Kết thúc phiên 18/7, các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ giải ngân hơn 1.100 tỷ đồng để gom mạnh cổ phiếu các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại, đồng thời là phiên mua ròng có quy mô lớn nhất kể từ đầu năm.
Diễn biến này được xem là bất ngờ bởi từ đầu năm đến nay, xu hướng chung của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là bán ròng.
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ra gần 309.300 tỷ đồng giá trị chứng khoán tại thị trường Việt Nam và chỉ thực hiện mua vào hơn 249.100 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 60.200 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).
Nhà đầu tư nước ngoài chốt lời
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc phòng Khách hàng Cá nhân tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết việc thiếu vắng dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn "dậm chân tại chỗ" quanh vùng 1.280 điểm trong thời gian qua.
Khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, thanh khoản trên thị trường giảm, làm giảm sức mua và áp lực tăng giá của cổ phiếu.
Ngoài ra, dù chỉ chiếm 8-12% giá trị giao dịch mỗi phiên, dòng tiền ngoại vẫn có sức ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường. Khi thiếu vắng dòng tiền này, thị trường có thể trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước khác do thiếu sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư lớn và các tổ chức tài chính quốc tế.
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế và sự hồi phục chung của thị trường chứng khoán, chuyên gia này cho rằng có nhiều lý do giải thích nguyên nhân các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì khối lượng bán ròng lớn.
Khối ngoại bán ròng hơn 2,4 tỷ USD kể từ đầu năm 2024, bất chấp xu hướng phục hồi của chứng khoán Việt. Ảnh: TradingView. |
Trước hết, đây là hành động chốt lời sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhằm bảo vệ lợi nhuận. Đơn cử, động thái này có thể dễ dàng nhận thấy nếu nhìn vào diễn biến mua bán cổ phiếu FPT, mã chứng khoán công nghệ đã có lập đỉnh 34 lần kể từ đầu năm, của khối ngoại.
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT hiện chỉ còn chiếm gần 45%. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đang hở ra hơn 4%, tương đương hơn 51 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, lần cuối cùng room ngoại của FPT được lấp đầy là phiên giao dịch 23/5. Đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại tại FPT đã vượt 7.300 tỷ đồng.
Hay như FUEVFVND, chứng chỉ quỹ ETF ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng đã bị chốt lời gần 7.700 tỷ đồng khi đang dao động trong vùng giá cao kỷ lục.
Một trong những lý do khác khiến khối ngoại thận trọng hơn trong việc giải ngân tiên là sự bất ổn của thị trường toàn cầu, bao gồm lạm phát, căng thẳng địa chính trị. Tại Việt Nam, nền kinh tế cũng hứng chịu những biến động liên quan đến tỷ giá hối đoái hay yếu tố nội tại như lạm phát, tăng trưởng GDP, chính sách tiền tệ.
Cuối cùng, theo bà Thảo Như, các quỹ lớn thường có kế hoạch đánh giá lại và tái cơ cấu danh mục đầu tư vào cuối năm hoặc đầu năm mới. Quá trình này có thể tạo làn sóng bán ra cổ phiếu để chuyển sang các khoản đầu tư khác hoặc điều chỉnh tỷ trọng đầu tư.
Dòng tiền ngoại đi đâu?
Trái ngược với thị trường Việt Nam, chứng khoán Mỹ liên tục bùng nổ trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 tới. Theo vị lãnh đạo VDSC, đây cũng là lý do nhà đầu tư ngoại chuyển dòng tiền từ những thị trường cận biên như Việt Nam sang khu vực có hiệu suất sinh lời cao hơn.
Kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất có thể làm giảm chi phí vay vốn, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến việc rút vốn của nhà đầu tư ngoại.
Mặc dù kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng, nếu không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, điều này có thể dẫn đến việc rút vốn. Việc triển khai chậm trễ hệ thống giao dịch như KRX và thiếu các sản phẩm tài chính đa dạng có thể làm giảm sự hấp dẫn của thị trường.
Khi thấy thị trường Mỹ bùng nổ, nhà đầu tư sẽ cảm thấy cần phải tham gia vào cuộc chơi tại thị trường Mỹ để không bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc phòng Khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. "Nhiều nhà đầu tư vẫn thấy được tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam và sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng cường đầu tư tại đây", bà Thảo Như nhấn mạnh.
Trên thực tế, không riêng Việt Nam, các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan cũng bị nhà đầu tư quốc tế rút ròng mạnh. Tiêu biểu như thị trường Thái Lan đã bị rút ròng 2,5 tỷ USD trong hơn nửa năm qua.
Tín hiệu này cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở yếu tố nội tại của từng quốc gia mà còn có liên quan đến xu hướng đầu tư toàn cầu.
Tương tự, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, cho rằng một trong những lý do quan trọng dẫn tới áp lực rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài không những ở Việt Nam mà còn ở quy mô khu vực châu Á, phần lớn đến từ độ trễ trong kỳ vọng Fed hạ lãi suất.
Tình trạng này ảnh hưởng đến diễn biến tăng giá của đồng USD từ đầu năm, có lúc lên tới hơn 5%, và tác động lớn đến tỷ giá của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Sự chênh lệch lãi suất kéo dài cùng những bất ổn thương mại gia tăng dẫn tới áp lực rút vốn của các dòng vốn carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) và tạo lực bán mạnh trên thị trường chứng khoán.
Vị chuyên gia đánh giá đây là thời kỳ khá biến động khi cấu trúc dòng vốn toàn cầu đang thay đổi theo các chính sách điều hành của các ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phương, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, dự báo về ngắn hạn, tỷ giá giảm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước do nhà đầu tư nước ngoài hạn chế bán ròng, tâm lý thị trường có phần lạc quan hơn.
Khi Fed hạ lãi suất, tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt nhanh chóng. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 9, thị trường Mỹ vẫn còn 2 lần công bố số liệu kinh tế. Chỉ cần 1 dữ liệu không như kỳ vọng, Fed có thể nhanh chóng thay đổi quyết định.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những chính sách sau đó của vị lãnh đạo mới cũng tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc Fed thực hiện cắt lãi suất quá sớm có thể đóng lại cánh cửa sửa chữa sai lầm. Dự báo, tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay rất khó lường.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.