Đi tiên phong trong mô hình kinh tế chia sẻ, các nền tảng gọi xe trực tuyến như Grab và đặc biệt là Uber được xem là những biểu tượng rõ ràng nhất của kỷ nguyên cách mạng công nghệ.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Uber, Grab luôn đứng giữa 2 lằn ranh gây tranh cãi: công ty vận tải hay nền tảng kết nối kỹ thuật số.
Dù cả Uber và Grab đều nhiều lần khẳng định mình là các công ty công nghệ chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải, kết nối giữa các khách hàng có nhu cầu và những đối tác có xe nhàn rỗi nhưng đã có nhiều nước và có thể sắp tới là Việt Nam xem các hãng gọi xe là công ty vận tải.
Trong số này, phán quyết của tòa Công lý châu Âu (ECJ) được xem là đòn giáng mạnh nhất vào mô hình hoạt động của Uber nói riêng và các công ty gọi xe trực tuyến khác nói chung trên thế giới.
Tòa châu Âu: Quy định cước phí, Uber chính là hãng dịch vụ vận tải
Tháng 12/2017, ECJ phán quyết xem Uber là một công ty vận tải. Kết quả trên được đưa ra khi trận chiến pháp lý giữa Uber và các hiệp hội taxi truyền thống tại châu Âu đã kéo dài nhiều năm.
Năm 2014, đơn khiếu nại đầu tiên được gửi đến ECJ từ một nhóm các công ty taxi ở Barcelona, Tây Ban Nha khi cho rằng Uber đã cạnh tranh không lành mạnh vì không phải tuân thủ các điều luật kinh doanh của ngành vận tải truyền thống.
Uber gặp phải sự phản đối quyết liệt từ các công ty taxi ở Barcelona nói riêng và nhiều thành phố châu Âu nói chung. Ảnh: La Vanguardia. |
Luật sư đại diện cho các công ty khởi kiện Uber khi đó khẳng định Uber đang cố tình đánh tráo khái niệm bằng cách gọi mình là công ty công nghệ trong khi hãng gọi xe này thực chất cung cấp dịch vụ vận tải.
Tờ Politico dẫn lời ông Karima Delli, Chủ tịch Ủy ban Giao thông của Nghị viện châu Âu, cho rằng Uber đã cố tình khai thác kẽ hở trong luật pháp châu Âu và các nước thành viên để trốn tránh một số nghĩa vụ kinh tế.
Mặc dù Uber tuyên bố chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số kết nối những người lái xe nhàn rỗi với khách hàng, ECJ đã chỉ ra Uber đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức vận tải khi kiểm soát hoàn toàn cước phí và cách trả tiền cho tài xế cũng như quy định những ai được phép tham gia lái xe lẫn sử dụng dịch vụ.
Kết luận của ECJ phần nào tương tự dự thảo nghị định mới của Bộ GTVT thay thế nghị định 86/2014. Theo dự thảo, kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.
Lý do để ECJ coi Uber là hãng vận tải phần nào tương tự các điểm trong nghị định mới tiến tới quản lý Grab như taxi truyền thống của Bộ GTVT. Ảnh: Reuters. |
Là công ty vận tải, hãng sẽ có trách nhiệm hơn với tài xế
Việc ECJ thông qua phán quyết coi Uber như một công ty vận tải được xem là bước đi giúp gia tăng các quyền lợi của tài xế Uber tại châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng.
Jason Moyer-Lee, Tổng thư ký Liên đoàn Lao động độc lập Anh, tổ chức đại diện cho các tài xế Uber tại quốc gia này, hoan nghênh bản án của ECJ và phát biểu với tờ The Guardian rằng, bằng cách xem mình là một công ty công nghệ, Uber không phải bận tậm đến mức lương tối thiểu và thu nhập phải trả vào ngày lễ cho các tài xế. Một khi trở thành công ty vận tải, Uber sẽ không thể ngó lơ việc này.
Trong khi đó, Tổng thư ký Hội Công đoàn Anh gay gắt phát biểu: “Tài xế của Uber xứng đáng nhận được lương tối thiểu và thù lao cho ngày nghỉ. Những tiến bộ trong công nghệ nên được dùng để khiến công việc của họ tốt hơn chứ không phải quay trở lại cách làm của nhiều thập kỉ trước”.
Việc Uber bị quản lý như công ty taxi được các công đoàn tại Anh đánh giá sẽ giúp tài xế nhận được nhiều quyền lợi hơn. Ảnh: LA Cannabis News. |
Trong thực tế, Uber đã nhiều lần bị các tài xế kiện vì các vấn đề liên quan đến quyền lợi lao động trước đó.
Tháng 10/2016, hai tài xế Uber tại London đã đệ đơn kiện công ty khi họ cho rằng mình là lao động được Uber thuê vì mọi hoạt động đều bị kiểm soát nhưng lại không nhận được các quyền lợi cơ bản của người lao động.
Tại Mỹ, Uber từng bị các tài xế ở bang California và Massachusetts kiện vì bị xếp vào nhóm lao động tự do vào giữa năm 2016. Đầu tháng 1 vừa qua, Uber phải trả 3 triệu USD cho hơn 2.000 tài xế của hãng tại New York khi bị kiện vì trả lương quá thấp.
Tháng 9/2017, Uber không được gia hạn giấy phép tại London, một trong những thị trường quan trọng nhất trên thế giới với công ty này. Khi kháng cáo quyết định trên, Uber đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của Công đoàn nước Anh.
Tổ chức này cho rằng Uber khuyến khích các tài xế của mình làm việc quá số giờ cho phép, qua đó tạo ra mối nguy hiểm đối với họ nói riêng và cộng đồng nói chung.
Cơ quan quản lý giao thông London chỉ vừa cấp lại quyền hoạt động của Uber tại thủ đô nước Anh trong 15 tháng vào tháng 6 vừa rồi kèm theo nhiều điều khoản, trong đó có quy định Uber phải báo cáo đầy đủ những khiếu nại liên quan đến an toàn với cơ quan này.