Vào ngày 24/1, tờ Guardian đưa tin các trợ lý của ông Mike Pence đã thừa nhận phát hiện một số tài liệu đóng dấu mật tại tư gia của cựu phó tổng thống ở Indiana.
Ông Mike Pence là thành viên mới nhất nối dài danh sách chính trị gia bị phát hiện lưu trữ tài liệu mật tại nhà riêng trong thời gian gần đây. Cả Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều đang đối mặt với các cuộc điều tra về vấn đề này. Trước đó, nhiều chính khách cũng gặp rắc rối vì không tuân thủ các quy trình an ninh.
Ông Tom Blanton, người điều hành Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ có trụ sở tại Đại học George Washington, cho biết: “Việc thất lạc tài liệu mật rất phổ biến và xảy ra mọi lúc”.
Nhiều chính trị gia dính bê bối lưu trữ trái phép tài liệu mật. Ảnh: Naeblys/Shutterstock.com. |
Lý do nhiều tài liệu mật tồn đọng?
Theo ông Blanton, rất nhiều thông tin có thể được phân loại mật. Một số tài liệu, chẳng hạn thông báo du lịch, có thể được coi là tài liệu mật dù chủ yếu chứa thông tin công khai trên báo chí.
Số tài liệu này lẽ ra phải được giải mật sau một thời gian, nhưng do quá trình giải mật không diễn ra tự động dẫn đến tình trạng tồn đọng. Đây là một phần lý do khiến các quan chức “chết chìm” trong thông tin mật.
Các tài liệu khác được đóng dấu "thông tin phân loại nhạy cảm" (SCI), chứa các chi tiết có thể làm lộ nguồn tin tình báo. Một số tài liệu SCI đã được tìm thấy tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida, theo những bức ảnh do FBI công bố.
Vì sao các chính trị gia mắc sai lầm khi xử lý tài liệu?
Ông Blanton cho rằng một phần lý do là khối lượng lớn tài liệu mật lọt qua tay các quan chức cấp cao. Nhiều tài liệu trong số đó thậm chí không cần phải được phân loại mật hoặc sẽ tự động được giải mật sau một vài năm.
Theo ông Moss, một vấn đề khác là các quan chức cấp cao - dù là tổng thống hay thành viên nội các - thường không được đào tạo bài bản về phương pháp bảo mật tốt nhất giống như các trợ lý cấp cao. Trong khi đó, họ có quyền truy cập vào các tài liệu nhạy cảm mà nhiều người khác không được tiếp cận.
Khi nhân viên mắc lỗi, họ có thể bị thu hồi giấy phép an ninh, bị đình chỉ hoặc sa thải, nhưng rất khó để để sửa chữa hành động của những người quyền lực nhất.
"Việc tăng cường đào tạo sẽ thay đổi (tình trạng này), nhưng trên thực tế, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra", ông Moss nói. "Một khi đạt được cấp độ quyền lực đó, (họ) có xu hướng đề cao quyền hạn của bản thân và không muốn bất kỳ ai cũng có thể nói họ nên làm gì”.
Trường hợp của ông Trump có điểm gì khác?
Chuyên gia an ninh pháp lý Brad Moss cho biết sự khác biệt lớn giữa sai lầm xử lý tài liệu mật của các chính trị gia khác và ông Trump là cách phản ứng sau khi phát hiện.
Đội ngũ của ông Trump đã hạ thấp mức độ nhạy cảm của các tập tài liệu tại dinh thự Mar-a-Lago. Ngoài ra, ông Trump cũng nhiều lần công kích Cơ quan Lưu trữ Quốc gia vì đã thông báo cho Bộ Tư pháp về vấn đề này, thậm chí còn mô tả cuộc điều tra là “bất hợp pháp”.
"Lẽ ra (ông ấy) phải thông báo cho chính quyền, đảm bảo các tài liệu được trả lại đúng cách cho cơ quan chính phủ có liên quan và đưa ra khỏi các địa điểm trái phép. Đó là những gì ông ấy cần làm", ông Moss nói.
"Ngược lại, (ông ấy) trì hoãn suốt 18 tháng, làm xáo trộn và cản trở cuộc điều tra", vị chuyên gia giải thích.
Ông Moss nói thêm rằng không có gì lạ khi các chính trị gia phải hầu tòa nếu bị phát hiệu lưu trữ tài liệu trái phép.
Theo Đạo luật Gián điệp và các điều khoản an ninh liên bang khác, mọi hành vi lưu giữ trái phép, xử lý sai hoặc lan truyền tài liệu đều vi phạm luật. Nhưng chính quyền Mỹ hiếm khi truy tố, ngoại trừ hai lý do - cố ý hoặc cản trở.
Nếu các nhà chức trách tin rằng các chính khách cố ý lưu trữ tài liệu để bán hoặc tiết lộ ra bên ngoài, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, như trường hợp của cựu Giám đốc CIA David Petraeus.
Ông Petraeus bị buộc tội tiết lộ tài liệu mật cho tình nhân cũ và người viết tiểu sử của mình. Dù đạt được thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp và tránh bị truy tố trọng tội, ông Petraeus vẫn bị kết án hai năm quản chế và nộp phạt 100.000 USD.
Những người vi phạm luật lưu trữ tài liệu mật cũng có thể chịu trách nhiệm pháp lý nếu cản trở cuộc điều tra về quá trình xử lý tài liệu.
Hậu quả chính trị?
Theo BBC, trong hầu hết trường hợp, các chính trị gia thường không chịu hậu quả về mặt pháp lý do xử lý sai tài liệu mật. Thay vào đó, họ thường chịu tác động về mặt chính trị, chẳng hạn trường hợp của bà Hillary Clinton.
Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, bê bối xử lý công việc bằng email cá nhân khi còn giữ chức ngoại trưởng của bà Hillary Clinton trở thành tâm điểm chú ý.
Hơn một tuần trước cuộc bầu cử, FBI đã mở cuộc điều tra. Dù cơ quan này kết luận không tìm thấy bằng chứng phạm tội, vụ việc vẫn ảnh hưởng đến hình ảnh của cựu ngoại trưởng Mỹ. Ông Trump - đối thủ của bà Clinton lúc bấy giờ - cũng nhiều lần sử dụng bê bối này để công kích bà trong chiến dịch tranh cử.
Ngoài Mỹ, giới chính trị gia ở một số nước khác cũng từng gánh hậu quả vì bất cẩn trong quá trình xử lý tài liệu.
Ông Maxime Bernier, Ngoại trưởng Canada dưới thời Thủ tướng Stephen Harper, buộc phải từ chức vào năm 2008 sau khi bạn gái chia sẻ trên truyền hình rằng ông đã để lại tài liệu mật trong căn hộ của cô. Ông Bernier nhanh chóng trở thành tâm điểm báo chí ngay sau đó.
Vào năm 2011, cựu Thủ tướng Anh Oliver Letwin cũng từng bị khiển trách vì một bức ảnh cho thấy ông vứt các tài liệu chính phủ vào sọt rác, dù không phải tài liệu mật. Ông đã công khai xin lỗi và ký cam kết thay đổi cách xử lý tài liệu cá nhân.
Cuốn sách đáng chú ý về Tổng thống Biden
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ” do Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản. Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.