hàng rào điện, đào rãnh và thậm chí sử dụng bom tự chế. Đó là các hành vi bất hợp pháp theo Đạo luật Bảo vệ Động vật hoang dã năm 1972”, ông Nammeer nhấn mạnh.
Voi mẹ qua đời sau khi ăn dứa nhồi thuốc nổ vào ngày 27/5. Ảnh: AFP. |
Trên thực tế, người nông dân Ấn Độ đã chịu tổn thất nặng nề vì động vật hoang dã. “Lợn rừng, khỉ Macaque Rhesus, khỉ mốc, thỏ rừng Ấn Độ, gấu ngựa là những loài thường phá hoại đồng ruộng”, bà Sarala Khaling, Giám đốc Viện Ashoka Trust, bình luận.
Ông Phincho Tsering Dukpa, một nông dân ở Darjeeling, sở hữu hơn 28.000 m2 đất, nhưng hơn 16.000 m2 trong số đó chịu tổn thất lớn vì lợn rừng. “Tôi đã nghĩ đến chuyện bán hết chỗ đất đó”, ông Dukpa than vãn.
“Đối với chúng tôi, đất quý như vàng vì nó có thể tạo ra mọi thứ. Nhưng những cuộc tấn công của động vật hoang dã khiến chúng tôi nản lòng”, ông Dukpa nói với Village Square.
Ông Phincho Tsering Dukpa chịu thiệt hại nặng nề vì động vật hoang dã. Ảnh: Athar Parvaiz. |
Một nghiên cứu do Viện Ashoka Trust thực hiện tại các ngôi làng ở Darjeeling chỉ ra mất mùa là một trong những vấn đề lớn nhất đối với người dân địa phương. Hầu hết nông dân thiệt hại đến 40% hoa màu mỗi năm vì động vật hoang dã.
“Những thiệt hại này là vấn đề lớn đối với người dân địa phương bởi họ không có nhiều quyền sở hữu đất đai và cũng chẳng thể tìm công việc khác”, bà Khaling bình luận.
Vì vậy, người dân địa phương chịu áp lực tài chính nghiêm trọng do tình trạng mất mùa trầm trọng và dai dẳng. Nhiều gia đình phải di cư đến các thị trấn hoặc thành phố lân cận để tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập ổn định hơn.
Đối với riêng bang Kerala, các cuộc xung đột với động vật hoang dã đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu, nhất là ở rìa rừng Nilambur. Theo một nghiên cứu của Tạp chí Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay hồi năm 2016, thu nhập của 61,67% hộ gia đình phụ thuộc vào nông nghiệp.
Trong khi đó, 50% người được hỏi nói rằng hơn 40% thu nhập mỗi năm bốc hơi do động vật hoang dã.
Ruộng vườn bị động vật hoang dã tàn phá. Ảnh: Athar Parvaiz. |
Theo nghiên cứu, voi châu Á gây thiệt hại mùa màng lớn nhất tại làng Athirapilly (51,2%), Kodassery (18,4%), Panacherry (11,7%), Varandharapilly (10,6%) và Puthur (7,9%). Trong khi đó, lợn rừng hoành hành trên các cánh đồng hoa màu và gây thiệt hại nặng nề ở làng Panacherry (41%), Thekkumkara (12%), Chelakkara (11%) và Madakkathara (9%).
Trên khắp Ấn Độ, 71% hộ gia đình bị mất mùa và 17% mất gia súc vì động vật hoang dã, theo nghiên cứu của chuyên gia Krithi K.Karanth và Sahila Kudalkar thuộc Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã.
Bẫy nổ giá rẻ
Theo bà Sarala Khaling tại Ashoka Trust, nông dân Ấn Độ làm nhiều cách để ngăn chặn động vật hoang dã phá hoại đồng ruộng. Một trong số đó là xây dựng những hàng rào tự nhiên bằng cây asare, chutro kesari hoặc ghurpis.
“Tuy nhiên, hàng rào tự nhiên phải mất ít nhất 3 năm để đạt hiệu quả, trong khi các cây non cũng cần theo dõi, chăm sóc thường xuyên”, bà Khaling bình luận.
Theo các chuyên gia, người dân thường sử dụng bẫy nổ tự chế bất chấp vi phạm đạo luật bảo vệ động vật vì chi phí rẻ. Nhiều hộ gia đình không có đủ tiền để sử dụng những biện pháp an toàn hơn. Tại quận Palakkad – nơi xảy ra vụ việc đau lòng, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 94.012 rupee (1.244 USD) vào năm 2018, xếp cuối cùng trên tổng số 14 quận tại bang Kerala. Thu nhập bình quân đầu người của toàn bang là 123.707 rupee (1.641 USD).
Ấn Độ cũng là quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo lớn với 12 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói với mức sống dưới 1,9 USD/ngày, theo Ngân hàng Thế giới.
Nông dân Ấn Độ sử dụng bẫy nổ vì chi phí rẻ. Ảnh: Getty Images. |
Theo Tribune India, một số bang tại Ấn Độ như Punjab và Haryana đã có các chính sách bồi thường cho nông dân bị thiệt hại vì động vật hoang dã. “Tuy nhiên, những biện pháp như bảo hiểm, bồi thường, hàng rào vật lý chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Tôi cho rằng chính phủ cần tìm kiếm các biện pháp sáng tạo để giải quyết tận gốc vấn đề”, bà Khaling của Ashoka Trust nhấn mạnh.
"Những kẻ cướp"
Trên thực tế, nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa người và động vật hoang dã là môi trường sống của động vật hoang dã đang bị thu hẹp.
"Nhiều người nông dân thời đại mới là những kẻ cướp. Họ mua đất ở các vùng rìa rừng vì giá rẻ. Trước khi là một nông dân, họ là một thương nhân”, giáo sư O.P. Nammeer tại Đại học Nông nghiệp Kerala bình luận.
“Ở những vùng đất đó, một động vật có vú khổng lồ cũng là trở ngại lớn cho công việc kinh doanh của họ”, ông nhấn mạnh.
Các cuộc biểu tình công cộng chống lại hổ và voi đang lan rộng tại những điểm nóng du lịch thăm rừng và nông trại như Wayanad và Idukki.
Các cuộc biểu tình chống lại luật bảo tồn động vật hoang dã cũng phổ biến tại Ấn Độ. “Việc lấn chiếm đã chiếm được ưu thế về ý thứ hệ ở bang Kerala. Khi một trường hợp như thế này xuất hiện, con người sẽ nói về bảo tồn. Nhưng sau đó họ lại quên mất. Trừ khi bảo tồn động vật được nằm trong danh sách các vấn đề mà chính phủ đặc biệt quan tâm, động vật hoang dã sẽ không được cứu”, nhà báo K.A. Shaji nhận định.
Theo ông, số trường hợp giết lợn rừng tăng vọt và chiếm phần lớn vụ án liên quan đến xung đột giữa người và động vật hoang dã. “Những con lợn chết sau đó bị thiêu và chôn dưới hố sâu. Đổi lại tất cả rắc rối này, người nông dân chỉ bị phạt khoảng 500 rupee (6,62 USD)”, nhà báo Shaji nói.
“Trong khi đó, chế tạo một quả bom thô sơ rẻ và dễ dàng hơn nhiều, ngay cả khi nó vi phạm pháp luật”, ông nói thêm.