Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ngư dân Việt giàu lên nhờ đánh cá ở Mỹ?

Theo ông Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Đóng tàu Mỹ, có nhiều nguyên nhân khiến cho ngư dân Việt Nam sang Mỹ đánh cá hưởng thu nhập cao hơn so với ở Việt Nam.

Câu chuyện nhiều ngư dân Việt sang Mỹ làm thủy thủ tàu cá có thu nhập cao, thậm chí có người trở thành tài công, thuyền trưởng của các tàu cá hiện đại trị giá hơn triệu USD nhận được quan tâm từ dư luận. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là tại sao ở nơi đất khách quê người, những con người ấy có thể thành công, trong khi tại Việt Nam, nghề cá vẫn không có chỗ đứng và người ngư dân phải giành giật cuộc sống từng ngày?

Zing.vn đã có cuộc trao đổi với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME), Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Dấu ấn ngư dân Việt ở Mỹ, Nhật

- Việc "xuất khẩu" ngư dân đã từng có tiền lệ hay mới trở thành trào lưu trong vài năm trở lại đây, thưa ông?

- Ngư dân Việt Nam sang các quốc gia phương Tây đi biển đã có từ rất lâu, và rất nhiều người thành công, có tên tuổi. Đặc biệt tại các thành phố như New Orleans (bang Louisiana, Mỹ), đảo Hawaii, hoặc các thành phố tại Canada. Ngoài ra trên các tàu cá của Australia, Nhật Bản... cũng có dấu ấn của ngư dân Việt Nam. Sở dĩ ngư dân Việt Nam được các quốc gia nước ngoài yêu mến và thích hợp tác bởi đức tính cần cù, chịu khó chịu khổ giỏi, ham học hỏi và tiết kiệm.

Ngoài ra nghề cá tại các quốc gia này khá phù hợp với ngư dân khi họ không phải học quá nhiều ngoại ngữ, chỉ cần các câu lệnh trên tàu cùng với giao tiếp cơ bản, ngư dân Việt Nam đã có thể hoàn toàn xoay sở trên các con tàu của người nước ngoài. Đã có nhiều người Việt thành công với nghề cá của các quốc gia này, thậm chí có người đã trở lên giàu có, sở hữu nhiều đội tàu đông đảo.

Chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình. Ảnh: Minh Tú.

- Vì sao tại Mỹ, ngư dân Việt Nam có thể phát triển được, trong khi đó tại Việt Nam, nhắc đến nghề cá là nhắc tới sự vất vả, nguy hiểm và nghèo nàn?

- Đó là một vấn đề mang tính hệ thống. Hệ thống đó thống nhất, đồng bộ và mạch lạc từ khâu thu mua sản phẩm, tổ chức, luật pháp, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm cho đến an ninh biển.

Ở đó, ngư dân của họ làm việc theo pháp luật và không có cơ hội lách luật. Tôi lấy ví dụ luật pháp của họ nghiêm cấm đánh cá con, trong khi ở Việt Nam chúng ta vẫn đang tận diệt nguồn lợi biển bằng các cách đánh cá lưới cào. Nhiều ngư dân Việt đã bị phạt rất nặng khi vẫn giữ cách làm việc đó trên đất Mỹ.

Tuy nhiên họ có ưu điểm hơn chúng ta khi mọi vấn đề đều được cụ thể hóa, đơn giản hóa vô cùng thiết thực. Ví dụ như chỉ với một tấm poster dán trên tàu, người ngư dân đã hiểu được về cơ bản họ được làm gì, không được làm gì, các biện pháp an toàn, các lệnh tín hiệu...

Trong khi đó tại Việt Nam, tôi từng được cầm trên tay một văn bản hướng dẫn luật hay hướng dẫn kỹ năng cho ngư dân mà dày như quyển sách vài nghìn trang. Sẽ chẳng có một người lao động nào bỏ thời gian để đọc hết cuốn sách ấy, và dù có đọc hết một lần thì những gì đọng lại trong đầu là không có bao nhiêu.

Câu chuyện đó cũng tương tự như vấn đề đầu ra của sản phẩm. Khi ngư dân của chúng ta loay hoay với việc đánh cá về sẽ bán cho ai, bán đi đâu, chật vật với sự ép giá của thương lái thì chính phủ Mỹ lại có những quy định về giá bán, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp ở đây hoạt động cũng dựa trên tính công khai, minh bạch và công bằng như vậy.

Ngư dân Việt Nam đánh cá ngừ tại Hawaii (Mỹ). Ảnh: Người Lao Động.

Khi sống và làm việc trong một hệ thống khép kín với đầy đủ các tiêu chuẩn trên, với tính cách chăm chỉ, việc thành công được của những người trên là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người làm nghề đánh cá phải đối chọi với nhiều thứ hơn, từ lo lắng tìm vốn để được ra khơi cho đến việc xoay sở đầu ra cho sản phẩm. Dường như nghề cá và ngư dân Việt Nam chưa được quan tâm một cách thiết thực và có khoa học. Đó là chưa kể đến vấn đề an ninh biển của nước ta không được đảm bảo, và mỗi chuyến ra biển ngay tại các ngư trường truyền thống đều là những chuyến đi lành ít dữ nhiều.

Học bơi trên cạn

- Vừa qua, đối tác Nhật Bản có đặt vấn đề đưa công nghệ Nhật về Việt Nam, cùng với các điều kiện chất lượng sản phẩm cho ngư dân và bao thầu toàn bộ đầu ra. Ông đánh giá thế nào về hành động này?

- Đó cũng là một minh chứng cho vấn đề thiếu đồng bộ của Việt Nam. Về câu chuyện câu cá ngừ kiểu Nhật, đã có thời điểm báo chí rộ lên việc cán bộ đi tập huấn một kiểu, về hướng dẫn ngư dân một kiểu. Và cả trường hợp ngư dân Việt Nam không thích nghi được với khoa học kỹ thuật của Nhật Bản.

Vì thế, một hành động hợp tác như Nhật Bản là không đủ, mà bản thân ngư dân và nghề cá của Việt Nam phải thay đổi và hình thành một hệ thống mang tính khoa học.

- Vậy làm thế nào để hình thành được hệ thống khoa học và đồng bộ mà ông đang đề cập tới?

- Điều này rất khó. Thực tế chúng ta là một quốc gia biển, nhưng không có nhiều người yêu biển. Ngay như cách chúng ta đào tạo những người đi biển đã không hiệu quả.

Tại Mỹ, nhiều trường hàng hải mạnh dạn mua những con tàu cũ, phế liệu và neo chúng ngoài cửa biển. Họ đưa sinh viên tới đó thực tập từ cách thả, kéo neo, buông lưới, vận hành máy, sửa chữa máy hoặc đơn thuần chỉ là lên các khoang thủy thủ và ăn ngủ ở đó.

Trong khi ở Việt Nam, sinh viên được rèn luyện đi biển trên bờ và trong các bể bơi. Cá biệt hơn, có trường cao đẳng còn xây một cái gác và dạy sinh viên thả neo trên bờ như thế nào. Chính những việc đó dần dần tạo cho sinh viên biển thói quen sợ biển. Cách giáo dục này không khác gì học bơi trên cạn. Nên nhớ chúng ta có rất nhiều tàu ma, nhiều tàu sắt vụn, và việc cải hoán chúng thành những giáo cụ trực quan là điều vô cùng thiết thực.

Thêm nữa, các đại học hàng hải của Việt Nam đang có quá nhiều tiến sĩ mà chẳng có mấy thủy thủ là người đi biển thực thụ. Vì thế, họ chỉ có thể dạy được những thứ giáo điều, thiếu thực tế. Và tất nhiên, ngư dân Việt Nam cũng nằm trong hệ thống giáo dục đó. Kỹ năng của ngư dân đa phần mang tính truyền thống, cha truyền con nối và cơ hội để tiếp cận với khoa học kỹ thuật nước ngoài là ít ỏi.

Ví dụ trong những năm 1998-1999, tôi có họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kỹ thuật đánh cá. Lúc đó, các quan chức ngành thủy sản còn khẳng định ngư dân không biết gì về máy định vị vệ tinh, thiết bị dò cá siêu âm... Nhưng thực tế, nhiều làng nghề ở Đà Nẵng, Bình Thuận họ đã có thiết bị này. Và nguồn cung lại từ chính những người thân đánh cá ở Mỹ đem về.

Cách giáo dục giáo điều, thiếu thực tế cùng với sự buông lỏng, không sát sao là tình trạng chung của không ít ngành kinh tế Việt Nam, không riêng gì nghề cá. Vì thế việc ở Việt Nam là bế tắc, nhưng sang các quốc gia tiến bộ khác lại có thể nở hoa là điều hoàn toàn dễ hiểu.

- Xin cảm ơn ông!

Ngư dân sang Mỹ... đánh cá

Nhiều ngư dân ở xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất ngoại sang Mỹ đánh cá đã góp nên câu chuyện về sự chịu thương, chịu khó của người Việt Nam.

Minh Tú

Bạn có thể quan tâm