Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động đất ở Nepal là không thể tránh khỏi

Các nhà khoa học cho biết, các hoạt động kiến tạo địa tầng địa chất diễn ra mạnh mẽ cùng điều kiện địa lý khu vực khiến Nepal trở thành nơi hứng chịu các trận động đất kinh hoàng.

Trận động đất xảy ra hôm 25/4 tại Nepal khiến gần 2.000 người thiệt mạng. Ảnh: EPA

Hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ chỉ là một tiểu lục địa hoàn toàn tách biệt. Do biến đổi địa chất, mảng Ấn Độ trượt dần về phía châu Á và tạo thành một khối như ngày nay. Tại nơi giao nhau, những ngọn núi hình thành và mỗi năm cao thêm từ 4 đến 5 cm.

Hàng triệu năm biến động đã tạo nên những ngọn núi cao nhất thế giới, trên dãy Himalaya. Sự kiến tạo địa tầng này cũng đi cùng với những cơn địa chấn lớn.

Các chuyên gia địa chất đã cảnh báo về mối nguy hiểm luôn rình rập người dân ở thành phố Katmandu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, số người thiệt mạng tại Nepal hôm 25/4 là không thể tránh khỏi, bởi các hoạt động kiến tạo địa tầng trong khu vực quá mạnh so với sức chịu đựng của những tòa nhà.

Lịch sử các trận động đất ở Nepal. Đồ họa: Aljazeera

GeoHazards International (GHI), một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, cố gắng giúp những người dân nghèo tại các vùng "dễ tổn thương" như Nepal chuẩn bị đối phó với các thảm họa. Trận động đất hôm 25/4 là trận động đất lớn nhất xảy ra tại khu vực này trong vòng 80 năm qua năm qua.

Năm 1934, hơn 10.000 nạn nhân thiệt mạng trong một cơn địa chấn 8,1 độ Richter xảy ra tại miền đông Nepal, cách ngọn Everest khoảng 10 km về phía nam. Một trận động đất với cường độ nhỏ hơn, 6,8 độ Richter, xảy ra năm 1988 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Brian Tucker, người sáng lập kiêm chủ tịch GHI, cho biết trong những năm 1990, tổ chức của ông đã dự đoán rằng nếu một cơn địa chấn mạnh tương tự trận động đất năm 1934 xảy ra, khoảng 40.000 người có thể sẽ thiệt mạng. Nguyên nhân là lượng dân cư trong thành phố quá lớn và cơ sở hạ tầng nơi đây khá mỏng manh và dễ sụp đổ.

Trong một tài liệu đăng tải vào tháng này, GHI viết: "Với tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm đạt 6,5%, Katmandu là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng dân cư cao nhất thế giới. Khoảng 1,5 triệu người đang sống tại thung lũng Katmandu đang phải đối mặt với nguy cơ động đất nghiêm trọng".

Tổ chức này cũng giúp người dân Nepal thành lập một đơn vị phi lợi nhuận ở địa phương nhằm chuẩn bị các công việc nhằm đối phó thảm họa, bao gồm cả việc gia cố trường học và bệnh viện.

Tâm chấn nông gây rung lớn trên bề mặt

Do ảnh hưởng của trận động đất ở Nepal hôm 25/4, một trận lở tuyết xảy ra trên núi Everest khiến ít nhất 18 người thiệt mạng. Ảnh: AP

Trận động đất hôm 25/4 xảy ra ở phía đông bắc thủ đô Katmandu, tại độ sâu tương đối nông, khoảng 11 km. Điều này gây ra độ rung lớn trên bề mặt. Tuy nhiên, cường độ của cơn địa chấn chỉ dừng lại ở mức 7,9 độ Richter, nhẹ hơn trận động đất năm 1934.

Roger Bilham là một chuyên gia về địa chất của Đại học Colorado (Mỹ) có nhiều năm kinh nhiệm trong việc nghiên cứu lịch sử của các trận động đất tại khu vực Nam Á. Ông cho biết, cơn địa chấn lần này kéo dài từ một đến hai phút nhưng đã khiến mảng Ấn Độ trượt khoảng 3 m theo hướng đoạn đứt gãy.

"Trận động đất đã di chuyển toàn bộ thành phố Katmandu về phía nam khoảng 3 m”, ông Bilham nói.

Cơn địa chấn hôm 25/4 có thể chỉ là dấu hiệu cho một trận động đất khác lớn hơn, nhưng Tiến sĩ Bilham cho biết, điều đó khó xảy ra.

Thủ đô Kathmandu và thung lũng xung quanh tọa lạc trên một lòng hồ cổ đại cạn nước. Đặc điểm này khiến cho sự tàn phá của các cơn địa chấn trở nên khủng khiếp hơn. "Đất ở vùng này rất mềm khiến những chuyển động địa chấn càng khuếch đại", Tiến sĩ Tucker nói.

Các chuyên gia cho hay, Katmandu không phải là nơi duy nhất phải hứng chịu một cơn động đất chết chóc. Các thành phố như Tehran (Iran), Lima (Peru) và Padang (Indonesia) cũng là những vùng dễ "tổn thương". Tại đây, các hoạt động cấu tạo địa chất diễn ra mạnh mẽ. Những tiêu chuẩn trong xây dựng và công tác chuẩn bị đối phó với thiên tai khá kém.

Tuy nhiên, một số nơi cố gắng cải thiện tình hình. Suốt 76 năm qua, nhiều trận động đất xảy ra trên cùng một đoạn đứt gãy ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1999, 17.000 người, chủ yếu là cư dân của thành phố Izmit - phía đông thành phố Istanbul, thiệt mạng sau một cơn địa chấn. Các nhà khoa học dự đoán, tâm chấn của các trận động đất lớn tiếp theo sẽ ở quanh khu vực thành phố Istanbul.

"Istanbul là nơi hăng hái nhất trong việc thực thi các tiêu chuẩn xây dựng. Tôi nghĩ, chính quyền nơi đây đang đi đúng hướng", Tiến sĩ Tucker nói.

Những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử thế giới

Trận động đất mạnh nhất thế giới có cường độ 9,5 độ Richter xảy ra tại Chile năm 1960 và được mô tả là "cơn thịnh nộ của lòng đất".

Cảnh màn trời chiếu đất sau cơn địa chấn kinh hoàng ở Nepal

Hàng chục nghìn người tại Nepal không còn nơi nương thân sau cơn động đất mạnh 7,9 độ Richter rung chuyển nước này hôm qua.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm