Thờ phụng tổ tiên
Dân Việt Nam, như trên đã nói rất trọng lễ, và trong lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng.
Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, và đã hiếu với cha mẹ phải hiếu với ông bà tổ tiên tức là nguồn gốc của mình.
Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo những lời dạy bảo của các người, phải lựa ý chiều chuộng ăn ở sao để cho các người được hài lòng.
Khi các người trăm tuổi, ngoài việc lo ma chay chôn cất, con cháu phải thờ cúng các người, cũng như thờ cúng các tổ tiên về trước.
Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ Tết.
Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo của mình đều có thờ phụng tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa giáo. Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là đạo Ông Bà được. Là một đạo phải có giáo chủ và giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian tu sĩ.
Thờ phụng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất.
Phan Kế Bính trong Việt nam phong tục đã viết: “Xét cái phong tục tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người”.
Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, thì con người ta phải có tổ tiên mới có thể có mình được. Bỏ tổ tiên không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, huống chi ông bà là những người đã sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ là những người đã sinh dưỡng mình.
Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa(1), như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên qua bàn thờ Chúa.
Người Việt Nam thường bày biện chu toàn bàn thờ gia tiên vào ngày Tết. Ảnh: Phạm Thắng. |
Quan niệm thờ phụng tổ tiên
Qua việc thờ phụng tổ tiên, tại Việt Nam, người khuất và người còn sống luôn luôn như có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và vũ trụ thần linh.
Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và vẫn hằng lui tới với gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt.
Phan Phát Huôn, Việt Nam giáo sử.
Tục ta lại tin rằng dương sao âm vậy, người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy và cũng có một cuộc “sống” ở cõi âm như cuộc sống của người trần trên dương thế. Nói khác đi, người chết cũng cần ăn uống tiêu pha, có nhà ở như người sống.
Tin như vậy, việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được.
Tục cũng lại còn tin rằng vong hồn các người khuất thường luôn ngự trên bàn thờ để gần gụi con cháu, theo dõi con cháu trong công việc hàng ngày và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết.
Sự tin tưởng vong hồn ông bà cha mẹ ngự trên bàn thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không. Người ta sợ mang tội bất hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình.