Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu FPT?

Các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau chốt lời cổ phiếu FPT trong bối cảnh thị giá liên tiếp tìm đỉnh. Kể từ đầu năm, dòng tiền ngoại đã rút hơn 7.500 tỷ đồng khỏi mã chứng khoán này.

Cổ phiếu FPT của CTCP Tập đoàn FPT luôn là mã chứng khoán yêu thích trong danh mục đầu tư của khối ngoại. Để “săn” được cổ phiếu đứng đầu ngành công nghệ, từng có thời điểm một số nhà đầu tư chấp nhận chi trả mức giá chênh lệch (premium) lên tới 20-30%.

Cũng lý do này, xuyên suốt lịch sử niêm yết, hiếm khi nào tập đoàn hở room ngoại trừ giai đoạn phát hành ESOP. Thế nhưng, trong vòng gần 2 tháng giao dịch trở lại đây, cổ phiếu FPT thường xuyên dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại.

Hưởng lợi từ cơn sốt AI

Theo dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến hết phiên giao dịch 12/7, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT chỉ còn chiếm gần 45%. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đang hở ra hơn 4%, tương đương hơn 51 triệu cổ phiếu.

Lần cuối cùng room ngoại của FPT được lấp đầy là phiên giao dịch ngày 23/5. Trong bối cảnh dòng tiền ngoại liên tục rút khỏi thị trường Việt Nam với quy mô xả ròng 5 tháng đầu năm ước tính hơn 1 tỷ USD, việc đứng ngoài phạm vi ảnh hưởng đã biến FPT trở thành một hiện tượng.

Không khó để lý giải vì sao các nhà đầu tư nước ngoài giữ chắc mã chứng khoán này. Kể từ cuối năm 2023, cổ phiếu FPT luôn nhận được các yếu tố tích cực từ thị trường.

Bên cạnh sự hồi phục rộng rãi của thị trường chứng khoán Việt Nam, "gã khổng lồ" Nvidia cũng tạo ra chất xúc tác đáng kể thúc đẩy thị giá FPT nói riêng và sóng cổ phiếu công nghệ nói chung.

Đầu tháng 12/2023, tỷ phú Jensen Huang sang công tác tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). CEO Nvidia đánh giá AI đang trở thành làn sóng mới và Việt Nam đã sẵn sàng cho công nghệ này, đồng thời cam kết đầu tư về con người cũng như hạ tầng cho Việt Nam.

co phieu fpt lap dinh,  khoi ngoai ban fpt anh 1

Cổ phiếu FPT liên tục tìm đỉnh cao mới. Ảnh: TradingView.

Hơn 4 tháng sau, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia ở lĩnh vực nghiên cứu AI. Trong đó, 2 bên dự kiến xây dựng nhà máy AI, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành đối tác phát triển dịch vụ trong mạng lưới đối tác của Nvidia.

Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.

Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu nhịp đi lên mạnh mẽ của mã chứng khoán này, leo từ 94.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) lên 120.000 đồng/cổ phiếu (+28%), trước khi quay đầu điều chỉnh vào cuối tháng 5.

Kết quả kinh doanh thuận lợi cũng hỗ trợ cổ phiếu FPT.

Trong năm 2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu vượt 52.600 tỷ đồng (+20%) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 7.800 tỷ đồng (+20%), đều vượt kế hoạch và là kết quả kinh doanh cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2024, FPT tiếp tục lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 18% so với năm ngoái.

Sau 5 tháng, FPT cho biết đã ghi nhận doanh thu đạt 23.916 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.313 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Như vậy, tập đoàn công nghệ này đã hoàn thành gần 39% chỉ tiêu doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận đề ra sau chưa đến nửa năm kinh doanh.

Nhà đầu tư nước ngoài 'tháo chạy' khỏi FPT

Thị giá liên tục lập đỉnh, kết quả kinh doanh đang đà đi lên, tuy nhiên trong thời gian gần đây, cổ phiếu FPT lại liên tục bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Khởi đầu từ phiên 24/5, khi VN-Index rơi hơn 19 điểm, cổ phiếu FPT bị chốt lời dữ dội với khối lượng giao dịch hơn 13 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.800 tỷ đồng, cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết gần 18 năm.

Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 2,7 triệu cổ phiếu FPT trong số này với giá trị gần 350 tỷ đồng. Từ thời điểm này, số lượng phiên bán ròng cổ phiếu FPT của nhà đầu tư nước ngoài liên tục được nối dài.

Chỉ tính riêng 7 tháng, cổ phiếu FPT đã có 34 lần lập đỉnh, gần nhất là ở mốc 139.600 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng 69% so với đầu năm, vốn hóa của tập đoàn này đã gần chạm 204.000 tỷ đồng, vượt qua “vua thép” Hòa Phát.

Bất chấp diễn biến tích cực này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 7.500 tỷ đồng cổ phiếu FPT, chỉ đứng sau FUEVFVND (-7.750 tỷ đồng) và VHM (-12.637 tỷ đồng).

NHỮNG CỔ PHIẾU BỊ KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG MẠNH NHẤT TỪ ĐẦU NĂM
Nguồn: FiinTrade.
NhãnVHMFUEVFVNDFPTVNMVREMSNVNDFUESSVFLVPBVIC
Giá trị bán ròng tỷ đồng 12637775175565642437137272374195919521912

Theo các công ty chứng khoán, động thái chốt lời của khối ngoại chỉ tác động đến diễn biến của FPT trong ngắn hạn. Mặt khác, làn sóng cổ phiếu công nghệ và xu hướng ứng dụng AI sẽ còn củng cố đà tăng của mã này.

Theo Chứng khoán MBS, cú bắt tay với Nvidia sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI tạo sinh đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, mảng công nghệ được dự báo duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số giai đoạn 2024-2025 nhờ doanh thu ký mới tăng ổn định và chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt lưu ý FPT đã được thị trường tái định giá ở mặt bằng mới sau khi công bố hợp tác với Nvidia và đầu tư xây dựng các trung tâm máy chủ AI nhằm đáp ứng nhu cầu bùng bổ của thị trường AI tạo sinh.

Dù triển vọng tăng giá trong ngắn hạn có thể bị hạn chế do định giá tăng quá nhanh trong thời gian ngắn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định và mạnh mẽ của FPT, vốn hưởng lợi từ xu hướng công nghệ toàn cầu và sự không ngừng phát triển năng lực cốt lõi trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như AI/ML, Cloud và công nghệ phần mềm ôtô, sẽ giúp củng cố xu hướng của giá cổ phiếu trong dài hạn.

Doanh nghiệp phân bón lãi lớn, cổ phiếu tăng gấp đôi sau nửa năm

Nhờ mua được lô nguyên liệu hợp lý, giá vốn của Supe Lâm Thao được cải thiện đáng kể, qua đó nâng lợi nhuận sau thuế quý II tăng gấp đôi lên 67 tỷ đồng bất chấp doanh thu suy giảm.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch ở mốc 1.280 điểm, giảm 0,2% so với tuần trước. Thị trường giao dịch thận trọng khi thanh khoản bị kéo tụt xuống còn 17.500 tỷ đồng.

Khối ngoại dừng bán ròng

Các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân ròng trở lại với quy mô trên 200 tỷ đồng trong phiên 11/7, chính thức kết thúc chuỗi bán ròng 24 phiên liên tiếp vừa qua.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm