Ngày 13/7, Sở Công Thương TP.HCM đã có chỉ đạo thí điểm cho các chợ truyền thống đang phải tạm dừng hoạt động được tái mở cửa với điều kiện chỉ có từ 2 đến 10 tiểu thương bán hàng thiết yếu.
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt siêu thị, cửa hàng tiện lợi và kênh giao hàng online liên tục bị quá tải.
Về vấn đề này, tại cuộc họp chiều 15/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công Thương chú ý đến những khu phố đông người dân có thu nhập thấp.
Gánh nặng cung ứng hàng hóa đang dồn hết vào kênh phân phối hiện đại - vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng cho thị trường TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nơi chưa có phương án, nơi dè dặt
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng nếu 22 quận, huyện đồng loạt triển khai, nguồn cung cấp thực phẩm sẽ ổn định. Quận, huyện nào gặp khó khăn, chưa triển khai thì thông tin ngay về sở để cùng tìm hướng giải quyết.
"Trường hợp có nhiều tiểu thương có nhu cầu thì bố trí kinh doanh luân phiên, hướng dẫn chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sẵn theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán", ông Phương chỉ đạo.
Tuy nhiên, đến ngày 16/7, 3 ngày sau chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công Thương, nhiều quận, huyện cho biết vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại chợ truyền thống tại địa bàn. Nói với Zing, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết chưa có phương án, kế hoạch cụ thể mở cửa trở lại chợ truyền thống hay chợ đầu mối nông sản Hóc Môn.
Tương tự, bà Kim Thoa, Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5) cũng cho biết hiện tại chợ chưa có phương án mở cửa trở lại vì địa bàn đang có nhiều ca nhiễm phức tạp.
Nhiều người cho rằng cần tận dụng tối đa năng lực của chợ truyền thống trong lúc kênh siêu thị đang quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Mới đây, khu vực chợ có 64 tiểu thương dương tính với Covid-19, xung quanh các hộ dân có 16 ca nhiễm liên quan. Hiện tại, tôi cũng đang phải cách ly tại nhà, do đó phía quận và ban quản lý chợ chưa thể có kế hoạch hoạt động chợ trở lại thời điểm này", bà nói.
Theo bà việc thí điểm chỉ có thể thực hiện khi khu vực chợ và xung quanh chợ đó cơ bản kiểm soát được dịch.
Một số quận, huyện khác cũng rất thận trọng trong việc triển khai phương án này. Đặc biệt ở những chợ nằm trong khu vực dịch diễn biến phức tạp.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, việc mở cửa, sắp xếp một số điểm bán thực phẩm thiết yếu như rau, củ quả là hợp lý bởi đây là khu vực thông thoáng, không phải không gian kín máy lạnh như siêu thị.
Đảm bảo đúng giãn cách, chia ô, vạch và vị trí giữa các tiểu thương. Kiểm tra thường xuyên, nếu không chấp hành cho nghỉ ngay lập tức.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Thời điểm này cần phát huy năng lực của chợ truyền thống để giảm tải cho các siêu thị, tuy nhiên cần siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. "Đảm bảo đúng giãn cách, chia ô, vạch và vị trí giữa các tiểu thương. Kiểm tra thường xuyên, nếu không chấp hành cho nghỉ ngay lập tức", ông nói.
Theo ông, các chợ vẫn cần áp dụng phiếu mua hàng, giới hạn số lượng và thời gian ra vào để tránh lây nhiễm.
Có thể kẻ ô, kẻ vạch để bán ở giữa lòng, lề đường
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ làm việc với các địa phương để đánh giá việc mở lại các chợ truyền thống.
Theo đó, chợ truyền thống sẽ hoạt động lại theo mô hình tự quản, dưới sự giám sát và điều hành của hội phụ nữ, thanh niên tự quản; giảm thiểu tối đa số lượng sạp để giảm khoảng cách 5K. "Đồng thời hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu”, ông Vũ khẳng định.
“Làm sao đưa các chợ đủ điều kiện hoạt động để người dân có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với nguồn rau củ quả”, ông nói thêm.
Về vấn đề cung ứng hàng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần tiếp tục huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân.
Hiện nay TP.HCM có 22 quận, huyện, nhu cầu người dân trải dài khắp các địa phương này khác nhau do đó phải tính toán cụ thể. Ví dụ, một điểm có thể cung cấp bao nhiêu lượng hàng hóa để khớp nối hệ thống phân phối và nhu cầu người dân từng địa bàn.
Thời gian qua, để giảm tải cho kênh bán lẻ hiện đại, Sở Công Thương đã kết hợp các siêu thị tổ chức điểm bán lưu động. Ảnh: Phương Lâm. |
"5-7 điểm, thậm chí chục điểm bán so với 22 quận, huyện cũng không giải quyết được bao nhiêu. Đặc biệt chú ý những khu phố đông dân cư có thu nhập thấp", ông nhấn mạnh.
Ông Phong cho biết Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có đưa ý kiến về mở lại chợ truyền thống. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc này.
Chủ tịch TP.HCM nêu ví dụ, thay vì bán trong chợ thì kẻ ô, kẻ vạch để bán ở giữa lòng, lề đường, đảm bảo giãn cách khi vào mua, theo mô hình ô bàn cờ. Cách làm này vẫn có thể phục vụ cho người dân, khi hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang vượt quá khả năng cung ứng.
Theo ông Phong, Sở Công Thương cần xem xét, tính toán cụ thể phương án từng địa bàn, chưa thể áp dụng trên phạm vi toàn TP.
Số liệu thống kê của Sở Công Thương TP.HCM đến chiều 15/7, chỉ còn 48 trong tổng số 238 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) hoạt động. Như vậy, có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.
Ở kênh phân phối hiện đại, có 7 siêu thị (bao gồm cả những siêu thị lớn), cùng 82 cửa hàng tiện lợi đang phải đóng cửa vì có liên quan Covid-19.