Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhà báo tự do như Kenji Goto thành mục tiêu của IS?

Theo Tổ chức Nhà báo Không biên giới, IS thực hiện các vụ hành quyết nhà báo tự do nhằm cản trở nguồn đưa tin độc lập và ngăn chặn các thông tin về chúng lọt ra bên ngoài.

Kenji Goto là một nhà báo tự do đồng thời là nhà sản xuất phim. Ảnh:
Kenji Goto là một nhà báo tự do đồng thời là nhà sản xuất phim. Ảnh: Reuters

Cho tới nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã hành quyết 3 nhà báo. Vụ việc mới nhất liên quan tới phóng viên tự do Kenji Goto của Nhật Bản. Như nhiều nhà báo khác, Goto biết sự nguy hiểm luôn rình rập trong quá trình anh đưa tin tại các khu vực gần nơi chiến sự như Syria. Trước khi rơi vào tay IS, Tổ chức khủng bố al Qaeda từng bắt giữ nhà báo Goto nhưng sau đó chúng đã trả tự do cho ông. Hai nhà báo phương Tây mà IS hành quyết vào năm ngoái là James Foley và Steven Sotloff cũng biết rõ những nguy hiểm mà họ phải đối diện.

Cả 3 nhà báo đều bị IS giết hại bởi đất nước của họ trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ liên minh chống tổ chức cực đoan. Tuy nhiên, theo Christian Science Monitor, những lý do này không thể làm giảm vai trò của các nhà báo trong việc phơi bày những góc tối nhất trong điều kiện sống của con người.

Kỹ năng đưa tin đặc biệt của phóng viên Goto đã làm nổi rõ cảnh ngộ của những người vô tội giữa thảm họa. Ông đưa tin về những người dân tị nạn Syria suốt 4 năm nội chiến diễn ra tại quốc gia Trung Đông này. Trong cuộc nội chiến tại Sierra Leone, ông tập trung đưa tin về những ảnh hưởng của xung đột tới trẻ em.

"Người dân tại 'những tuyến đầu', nơi tôi tới và đưa tin, đều không cam chịu và luôn cố gắng để sống", Goto từng chia sẻ với tớ Christian Today phiên bản tiếng Nhật.

Goto mô tả việc ông tiếp xúc với mọi người sống tại các vùng chiến sự là "những cái ôm" để hiểu thêm nỗi đau và cả niềm hy vọng của họ. Trong video cuối cùng của Goto trước khi lên đường tới các quốc gia Trung Đông, ông đã bình tĩnh và nói trước máy quay rằng: "Dù bất kỳ chuyện gì xảy ra với tôi, tôi vẫn luôn yêu mến người dân Syria".

Goto còn muốn cho thế giới thấy rằng, phần lớn người Hồi giáo không phải là những phần tử cực đoan. Ông cũng muốn đính chính những thông tin mà nhiều cơ quan truyền thông đã đưa về họ.

Hiroshi Tamura, một mục sư tại nhà thờ mà Goto thường tới, nói rằng, cái chết của Goto sẽ không kéo theo phản ứng tiêu cực. "Nó sẽ trở thành tin buồn nhất nếu nỗi sợ hãi thống trị tâm trí con người vì cái chết", Hiroshi nói với tờ Japan Times.

Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, ít nhất 60 phóng viên trên thế giới đã thiệt mạng tại các vùng xung đột trong quá trình tác nghiệp. Bản báo cáo mới nhất của Tổ chức Nhà báo Không biên giới cho biết, đội ngũ phóng viên đang là mục tiêu của các hành động ngày càng man rợ của nhiều nhóm cực đoan. Số lượng các vụ lạm dụng cũng đang tăng nhanh chóng. Chúng thực hiện những điều này nhằm cản trở các nguồn đưa tin độc lập và ngăn chặn thông tin về chúng lọt ra ngoài.

Trong bối cảnh truyền thông truyền thống không thể chỉ dựa vào số lượng phóng viên tại các cơ quan thường trú nước ngoài, thế giới cần nhiều hơn những nhà báo tự do như Goto, hay còn gọi là "những nhà báo công dân". Họ là những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho mọi người.

Theo Christian Science Monitor, bảo vệ các nhà báo tự do là việc cần thiết, cũng giống như việc chúng ta bảo vệ ước muốn "sống trong sự thật" như nhà hoạt động nhân quyền người Czech Vasclav Havel từng nói. Đó cũng là cách để chúng ta ủng hộ uớc vọng về cuộc sống hòa bình của những người vô tội đang sống trong cuộc xung đột.

IS chặt đầu nhà báo Goto: Người Nhật đau đớn, giận dữ

Ngày 1/2, nhiều người dân Nhật đã lên tiếng thể hiện sự đau đớn và giận dữ với vụ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết nhà báo Kenji Goto.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm