Phút 39 trận bán kết đối đầu với Đan Mạch, tuyển Anh có pha tổ chức tấn công hay. Harry Kane chuyền bóng để Bukayo Saka thoát xuống trống trải. Sao trẻ Arsenal xâm nhập vùng cấm đối thủ, và với một đường căng ngang, lưới Đan Mạch rung lên.
Khi tất cả đều nghĩ Raheem Sterling ghi bàn, thì pha lập công được tính là tình huống phản lưới nhà của Simon Kjaer. Trong lịch sử, đây là kỳ Euro xuất hiện số bàn phản lưới nhà cao kỷ lục (11).
Pha đá phản lưới nhà gần nhất trong trận bán kết Euro 2020 giữa Anh và Đan Mạch. Ảnh: Getty Images. |
Điều gì đang xảy ra?
Có lẽ chúng ta nên cảm nhận điều gì đó bất thường từ khoảnh khắc Merih Demiral của tuyển Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đưa bóng vào lưới, tặng cho Italy bàn thắng mở tỷ số ở Euro 2020. Lần đầu tiên trong lịch sử, Euro khởi đầu bằng một pha đá phản lưới nhà. Bàn thua kiểu này chẳng khác nào dự báo về một kỳ Euro thảm họa cho hàng các phòng ngự.
Thật vậy, cho tới trước trận chung kết, số bàn phản lưới nhà tại Euro 2020 đã cán mốc 11 bàn. Thử làm phép so sánh, Cristiano Ronaldo dẫn đầu danh sách Vua phá lưới cũng chỉ có 5 bàn. Cầu thủ đoạt Chiếc giày vàng World Cup 2018 là Harry Kane cũng kết thúc giải với 6 pha lập công.
Euro 2020 có số bàn phản lưới nhà nhiều hơn so với 15 lần tổ chức trước đó. Liệu điều gì khiến số bàn phản lưới nhà xuất hiện nhiều đến thế tại Euro lần này?
Có phải cách bóng đá phát triển ngày nay khiến cầu thủ dễ đá phản lưới nhà hơn? Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới điều này? Hay chỉ là điều bình thường vốn vẫn hay diễn ra? Thực tế tất cả giả thuyết này đều đúng.
Phân tích kỹ, những bàn phản lưới nhà của Demiral trước Italy, Mats Hummels trước Pháp, Ruben Dias trước Đức hay gần đây nhất là Kjaer trước tuyển Anh, người ta dễ dàng nhận thấy một điểm chung. Bàn thua đều xuất phát từ các pha xuống biên, áp sát và căng ngang hiểm hóc từ đối phương.
Những tình huống tấn công như thế ngày một tăng trong bóng đá hiện đại. Thay vì tạt bóng, quyết định xâm nhập vùng cấm rồi chuyền vào trong tỏ ra nguy hiểm hơn.
Hậu vệ không còn cách nào khác buộc phải phá bóng trước khi tiền đạo đối thủ kịp ghi bàn. Khi họ đưa ra quyết định như thế, một là pha cản phá xuất sắc, không thì dễ dẫn tới bàn phản lưới.
Xu hướng chung của bóng đá hiện đại chỉ ra tỷ lệ các đường chuyền vào vùng cấm đang nhiều hơn. Các cú sút thực hiện bên ngoài khu vực cấm địa dần ít đi.
Thống kê từ tạp chí FourFourTwo cho thấy 2020/21 là mùa giải Premier League đầu tiên kể từ mùa 2010/11 chứng kiến số cú sút ngoài vùng cấm tăng lên, mặc dù chỉ hơn 30 lần so với mùa giải trước đó.
Không phải ngẫu nhiên khoảng cách sút trung bình giảm mạnh như vậy, kể từ khi dữ liệu về bàn thắng kỳ vọng (xG – PV) ra đời vào năm 2012. Hiện nay, cầu thủ chú trọng nhiều đến các cơ hội có giá trị cao hơn.
10 năm trước, trung bình một trận đấu ở Premier League chứng kiến 12,6 cú sút từ ngoài vùng cấm. Mùa trước, con số này chỉ là 8,6.
Để giải thích cho điều này, có lẽ nếu các đội cố gắng đưa bóng vào vòng cấm nhiều hơn - xin nhấn mạnh cố gắng "đưa bóng vào" - thì tỷ lệ các bàn đá phản lưới nhà xuất hiện càng nhiều. Lẽ dĩ nhiên, khi bóng cứ lảng vảng trong khu vực gần thủ môn, kiểu gì cũng dễ có bàn thắng hơn.
Pha "đốt đền" hài hước của thủ thành Slovakia. Ảnh: Reuters. |
Sự cố không mong đợi
Tất nhiên, vẫn có một số pha “đốt đền” không tuân theo quy luật nào cả. Hài hước nhất là tình huống tự đấm bóng vào lưới của thủ môn Slovakia Martin Dubravka trong trận thua Tây Ban Nha 0-5 ở vòng bảng. Kế đó là pha xử lý bất cẩn của thủ môn Unai Simon khi đón đường chuyền về của Pedri trong trận Tây Ban Nha thắng Croatia ở vòng 1/8.
Hai khoảnh khắc hài hước trên không đại diện cho bất kỳ xu hướng nào, mặc dù có cảm giác rằng số lượng pha bóng sai lầm có phần cao bất thường tại Euro 2020. Chẳng hạn suýt chút nữa Raheem Sterling kiến tạo cho Thomas Muller khi tuyển Anh vượt qua Đức ở vòng 1/8.
Sẽ rất ngây thơ nếu coi sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần là một yếu tố nhỏ. Khi đôi chân không còn thanh thoát, sai lầm hoàn toàn có thể xuất hiện. Sau một mùa giải dài chinh chiến trên khắp mặt trận, các cầu thủ đôi khi không đủ tỉnh táo để xử lý bóng chính xác.
Euro 2020 chỉ còn một trận đấu nữa là khép lại. Số bàn thắng đến từ các pha phản lưới nhà có thể coi là điểm nhấn ở VCK này. Và trong trận chung kết, chẳng bất ngờ nếu một pha đá phản lưới nhà có thể quyết định Italy hay Anh là đội lên ngôi vô địch.
Từ xưa, những bàn thua kiểu như vậy luôn tồn tại. Dù vậy, chưa bao giờ số pha phản lưới nhà lại nhiều như thế ở Euro năm nay. Nhưng không thể phủ nhận rằng "đốt đền" làm tăng thêm sự thú vị cho một kỳ Euro đầy màu sắc.