Sau khi gặt hái được những thành công vang dội trong lĩnh vực kinh doanh, các tỷ phú hàng đầu thế giới như Jeff Bezos – ông chủ tập đoàn kinh doanh điện tử Amazon, Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft cùng với Bill Gates, và Richard Branson – ông trùm “lập dị” của đế chế Virgin, dường như đã tìm thấy mục tiêu chinh phục mới: lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Trong những năm gần đây, khoa học không gian đã trở thành cuộc đua chinh phục mới của các tỷ phú. Đầu tư vào các chuyến bay thương mại vào vũ trụ đang trở thành xu hướng phổ biến trong số những người giàu nhất thế giới. Jeff Bezos, sáng lập viên kiêm chủ tịch tập đoàn Amazon, thành lập hãng hàng không vũ trụ tư nhân Blue Origin.
Sau khi gặt hái được những thành công vang dội trong lĩnh vực kinh doanh, các tỷ phú hàng đầu thế giới đã tìm thấy mục tiêu chinh phục mới: lĩnh vực khoa học vũ trụ. Ảnh: ESA |
Cuộc chạy đua còn có sự góp mặt đến từ SpaceX của Elon Musk, nhà đồng sáng lập của Paypal, Sratolaunch Systems của Paul Allen, trong khi Richard Branson ấp ủ tham vọng đi đầu ngành công nghiệp du lịch vũ trụ ở quỹ đạo thấp với Virgin Galactic. Gần đây nhất, tỷ phú – ông trùm bất động sản Robert Bigelow đang chạy đua với thời gian nhằm thực hiện hóa giấc mơ “khách sạn vũ trụ” dành cho con người.
Thực ra, lĩnh vực vũ trụ đã từng là niềm say mê của các khoa học gia cũng như các “tay chơi” nghiệp dư trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng rất ít những phát minh đến từ các nhà tài phiệt đem lại những lợi ích và khoản lợi nhuận đáng kể trong việc đưa con người vào không gian.
Vậy tại sao trong những năm gần đây, cuộc đua chinh phục vũ trụ lại thu hút sự tham gia của giới nhà giàu, với số tiền khổng lồ lên đến 80 tỷ USD được rót vào các dự án đầu tư vũ trụ đầy táo bạo?
Trong lịch sử nhân loại, đã có không ít các nhà tài phiệt bày tỏ tham vọng trong các dự án thăm dò không gian. Cả hai “ông vua” trong ngành thép và dầu mỏ là Andrew Carnegie và John D. Rockefeller đã từng đầu tư hàng triệu đôla vào công cuộc đưa người lên vũ trụ trong thời kỳ sơ khai của lĩnh vực khoa học không gian.
Những tỷ phú này nhận thức được rằng, những khoản tiền khổng lồ mà họ đầu tư vào lĩnh vực đầy tốn kém và rủi ro này có thể không đem lại những khoản lợi nhuận kếch sù như kinh doanh đơn thuần. Thế nhưng cá tính táo bạo, thậm chí ngông cuồng đã thúc đẩy những người làm kinh doanh sẵn sàng vượt qua tất cả những thách thức đến từ một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với họ.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những tác động tiêu cực mà các dự án thăm dò không gian đem lại đối với nền kinh tế. Vào những năm 60 của thế kỷ trước – thời kỳ đỉnh cao của cuộc chạy đua vũ trụ, khi con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, các thị trường chứng khoán trên thế giới chứng kiến suy giảm “chưa từng có tiền lệ” trong các lĩnh vực thiết bị điện tử và không gian.
Thậm chí, mặc dù được kỳ vọng sẽ trở thành một ngành kinh doanh “béo bở” trong một thị trường đặc thù, du lịch vũ trụ vẫn chưa phát triển xứng đáng với niềm năng của nó. Con người có thể khai thác vô số loại khoáng sản quý hiếm trên các tiểu hành tinh ngoài vũ trụ, thế nhưng không phải tất cả các đá quý đó đều được săn đón trên thị trường.
Thực tế, số tiền thu về từ việc bán đi những loại đá quý đó không thấm vào đâu so với việc bù đắp những thiệt hại kỹ thuật từ những con tàu thám hiểm không gian.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, tiềm năng thương mại khổng lồ vẫn thôi thúc những tỷ phú bỏ qua những rào cản để dấn thân vào các dự án thăm dò vũ trụ.
Vào năm 2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Không gian, cho phép các công ty tư nhân khai thác và sở hữu khoáng sản bên ngoài Trái Đất. Trước đó, các thỏa thuận từ những năm 1960 đã nghiêm cấm sở hữu tư nhân các của cải tại các hành tinh khác trong vũ trụ.
Thế nhưng, Đạo luật Không gian 2015 sẽ đặt nền móng cho một khuôn khổ pháp lý mới, cho phép các doanh nghiệp đẩy mạnh các dự án khai thác tiềm năng bên ngoài không gian.
Không thể không nhắc đến những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ của loài người đã khiến du lịch không gian dần nằm trong tầm tay của loài người.
Theo ước tính của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), chương trình thám hiểm mặt trăng Apollo của chính phủ Mỹ “tiêu tốn” hơn 200 tỷ USD, tính theo giá trị hiện tại. Ngay cả tỷ phú Bezos với tổng tài sản lên đến 46 tỷ USD, cũng không thể “kham” nổi dự án đầy tham vọng mà cũng hết sức tốn kém này.
Ngược lại, chỉ cần 100 triệu USD, SpaceX của Musk đã có thể đưa con người vào vũ trụ. Điều này càng chứng tỏ, công nghệ đã đem lại những lợi thế nhất định cho những “ông lớn” ngành kinh doanh trong lĩnh vực không gian.