Nhà cổ, nhà cao tầng đều sập
Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nepal cũng bị động đất phá hủy. Ảnh: BBC |
Ngày 25/4, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ở Nepal. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ đô Kathmandu và thung lũng cùng tên. Kathmandu là thành phố lớn và đông dân nhất của Nepal. Theo kết quả điều tra dân số năm 2011, Kathmandu có khoảng 1 triệu dân.
Ở thời điểm hiện tại, Kathmandu là trung tâm kinh tế, văn hóa của Nepal. Thành phố này có những cung điện, đền chùa cổ kính, được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Khi động đất xảy ra, hàng loạt công trình ở thủ đô Kathmandu đổ sập trong nháy mắt. Tháp cổ 9 tầng Dharahara, điểm nhấn của thủ đô Nepal, nằm trong số những công trình bị hư hại hoàn toàn. Tòa tháp cao khoảng 60 m, được xây dựng từ năm 1832. Nó tồn tại sau trận động đất mạnh 8,4 độ Richter năm 1934 ở Nepal.
Từ Dharahara, người ta có thể quan sát toàn bộ thủ đô. Vé vào cửa rẻ khiến mọi du khách đều cố ghé qua đây khi tới thành phố. Khi tòa tháp sập, hàng trăm người đang nhìn ngắm Kathmandu từ trên cao. Theo Times of India, người ta tìm thấy ít nhất 180 thi thể bên dưới đống gạch vụn của Dharahara.
Một nạn nhân bị động đất chôn vùi. Ảnh: AP |
Điểm nhấn khác của Kathmandu là khu đền chùa cổ kính nằm giữa trung tâm thành phố. Chúng ra đời khi con người chưa thể tính toán tác động của địa chấn đối với các tòa nhà. Sau trận động đất 7,9 độ Richter, hàng loạt công trình đổ sập khi có rất nhiều du khách đang thăm viếng.
Trong quá khứ, vật liệu xây dựng chủ yếu của người dân Nepal là đất nung. Chúng thân thiện với môi trường nhưng không thể bảo vệ con người trước cơn địa chấn lớn. Trong khi đó, những tòa nhà kiên cố bằng bê tông cốt thép cũng đổ sập sau địa chấn. Theo BBC, chất lượng các công trình xây dựng bị buông lỏng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng sập.
Động đất có sức tàn phá khủng khiếp
Vị trí và khu vực ảnh hưởng của động đất. Đồ họa: Vĩnh Thành |
Trận động đất xảy ra ngày 25/4 có cường độ mạnh nhất trong hơn 8 thập kỷ qua ở Nepal. Guardian dẫn lời giáo sư địa chất David Rothery, cho biết, tâm chấn động đất nằm ở khá nông, khiến những cơn rung lắc trở nên dữ dội hơn dù nền đá cứng. Ngoài những ngôi nhà bị sập, động đất có thể gây ra hiện tượng lở đất, cô lập những khu vực xa xôi hẻo lánh.
Khu vực động đất xảy ra nằm gần đường nứt gãy địa chất lớn. Nó chịu ảnh hưởng từ sự dịch chuyển của mảng kiến tạo Ấn Độ. Khu vực này thường xuyên hứng chịu các cơn địa chấn mạnh, bao gồm trận động đất hơn 8 độ Richter năm 1934.
Roger Bilham, chuyên gia về địa chất của Đại học Colorado (Mỹ), có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu lịch sử của các trận động đất tại khu vực Nam Á. Ông cho biết, cơn địa chấn lần này kéo dài từ một đến hai phút nhưng đã khiến mảng Ấn Độ trượt khoảng 3 m theo hướng đoạn đứt gãy. "Trận động đất đã di chuyển toàn bộ thành phố Katmandu về phía nam khoảng 3 m", ông Bilham nói.
Bới gạch vụn bằng tay không tìm người mắc kẹt
Người tình nguyện đào bới gạch vụn tìm nạn nhân động đất. Ảnh: Getty |
Ngay sau khi động đất xảy ra, người dân vội vã đào bới những công trình bị sập tìm kiếm nạn nhân. Các hãng truyền thông cho biết, những người tình nguyện đào bới bằng tay không ở thủ đô Kathmandu. Theo các chuyên gia, 72 giờ đầu sau thiên tai là thời khắc vàng để cứu những người mắc kẹt.
Giới chức Nepal lo ngại, số nạn nhân động đất sẽ tiếp tục tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các khu vực hẻo lánh trong những ngày sắp tới. Nepal cũng đã yêu cầu quốc tế giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng cứu hộ Ấn Độ và Mỹ đã lên đường tới các vùng bị tàn phá ở Nepal.