Chuyền hai Đặng Thu Huyền mới giải nghệ ở tuổi 19, khi sự nghiệp vẫn chưa vào độ chín, gây bất ngờ với không ít người ngay cả trong giới bóng chuyền. Song, không khó để chỉ ra nguyên nhân dẫn đến quyết định của vận động viên (VĐV) trẻ tài năng này.
So với bóng đá, các môn thể thao thành tích cao khó có "cửa" so sánh. Các VĐV nữ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn không tên, từ vấn đề sức khỏe đến cả chuyện thời gian duy trì thành tích.
"Để đạt tới mức hoàn thiện về chuyên môn và duy trình thành tích cao các VĐV phải mất khoảng 10 năm rèn luyện. Cá biệt, có những môn phải bỏ ra 14 thậm chí 16 năm. Đó là quá trình sư phạm bắt buộc cho mọi VĐV, ở mọi môn thể thao", Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở nhiều kỳ đại hội khu vực và châu lục Nguyễn Hồng Minh từng nói với Zing.
Đó là khoảng thời gian đủ dài để bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có thể đi hết quá trình từ việc đam mê cho tới... chán nản và giải nghệ. Đó là thực tế không hiếm gặp khi thể thao Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Trước khi giải nghệ, Thu Huyền là chuyền hai trẻ hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thu nhập bấp bênh
Kinh tế có thể nói là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến quyết định rẽ hướng của các tài năng thể thao nói chung. So với những gì họ cống hiến, đồng lương và các chế độ phúc lợi là chưa đủ, đặc biệt là ở những môn mang tính tập thể.
Ngay như trong bóng đá nam, môn đấu được coi là có sức hấp dẫn nhất về thu nhập. Quy định về mức lương thiểu của các cầu thủ chơi tại V.League chỉ là 12 triệu đồng. Những trường hợp thu nhập tiền tỷ như Quang Hải không đại diện cho mặt bằng chung và thực tế không phải lúc nào cầu thủ này cũng kiếm được nhiều tiền tới vậy.
Năm 2015, tuyển thủ quốc gia Phạm Hoàng Quỳnh quyết định sang Nhật Bản theo học ngành quản lý khi vừa kết thúc lượt đi giải Vô địch Quốc gia. Chuyến đi kéo dài khoảng 2 năm này đã nằm trong dự định của cầu thủ nữ người Quảng Ninh từ khoảng một năm trước đó.
Thời điểm "treo giày", Quỳnh mới 23 tuổi và được coi là một trong những tiền vệ có kỹ thuật cá nhân tốt trong làng bóng đá nữ. "Tôi cũng khá tiếc nuối khi phải rời xa sân cỏ. Song, đây là thời điểm tôi phải quyết định như vậy và có kế hoạch cho tương lai của riêng mình", Quỳnh bày tỏ.
Hoàng Quỳnh (xanh) hai lần tạm nghỉ bóng đá để lo cho cuộc sống. Ảnh: Quang Thịnh. |
So với ngành nghề khác, tuổi thọ của VĐV thể thao khá ngắn. Một VĐV để đạt tới độ chín của sự nghiệp cần khoảng 10 năm, nhưng thời gian để họ đứng trên đỉnh cao - để hưởng chế độ đãi ngộ ở mức tương đối - ngắn hơn rất nhiều. Không phải ai cũng đủ can đảm để đánh đổi và có thể nói quyết định đó là một canh bạc cuộc đời mà họ có thể mất trắng chỉ bởi một chấn thương.
Cũng ở môn bóng đá nữ, hậu vệ Nguyễn Thị Minh Anh nghỉ thi đấu để đi xuất khẩu lao động khi mới 19 tuổi. Cựu cầu thủ gốc Hà Nam được nhắm đến là gương mặt sáng giá trong quá trình trẻ hóa lực lượng của HLV Mai Đức Chung. Song, chỉ đam mê thôi là không đủ để giữ chân cựu cầu thủ này.
“Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ không đá bóng nữa nhưng mọi thứ cuối cùng vẫn diễn ra. Tôi quyết định nghỉ bóng đá vì gia đình. Mẹ mất rồi, bố cũng già đi theo năm tháng. Tôi không thể để anh trai gánh mãi gánh nặng kinh tế mãi được. Đá bóng không đủ để nuôi sống tôi và gia đình. Có người nói với tôi hãy cứ theo đuổi đam mê đi vì tôi còn cả tuổi trẻ; nhưng tuổi trẻ đâu chỉ là của riêng của tôi. Tôi chấp nhận từ bỏ, để mở cho mình một lối đi, một cuộc sống mới…”, Minh Anh chia sẻ ở thời điểm quyết định giã từ sự nghiệp.
"Theo chồng bỏ cuộc chơi"
Với các VĐV nam, việc lập gia đình không ảnh hưởng nhiều tới sự nghiệp của họ nhưng với những VĐV nữ thì khác. Nhiều nữ VĐV đã phải chấp nhận giã từ sự nghiệp đang ở đỉnh cao để làm tròn thiên chức của người phụ nữ.
Năm 2002, Nguyễn Thanh Hoa phá kỷ lục nội dung 400 m rào tại Đại hội TDTT Toàn quốc và tràn trề cơ hội giành HCV tại SEA Games trên sân nhà. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, cô gần như "biến mất" bởi... bận lấy chồng.
Một trường hợp khác "theo chồng bỏ cuộc chơi" là Vũ Thị Thúy ở môn bóng đá nữ. Sau khi giành HCV SEA Games 30 không lâu, cô lập gia đình và rời xa sân cỏ khi mới 26 tuổi - giai đoạn chín nhất của sự nghiệp. Thời điểm đó, cô là lựa chọn hàng đầu ở vị trí hậu vệ cánh trái ở đội tuyển Việt Nam.
Hoàng Quỳnh, sau khi trở về từ Nhật Bản, quay trở lại sân cỏ trong thời gian ngắn. Rồi cô lại tạm gác sự nghiệp khi kết hôn với người đồng nghiệp Hồ Ngọc Thắng hồi cuối năm 2018. Sau khoảng 2 năm lo chuyện gia đình, cô đang chuẩn bị cho lần trở lại, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để trở lại phong độ như trước.
Ở nhiều môn thể thao thành tích cao, trong đó có bóng chuyền nữ, quy định mang tính bắt buộc về độ tuổi VĐV có thể lập gia đình được áp dụng. Đây được coi là biện pháp mang tính tình thế để tránh tình trạng "công cốc" trong việc đào tạo các VĐV.
Ngay ở CLB bóng chuyền của Thu Huyền, nhiều đàn chị đã chấp nhận giã từ sự nghiệp khi còn đang ở kỳ cuối của giai đoạn đào tạo trẻ. Phần vì tương lai khó tranh chấp và quy luật đào thải, phần vì "theo chồng bỏ cuộc chơi".
Những vấn đề khó nói
Đầu năm 2015, “nữ hoàng điền kinh” Trương Thanh Hằng; VĐV Judo Văn Ngọc Tú tuyên bố từ giã sự nghiệp chỉ trong vòng một tuần, để lại nhiều tiếc nuối của không ít người hâm mộ.
Trương Thanh Hằng nghỉ thi đấu vì chấn thương dai dẳng. Văn Ngọc Tú chuyển sang công tác khác vì vấn đề tuổi tác và cũng do hoàn cảnh gia đình không cho phép. Họ có thể dễ dàng nói ra lý do cho việc ngừng thi đấu, nhưng nhiều VĐV khác thì không.
Võ sỹ Nguyễn Thị Ngoan, một trong bộ ba Ngoan - Hiền - Lành với nhiều kỳ vọng của karate Việt Nam, từng có thời gian dài "mất tích" và đánh sập luôn hy vọng duy nhất cho suất dự Olympic 2020.
Khi đang là VĐV số một của karate Việt Nam, Nguyễn Thị Ngoan bất ngờ rời đội tuyển quốc gia vì gặp vấn đề tâm lý. Ảnh: Việt Hùng. |
Võ sĩ được đầu tư trọng điểm, từng giành HCV Cúp Thế giới 2017 khi mới 19 tuổi, lọt vào nhóm 8 VĐV đứng đầu thế giới, xuất hiện những diễn biến bất thường trong sinh hoạt và không còn xuất hiện ở đội tuyển quốc gia từ tháng 7/2019. Các nhà chuyên môn chỉ giải thích ngắn gọn do vấn đề liên quan đến tâm lý.
Thực tế, tình trạng của võ sĩ sinh năm 1998 phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với lời giải thích tương đối đơn giản nói trên. Thậm chí, lời cảnh báo đã được đưa ra, rằng cô phải nghỉ thi đấu ngay để tập trung chữa trị.
Thể thao thành tích cao vốn là lĩnh vực có tính đào thải cao. Các VĐV nữ nói chung còn phải chịu sự khắc nghiệt hơn đồng nghiệp nam nhiều lần và những người chạm đến đỉnh vinh quang và sống được với nghề là không nhiều.